Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

QUAY NHÌN LẠI

MỘT ĐOẠN ĐỜI

 

PHAN XUÂN SINH

 

Lâu lắm tôi không trở lại Huế, bởi nhiều lý do nhưng có lẽ lý do chính đáng nhất, tôi thường né tránh là tôi sợ nhìn lại những gì đã đánh mất. Thật tình thì những nơi chốn tôi dừng lại lâu ngày đều có ít nhiều mất mát. Thế nhưng với Huế thì lại khác đi, bởi lẽ cái khung cảnh trầm lặng cố hữu gây cho người đến một cái buồn mang mác, rưng rức. Huống gì trước đây đã sống ở Huế một thời gian khá lâu như tôi, lại có một vài kỷ niệm thật buồn nên chuyện trở lại thăm Huế làm cho tôi có cảm giác vừa hăm hở nhưng cũng vừa sờ sợ, vừa mong muốn nhưng cũng vừa hối tiếc. Nghĩa là tâm trạng của tôi thật bất ổn và đối nghịch nhau khi nghĩ về Huế. 

Ngày xưa khi đọc câu :"Học trò trong Quảng ra thi....." tôi rất bực mình, mấy ông Quảng Nam của tôi mê gái nên mới ra nông nổi nầy, chứ còn tôi cứng cựa không ai hớp hồn được mình, tôi nhủ thầm như vậy. Thế nhưng rồi tôi cũng một phường như các bậc tiền bối Quảng Nam của tôi, té còn nặng hơn và cái đau còn thấm tới bây giờ. Những bài thơ tôi làm thuở đó, có ý như đay nghiến, như mĩa mai, vừa choc giận họ nhưng cũng vuốt ve họ: "Ta chết điếng một thời em Thượng Tứ / Bởi nụ cười môi mỏng gái thâm cung / Bởi lòng em thay từng hồi từng chặp / Mà sao ta vẫn nhớ Huế vô cùng...". Thế mà có người khi đọc họ biết ngay được cái đùa giỡn của tôi, họ thấy khó chịu và nổi giận. Một chị bạn người Huế, sau khi đọc mấy bài thơ về Huế kiểu nầy,  chị ấy tức mình quá đòi gặp cho được tôi để hỏi ra lẽ:

"Anh Xuân nè, con gái Huế của tụi tôi có làm chi anh buồn, mà anh cho tụi tôi nào là lừa Thượng Tứ với ngựa Thượng Tứ  không vậy anh Xuân hè?"

Tôi nhã nhặn trả lời với chị ấy:

"Dạ thưa chị, tôi yêu Huế bởi vì Huế có một thứ ngựa Thượng Tứ mà hễ thằng nào sớn  sa sớn sát leo lên là bị té lăn cù, chứ tôi không có buồn chi gái Huế hết chị ạ. Họ dễ thương quá làm sao mình ghét cho được".

Chị ấy lườm tôi :

"Miệng mồm chi mà lanh lẹ quá".

Tôi đến Huế sau tết Mậu Thân. Huế lúc ấy thật tan nát, những căn nhà sụp đổ và những vết đạn loang lỗ trên tường. Đường phố vắng lạnh, những khuôn mặt vẫn còn thất thần lo âu chưa tan hết, những người lính chiến tuần tiểu trên đường phố súng ống lăm le sẵn sàng trong tư thế nhả đạn. Huế vẫn chưa thực sự thức dậy sau cơn bệnh ngăt nghèo đó, nên thấy Huế càng thê thảm và càng buồn thêm. Mỗi buổi chiều tôi hay ra ngồi ngoài quán café gần chợ Đông Ba nhìn ra cầu Tràng Tiền mới bị gãy. Chiếc cầu mà người dân Huế rất tự hào, họ ví nó như chiếc xương sống của Huế. Tất cả xe cộ đều đổ dồn trên cầu Bạch Hổ, người đi bộ muốn qua sông phải dùng bến đò Thừa Phủ. Ngồi ở đó để ngắm một góc sinh hoạt của thành phố thật tuyệt vời. Các trường học có nơi đã bắt đầu tựu trường trở lại, những tà áo trắng của nữ sinh cũng bắt đầu thấy thấp thoáng trên đường phố. Áo dài của nữ sinh các trường học của Miền Nam ngày xưa nơi nào cũng có, thế nhưng chiếc áo dài của nữ sinh Huế có cái gì đó khang khác, vừa đài các nhưng cũng vừa nghịch ngợm, vừa kiểu cọ nhưng cũng vừa thâm trầm, hình như họ cất dấu cái chất lãng mạng trong vóc dáng dịu hiền đó. Thằng con trai nào tới Huế cũng bị hớp hồn bởi cái nét tưởng chừng như ngây thơ, nhưng rất liếng thoắng,  và đều chết điếng trước cách làm dáng của họ.

