ĐÀI TƯỞNG NIỆM
THUYỀN NHÂN VIỆT NAM:
BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG
CỦA NIỀM KHÁT VỌNG
TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN
DƯƠNG VIẾT ĐIỀN
Vào lúc 01giờ00 chiều thứ bảy 25 thán 04 năm 2009, Tượng Đài Thuyền Nhân đã được khánh thành tại khuôn viên của nghĩa trang Peek Family nằm trong thành phố Westminster thuộc thủ đô tinh thần của người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản Nam California.
Buổi lễ khánh thành thật trang nghiêm và long trọng với sự tham dự trên vài ngàn đồng hương người Việt, đã được sự yểm trợ của:
- Trung Tâm Tây Nam Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngọai
- Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cọng Hoà Nam California
- Tổng Hội Sinh Viên Miền Nam Nam California
- Phong Trào Hưng Ca với Nguyệt Ánh - Việt Dzũng - Huỳnh Lương Thiện...
- Thanh Niên Cờ Vàng
- Các Liên Đoàn Hướng Đạo Nam California
- Trung Tâm Asia- SBTN
- Ban Tù Ca Xuân Điềm
- Gia Đình Phật Tử Chùa Điều Ngự Và Huynh Trưởng Miền Vạn Hạnh
- Các Cơ Quan Truyền Thông Báo Chí Nam California
- Xe Đò Hoàng và Xe Đò Thiện Thành
Được biết Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam do nhà thơ Thái Tú Hạp và phu nhân là nữ sĩ Ái Cầm, khởi xướng từ năm 1997 qua một Trai Đàn Siêu Độ Thuyền Nhân được tổ chức tại thành phố Montery Park, Los Angeles. Nơi đây, ông Thái Tú Hạp đã phát biểu rằng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam mang hai ý nghĩa sâu sắc Tâm Linh và Lịch Sử. Tâm linh, tưởng niệm đến hàng trăm ngàn Thuyền Nhân - Bộ Nhân tử nạn trên đường vượt biển tìm Tự Do Nhân Quyền sau tháng 04 năm 1975 vì không chấp nhận chế độ Cộng Sản Việt Nam. Lịch sử: để lưu truyền những chứng tích đến các thế hệ mai sau hiểu nguyên nhân tại sao người Việt hiện hữu tại xứ sở Hoa Kỳ cũng như các quốc gia tự do trên thế giới.
Bia đá cũng đau - Một cựu thuyền nhân đang đặt nụ hôn lên bia đá có khắc tên của một thân nhân tử nạn trên đường tìm tự do.
Sự khởi xướng về dự án Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam bắt đầu từ Lời Nguyện Trên Biển Đông của ông bà Thái Tú Hạp lúc gia đình đang ngồi trên chiếc thuyền vượt biên qua biển Thái Bình Dương để đi tìm tự do, lánh nạn Cộng Sản.
Theo ông bà Thái Tú Hạp, khi con tàu chở ông bà cùng khoảng 200 người vượt biển từ Đà Nẵng vào năm 1979 sau khi lênh đênh trên biển cả mấy ngày đã bị bão đánh vỡ vào bờ hoang đảo Hải Nam làm13 người tử nạn. Người ra đi đã thầm nguyện khi đến xứ sở Tự Do nào đó sẽ lập bia thờ và Tưởng Niệm đến những đồng hương đã nằm vĩnh viễn dưới lòng đại dương.
Ai cũng biết rằng sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Cộng Sản đã áp đặt một chế độ độc tài đẩm máu trên toàn lảnh thổ Việt Nam. Tất cả các quân nhân, công chức, cảnh sát, cán bộ của chính phủ Việt Nam Cọng Hoà đều bị chúng bắt bỏ tù trong các trại tù mà chúng gọi là tập trung cải tạo. Đây là một cuộc trả thù tàn nhẫn nhất trong lịch sử Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Một cuộc trả thù thật độc ác vô tiền khoáng hậu.
Riêng đối với quần chúng, Cộng Sản đã bóp chết Tự Do, hủy diệt Nhân Quyền, tịch thu tài sản làm cho toàn dân rơi vào cảnh đói khổ, lầm than. Vì vậy tất cả mọi người tìm cách trốn khỏi chế độ độc tài đang tác oai tác quái, hành hoành trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Họ duy trì một chế độ độc tài đầy sắt máu, khiến mọi người đêm ngày phải lo âu, sợ hãi.