Tôi ở nhà một người bạn tên là Kiếm. Anh lớn tuổi hơn tôi nhiều và đã lập gia đình. Nguyện là cháu gọi vợ anh Kiếm bằng Dì, nhà Nguyện ở ngoài thành Mang Cá Lớn, Cha của Nguyện vừa mới bị mất tích trong tết Mậu Thân. Nguyện học trường Bồ Đề Thành Nội, mỗi lần Nguyện tới nhà anh Kiếm đều đi thẳng một mạch mặc dù có tôi ngồi chần dần trước cửa, chẳng thèm chào hỏi, chẳng thèm liếc nhìn tôi. Tôi nghĩ trong bụng: "Con nhỏ nầy lối thật, làm cao". Và ngược lại tôi cũng làm bộ không thèm để ý tới cô ta. Một lần tôi nghe tiếng xe solex ngừng trước sân, tôi không thèm ngó ra ngoài và cũng không xê dịch chiếc ghế đặt giữa cửa ra vào, mắt tôi dán chặt vào tờ báo. Nguyện bước tới đứng sau lưng tôi không thèm mở miệng để cho tôi nhường lối đi. Anh Kiếm ngồi trên ghế phía trong, cười cười nói vói ra:

"Chú Xuân làm khó cháu tôi quá rồi, đứng dậy nhường lối cho cháu tôi đi chứ".

Lúc ấy tôi giả đò, giật mình quay lui thấy đôi má của Nguyện đỏ hồng. Tôi xê chiếc ghế cho Nguyện bước vào. Lần đầu tôi thấy Nguyện e thẹn và đẹp lạ lùng.

Trong một buổi chiều ngồi ăn cơm với vợ chồng anh Kiếm. Không biết anh nói đùa hay nói thật:

"Có chú Xuân ở đây, nên con Nguyện vài ba ngày ghé qua thăm Dì Dượng nó. Trước đây cả tháng chưa thấy mặt con nhỏ".

Chị Kiếm giật mình:

"Đúng rồi, anh nói bây giờ em mới để ý. Lạ thật sao lúc nầy nó hay tới nhà mình vậy hè?".

Chị nhìn tôi như có vẻ dọ hỏi, tôi tỉnh bơ ăn uống tự nhiên như không để ý tới chuyện của hai người. Ăn xong, tôi về phòng đóng cửa lại, trong lòng tôi lúc ấy sướng chi lạ. Chẳng lẽ Nguyện để ý tới tôi như vậy sao? Bắt đầu bữa đó khi nào Nguyện tới nhà anh Kiếm tôi cũng gật đầu chào, rồi dần dần về sau tôi lân la hỏi chuyện. Lúc đầu thì Nguyện cũng trả lời nhát gừng, sau thì thân thiện và không còn bẻn lẻn như trước đây. Tôi biết Nguyện cũng có cảm tình với tôi, vì trong cử chỉ và lời nói đôi lúc mang một chút săn sóc cho tôi. Thú thật tôi cũng mang bệnh nhát gái nên sự tấn công của tôi cầm chừng, không mấy ồ ạt. Tôi thường bị bí, không biết gì nói với Nguyện nên thường rút vào phòng trước, sau vài câu bâng quơ. Khi có Nguyện tôi vào phòng thường mở he hé cửa để thỉnh thoảng tôi nhìn trộm Nguyện đứng dưới bếp. Và cũng thỉnh thoảng tôi bắt gặp Nguyện liếc nhìn vào phòng tôi. Tôi cảm thấy như mình đang bị dò xét và quả thật trong lòng tôi lúc ấy nôn nao khó tả.

Tết năm đó tôi về Đà Nẵng với gia đình. Tôi thường đi uống café với mấy thằng bạn buổi tối, thường nói chuyện vui vẻ. Nhưng bây giờ ngồi với tụi nó, tôi ít  nói hơn và có vẻ đăm chiêu.

Một thằng bạn ngồi cạnh hỏi tôi:

"Ở ngoài Huế, có con nào hớp hồn mi, mà sao tau thấy mấy bửa rày mi có vẻ thẫn thờ?".

Tôi giật mình, chuyện thầm kín của tôi có người đã nhìn thấy rồi sao? Tôi lắc đầu, nói trớ qua là mấy bữa nay trong người tôi muốn bị cảm. Thế mới hay cái ngớ ngẩn đã hiện trên nét mặt, khó có thể lẫn tránh được. Tôi tự nhủ với lòng mình là sau tết trở ra Huế, tôi sẽ tấn công Nguyện trước chứ không thể để tình trạng nầy kéo dài, mệt mỏi quá. Và tôi nghĩ đã đến cái lúc tôi phải dỏng dạc nói với Nguyện những điều hệ trọng nầy chứ không thể ấp ủ mãi trong lòng. Tết đó sống với gia đình nhưng trông cho hết tết tôi lên xe đò ra Huế ngay.

Tôi mang một số đặc sản của quê tôi để làm quà cho anh chị Kiếm và cho Nguyện. Quà thật ra cũng chẳng quan trọng, nhưng đây là cái cớ để đến nhà Nguyện và cũng thầm nói lên sự quan tâm của tôi với Nguyện. Tôi khệ nệ mang gói quà, gỏ cửa nhà Nguyẹn, tôi hồi hộp như đứng chờ trước khi vào thi vấn đáp. Nguyện ra mở cửa, mắt Nguyện tròn xoe vừa mừng rở vừa ngạc nhiên, chạy lại nâng gói quà trên tay tôi. Tôi nhìn vào trong nhà không thấy ai, tôi kéo Nguyện sát gần, nâng cằm ngước lên tôi hôn ngay trên môi Nguyện. Tôi làm chuyện nầy quá nhanh, Nguyện không kịp phản ứng, trên tay ôm gói quà không bỏ xuống được, chỉ biết trân người chịu trận. Thế là từ giây phút đó tôi đã chiếm được Nguyện. Sau nầy hai đứa kể lại chuyện nầy, Nguyện nói với tôi là: "Không ngờ anh bạo thật, Nguyện nghĩ là anh sẽ nói cái gì với Nguyện trước, rồi sau đó mới hôn. Đằng nầy anh hôn trước rồi mới nói yêu em sau. Anh gan thật". Đó là người tình mà tôi nôn nóng đốt tất cả giai đoạn tiến tới tình yêu, chọn một con đường nhanh nhất, bạo nhất.

Tôi không còn nhớ năm nào phát hiện được những hố chôn tập thể, hình như là năm 1970  gì đó. Người dân Huế bàng hoàng trước những hố chôn tập thể mà Quân Giải Phóng đã giết những quân nhân, công chức của Miền Nam bị bắt trong tết Mậu Thân. Nghe tin phát hiện nơi nào đã chôn họ, tôi đều chở Nguyện đi tìm xác của người cha. Nhận dạng bằng cách nhìn áo quần họ mặc trước khi bị bắt hoặc một cái gì đặc biệt chỉ có người trong gia đình mới nhận ra v.v.. Tuy nhiên cũng không chính xác lắm. Mỗi khi phát hiện cái hố chôn tập thể nào là hàng ngàn người nhào tới, bất kể mùi hôi thối xông lên nừng nực không chịu được. Tiếng khóc lóc kể lể của những người thân  vang lên thật não nuột. Tôi chở Nguyện từ nơi nầy đến nơi khác nhưng không tìm ra được, tối về nhà hai mẹ con ôm nhau khóc. Chứng kiến cảnh nầy, tôi xúc động ghê gớm chỉ còn an ủi Nguyện và mong manh hy vọng rằng có thể cha của Nguyện còn sống, đang bị phe bên kia giam giữ. Như vậy mới gây cho gia đình Nguyện một niềm tin và ngày tháng sẽ xoa dịu bớt những thương nhớ. Thật tình trong lòng tôi cũng biết cha của Nguyện đã bị sát hại. Vì khi rút lui họ phải thanh toán những tù nhân để khỏi phải vướng mắc và trì trệ sự rút lui nhanh chóng của họ. Không dại gì khi rút lui họ mang theo đám tù binh lủ khủ chậm chạp nầy.

Sau đó thì chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt. Tôi cũng phải bước vào Quân đội, tôi xa Nguyện từ đó. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau bằng thư từ. Tôi ở một đơn vị tác chiến và quả thật đời sống của một quân nhân rày đây mai đó, mạng sống luôn luôn bị đe dọa, mặc dù tôi rất yêu Nguyện nhưng tôi không dám nghĩ xa hơn. Bao nhiêu lần Nguyện vào thăm tôi, là bao nhiêu lần tôi nghe sự trách móc, tôi chứng kiến những giọt nước mắt đẩm ướt chiếc khăn tay của Nguyện, bao nhiêu lần tôi hứa với Nguyện sẽ nói với gia đình tôi ra Huế thăm mẹ Nguyện và dọ hỏi. Nhưng khi Nguyện rời tôi ra về là tôi không dám nghĩ tới chuyện nầy. Tôi biết, nếu tôi tiến xa hơn, tôi sẽ làm khổ cho Nguyện suốt cả cuộc đời. Tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu sự chết chóc của bạn bè tôi, biết bao nhiêu người kề cận tôi tức tưởi ra đi một cách nhanh chóng. Đến khi nào sẽ tới phiên tôi, không thể may mắn mãi mãi được, chỉ cần một lần, một lần thôi đời người sẽ được rủ sạch. Nguyện làm sao hiểu được chuyện thầm kín nầy, nó đã dày vò tôi, đọa đày tôi mỗi khi tôi nghĩ tới Nguyện.

Rồi cái ngày đó cũng tới với tôi. Tôi bị thương trong một cuộc tấn công chiếm lại ngọn đồi, hai bên dằn co nhau trực thăng không xuống được, trời lại mưa to. Vết thương của tôi sưng húp lên, dưới bàn chân thậm đen và đau nhức không chịu được. Ngày hôm sau, một đơn vị bạn tiếp viện, thanh toán được mục tiêu và lúc ấy tôi mới được tải thương. Khi tôi tỉnh dậy trong bệnh viện, tôi nhìn xuống thì bàn chân phải của tôi không còn nữa. Trời ơi, tôi ngất đi. Tôi không thể nào diễn tả hết sự đau khổ tột cùng nầy, tôi muốn chết. Tại sao người ta không cho tôi chết? Tại sao đời lại đày đọa tôi một cách tàn nhẫn như thế nầy. Tôi ôm chiếc gối khóc ấm ức, mọi người đến thăm tôi, tôi đều đuổi họ ra khỏi phòng. Tâm trí tôi điên loạn lên, tôi thù ghét chiến tranh, oán hận chiến tranh.

Trong số người đến thăm tôi đầu tiên trong đó có Nguyện. Nguyện cũng bị tôi đuổi nhưng không chịu ra về. Nguyện ngồi ngoài phòng đợi suốt đêm hôm đó, cho đến trưa hôm sau tới giờ vào thăm bệnh nhân, Nguyện chạy vào ôm chặt lấy tôi khóc nức nở, tôi cũng khóc. Chúng tôi không nói gì với nhau, chỉ biết khóc. Tôi nhìn Nguyện thấy đôi mắt sưng húp lên, thân người dã dượi, quần áo sốch sếch. Tôi biết suốt đêm Nguyện ngồi ngoài phòng đợi chỉ khóc. Tội nghiệp cho Nguyện nhưng tôi biết làm sao bây giờ. Tôi không thể để Nguyện phải mang tiếng lấy một người tàn tật vì thương hại. Mà tôi có đuổi thì Nguyện cũng không đi. Trong lòng tôi lúc ấy vừa đau sót cho mình và cũng vừa thương cho Nguyện. Tôi nghĩ rồi đến một ngày nào đó tôi sẽ nói dứt khoát để cho Nguyện khỏi phải bận tâm tới tôi.

Cứ cách hai ngày từ Huế Nguyện lại vào Tổng Y Viện Duy Tân ở Đà Nẵng thăm tôi. Thỉnh thoảng Nguyện đẩy tôi trên chiếc xe lăn đi lòng vòng trong bệnh viện và có đôi lúc Nguyện tắm cho tôi. Tôi có một người lính ở đơn vị phái về để giúp tôi trong khi còn nằm bệnh viện, nhưng khi có Nguyện thì Nguyện làm những việc nầy. Nghĩa là Nguyện săn sóc cho tôi như là một người vợ. Có lẽ lúc đó là cái lúc mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Tuy nhiên sau khi Nguyện trở ra Huế,  tôi càng đau đớn thêm, tôi muốn tất cả những người bạn gái quen với tôi trước đây đến thăm tôi một lần rồi thôi. Tôi không muốn dây dưa thêm vì tôi bây giờ không còn là một con người bình thường. Tôi không muốn họ vì thương hại mà miễn cưỡng đến với tôi. Nhiều lúc nhìn Nguyện tôi muốn nói sự thật nầy nhưng tôi không nở nói ra được với Nguyện. 

Trước ngày tôi rời bệnh viện, Nguyện hỏi tôi:

"Anh có dự tính gì trong tương lai để sống không?".

Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ Nguyện kiếm cớ để rời khỏi tôi, một câu hỏi bình thường như vậy, thế mà đầu óc của tôi lúc ấy cho rằng Nguyện mỉa mai châm chọc tôi. Nguyện phải biết rằng trong một cuộc chiến tranh khốc liệt như thế nầy, những thanh niên trang lứa với tôi lúc đó còn lành lặn, khỏe mạnh mà không tìm được cho mình một tương lai tươi sáng, huống gì một thằng tàn tật như tôi mà nghĩ tới tương lai. Mặt của tôi đanh lại, răng của tôi nghiến chặt, mắt của tôi hực lửa. Tôi trả lời với Nguyện một cách đay nghiến:

"Khi rời khỏi đây, tôi được Chính phủ cấp cho một cặp nạng. Tôi chỉ còn kiếm thêm cho mình một cái bị như vậy là đủ bộ để trở thành một thằng ăn xin. Tương lai của tôi là lê lết tấm thân ngoài đường phố, ngữa chiếc nón cời để xin từng đồng bạc bố thí của người đời. Cô có thể lấy một thằng chồng có một tương lai đen tối như vậy được không? Cô về đi, về đi, từ nay về sau tôi không muốn nhìn thấy mặt của cô ở đây nữa".

Nguyện ôm mặt khóc nức nở. Tôi bảo thằng lính nuôi tôi đưa Nguyện ra bến xe về Huế ngay lập tức. Về Huế Nguyện đã viết cho tôi cả trăm bức thư nhưng tôi không đọc và cũng không trả lời.

Mối tình của tôi với Nguyện  kể như tan rả từ đó. Từ độ ấy về sau tôi không biết tin tức gì về Nguyện. Tôi không trở lại Huế lần nào và cũng không gặp người quen nào ở Huế. Tôi cố quên tất cả những gì mà trước đây tôi đã sống ở Huế. Thế nhưng thỉnh thoảng vô tình nghe được giọng Huế từ một người nào đó là tự nhiên tôi nhớ Nguyện, tự nhiên hình ảnh Nguyện lại hiện ra. Nguyện không bao giờ biết được tôi không muốn Nguyện phải khổ vì tôi. Tôi nghĩ rằng một thời gian sau, thế nào Nguyện cũng hiểu được lòng của tôi đối với Nguyện.

Sau một thời gian dài chờ ra Hội Đồng Giải Ngũ. Tôi vào Sài Gòn để chuẩn bị chuyện học hành dang dở trước đây. Bây giờ tôi không còn gì lo lắng để bon chen trong cuộc sống, mọi chuyện với tôi đã được an bài. Với số tiền trợ cấp hằng tháng tôi đủ trang trải để đi học và cũng để kiếm cho mình một chút tương lai đỡ bớt sự nhọc nhằn trong cuộc sống sau nầy. Không bao lâu sau toàn Miền Nam bị mất, những người thắng trận mang đến những giáo điều kịch cỡm ụp trên đầu dân chúng. Tất cả cuộc sống lúc ấy bị đảo lộn, những nề nếp cũ bị xóa bỏ. Tôi bơ vơ giữa Sài Gòn không người thân thích. Tôi tìm tới một vài thằng bạn cùng cảnh ngộ để cùng nhau tìm kiếm cho mình một lối sống. Lúc đầu tụi tôi tham gia bán ngoài chợ trời đường Trương Minh Ký, bán có lãi nhưng không đủ để trang trải chi dụng hàng ngày, số vốn ít ỏi cứ thâm thủng dần dần buộc lòng tụi tôi phải tìm một công việc khác. Những công việc sau nầy tương đối ổn định, cuộc sống cũng tương đối khả quan hơn.Tôi lấy vợ lúc nầy.

Tôi đến Mỹ 1990, đến năm 1994 nghe tin Ba của tôi mất, tôi phải về lại Đà Nẵng chịu tang. Vợ tôi muốn đi Huế cho biết, tôi chìu lòng nên cả gia đình tôi ra Huế. Sau khi thăm các lăng tẩm xong thì mọi người muốn vào chợ Đông Ba, tôi quá mệt nên ngồi ở quán cafe bên bờ sông chờ mọi người. Hơn nữa tôi muốn nhìn lại Huế, tôi không muốn ai quấy rầy tôi lúc nầy. Tôi ngồi một mình để tìm lại những gì có  một chút quen thuộc mà tôi có thể nhớ lại. Huế vẫn nghèo xơ xác, đường phố đông người hơn nhưng bộ mặt của Huế vẫn trầm lặng như thuở nào.

Tôi đang nghĩ miên man, thì bất chợt nhìn thấy một người đang ngồi với gánh bún bò khuôn mặt hao hao như chị Kiếm. Tôi ngồi nhìn chị khá lâu, đúng là chị Kiếm rồi, tôi phân vân không biết phải làm sao nói chuyện với chị, vì tôi sợ chị sẽ xúc động khi gặp lại tôi trong một hoàn cảnh thật nghiệt ngã cho chị. Dù sao đi nữa tôi cũng là người từ Mỹ về, ở bên Mỹ tôi chỉ là một thằng cu-ly nhưng so sánh với chị lúc nầy vẫn thấy hơn chị quá nhiều. Tôi ngồi nhìn chị  mà tôi cảm thấy quặn đau, một người ngày xưa vóc dáng như tiểu thư thế mà bây giờ tàn tạ như vậy. Khi chị đứng dậy gánh bún đi nơi khác, tôi vội trả tiền café và đi theo sau chị. Được một đổi đường, tới chỗ hơi vắng người, tôi khe khẻ gọi chị:

"Chị Kiếm".

Chị để gánh bún xuống, quay lưng nhìn tôi. Tôi không để cho chị nhận ra mình trước, tôi nói ngay:

"Chị nhận ra em không? Em là Xuân đây mà".

Chị há mồm không nói được, mắt chị sáng lên, tự nhiên nước mắt chị tuôn ra. Tôi đến gần nắm lấy tay chị. Bàn tay chị khô khốc, bàn tay mà ngày xưa khi còn ở chung với anh chị tôi hay khen là bàn tay nõn nà quý phái, bây giờ thì nó đen sạm và chai lì. Một hồi chị mới nói được với tôi:

" Mấy chục năm rồi mới gặp lại chú".

Rồi chị lại khóc, lần nầy chị khóc tức tưởi như có điều gì uất ức.

Chị cho tôi biết, anh Kiếm đã mất hơn mười năm nay. Bệnh hoạn mà không có tiền lo thuốc thang. Chị phải bán nhà dẫn con về quê, hiện các cháu đang sống với bà Ngoại. Ở quê không có gì làm ăn nên chị quay trở lại thành phố, buôn bán gửi tiền về nuôi con, đời sống của chị thật cơ cực. Tôi hỏi chị về Nguyện bây giờ ra sao? Chị nhìn tôi một hồi, trong ánh mắt chị có một cái gí đó oán trách, nước mắt chị lại tuôn ra, chị nói trong nước mắt:

" Nguyện đã chết rồi".

Tôi đứng lặng người, Chị nói thêm:

"Cả gia đình Nguyện đều mất tích trong một chuyến vượt biên".

Lúc nầy nước mắt tôi bắt đầu rơi xuống. Trời ơi, tôi đã cố tránh cho Nguyện một tai họa, thì Nguyện lại gặp một tai họa khác khốc liệt hơn và tàn nhẫn hơn. Làm sao có những bất công cứ đổ xuống trên đầu chúng tôi nhiều như vậy.

Chị Kiếm cho tôi biết thêm là Nguyện sau nầy có chồng và được hai con. Gia đình Nguyện và Mẹ của Nguyện vượt biên năm 82 và mất tích từ đó. Cái nhà cũ của Nguyện bị tịch thu, hiện thời cán bộ đang ở. Chị kể cho tôi nghe hết chuyện nầy đến chuyện khác, chuyện nào cũng buồn nên nước mắt của chị cứ liên tục chảy mãi. Rồi tôi cũng phải ra về. Tôi có bao nhiêu tiền mang theo, gôm hết bỏ vào túi chị, chị ngượng ngùng không muốn nhận, tôi phải năn nỉ chị nhiều lần. Tôi quý trọng con người của chị, sống trong nghèo khổ nhưng phong thái của chị thanh bạch, không cần mở miệng xin xỏ ai.Tôi nói rằng không ngờ gặp lại chị hi hữu như thế nầy. Lần sau về sẽ ra Huế tìm gặp lại chị.

Cho đến bây giờ, mười mấy năm rồi tôi chưa trở lại Huế. Không biết đời sống của chị Kiếm bây giờ ra sao? Huế đối với tôi buồn như thế, thì làm sao tôi dám nhìn lại. Tuy nhiên tôi vẫn còn nợ một lời hứa với chị Kiếm. Về để thăm các cháu, con của chị, thăm bà Ngoại của Nguyện, mà khi còn quen với Nguyện tôi đã nghe Nguyện kể về bà với tất cả lòng kính mến. Có lẽ trong nhà của Ngoại, thế nào cũng đặt cho gia đình Nguyện chiếc bàn thờ. Tôi còn nợ với Nguyện một lời xin lỗi mà bao nhiêu năm nay tôi không nói ra được. Tôi sẽ thắp cho Nguyện một cây hương và một lời xin lỗi ấy, dù lời của tôi đã muộn màng. Nhưng tôi nghĩ Nguyện sẽ hiểu được lòng tôi./

 Boston, 10 tháng 12 năm 2005