Những giọt nước mắt cảm động khi tìm được
tên thân nhân tử nạn trên biển đông khắc trên bia đá
Nếu tiếp tục sống dưới chế độ này thì sớm muộn gì rồi cũng tiêu vong trong tức tưởi và uất nghẹn. Vì vậy càng cao chạy xa bay sớm chừng nào hay chừng đó. Đến nỗi người ta phải nói rằng nếu cột đèn biết đi thì nó cũng tìm cách ra đi mà thôi.Thế rồi người thì tìm cách vượt biên bằng đường bộ, kẻ thì vượt bằng đường biển. Lớp này đến lớp khác nối đuôi nhau tìm cách ra khỏiquê hương. Hằng chục chiếc thuyền, hằng trăm chiếc ghe, hằng ngàn chiếc gọ lần lượt ra khơi, vượt qua sóng gió ba đào, lênh đênh trên biển cả, cùng nhau ra đi không biết được ngày về. Họ quyết chí rời bỏ quê cha đất tổ để đi tìm Tự Do nơi vùng đất hứa mặc dầu họ biết rằng sóng gió ba đào giữa biển đông có thể làm cho họ sẽ vĩnh biệt ngàn đời. Bởi vì họ biết rằng thà chết còn hơn ở lại quê nhà để mất Tự Do. Những thuyền nào gặp mưa thuận gió hoà, trời yên bể lặng sẽ đến được bờ Tự Do. Trái lại những thuyền nào gặp mưa rơi tầm tả, sấm chớp liên hồi, bão tố ngày đêm, sóng gió xuôi ngược, hay gặp bọn hải tặc tác oai tác quái thì coi như lâm nạn giữa biển đông dậy sóng. Thế rồi tin tức về hằng chục chiếc huyền, hằng trăm chiếc ghe chìm vào lòng biển cả, hằng ngàn người đi tìm Tự Do, hằng vạn người rời xa quê cha đất tổ để lánh nạn Cộng Sản đã chìm xuống lòng đại dương, do các ký giả, các phóng viên của các đài phát thanh, đài vô tuyến truyền hình quốc tế tung ra, bay khắp thế giới làm cho toàn thể nhân loại bàng hoàng rồi xúc động đến nghẹn ngào! Sự kiện này đã đánh động lương tâm nhân loại cũng như đã đánh động lương tâm một số người trước đây đã ca ngợi chế độ Cộng Sản và xem chủ nghĩa Marx-Lenin như là thần tượng trong đời như nữ tài tử phản chiến Jean Fonda, Tom Hayden của Mỹ, triết gia Jean Paul Sarte của Phápvv… Chúng ta biết rằng Jean Paul Satre là triết gia của Pháp quốc với chủ thuyết hiện sinh nổi tiếng vang bóng một thời, đã làm cho thanh thiếu niên thế giới trong thập kỷ 60 coi như thần tượng của kiếp sống. Sau những tác phẩm cổ xuý chủ thuyết hiện sinh, J.P Sarte lại theo đường hướng của Marx-Lenin và xiển dương những tư tuởng Cộng Sản đến say mê khi ông cho ra đời tác phẩm “ Phê phán lý tính biện chứng”. Ông ta say mê đến nỗi đã tuyên bố một câu khiến mọi người phải ngơ ngác: Un anti- communist est un chien! (Ai chống Cộng là đồ chó!). Nhưng rồi sau vụ Budapest tại Hung gia Lợi vào tháng 04 năm1965, và sự kiện gần nửa triệu người Việt Nam trên đường đi tìm Tự Do đã chết ở Biển Đông đã làm cho J.P Satre tỉnh ngộ. Sau đó ông ta liền thay đổi câu nói trước đây đã làm cho mọi người cũng nức lòng: Un pro-communist est un chien! (Ai thân Cộng là đồ chó !). Có lẽ sau khi thấy Cộng sản đang thực thi chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam mà mọi người đều bỏ chạy trốn khiến J. P Sarte phải suy nghĩ lại câu nói của Lênine rằng «Chủ nghĩa xã hội là mùa xuân của trái đất, là thiên đường của trần gian và là đỉnh cao của trí tuệ con người ». Chắc ông ta đã tự nghĩ rằng tại sao là mùa xuân của trái đất, là thiên đường của trần gian, là đỉnh cao của trí tuệ con người mà người ta lại bỏ chạy trốn hết? Hỏi tức là đã trả lời vậy.Vì vậy J.Paul Sarte đã gia nhập vào những đoàn cứu trợ các thuyền nhân vượt biển tìm tự do rất hăng say. Và cũng trước cái chết của đồng bào ở Biển Đông này, nước Mỹ đã thức tỉnh và quyết định thành lập các trại định cư để cứu vớt những người đi tìm Tự Do. Sau đó các chương trình ODP, HO ... đã được thành lập để làm vợi bớt đau thương cho các gia đình người Việt đang trên đường lánh nạn Cộng sản.
Chính tổ chức Liên Hiệp Quốc đã phải thành lập một chương trình cứu trợ rất vĩ đại chưa từng có trong thế kỷ 20 vì sự kiện hằng vạn người Việt Nam trên bước đường đi tìm Tự Do đã bỏ thây ngoài biển cả làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu.
Trở lại vấn đề dự án Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam nói trên, ta thấy rằng sở dĩ Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân được thành hình bắt nguồn từ Lời Nguyện Giữa Biển Đông lúc ông bà Thái Tú Hạp thấy con thuyền chòng chành dưới cơn mưa tầm tả, sấm chớp liên hồi lúc Biển Đông đang dậy sóng, cái chết chỉ còn trong gang tấc vì con tàu chở khoảng 200 người vượt biển từ Đà Nẵng bị bão xô vào bờ hoang đảo Hải Nam khiến 13 người tử nạn.
Trước cảnh tang tóc sầu thương này, ông đã xúc động mãnh liệt để rồi sự xúc động này được dệt thành thơ qua bài «Lời Nguyện Giữa Biển Đông » khi đến định cư tại Hoa Kỳ:
Đêm lặng lẽ thuyền đưa ra biển
Tôi lắng nghe tan nát cõi lòng đau
Biển khơi dẫn tới ngàn khổ nạn
Bàn tay nào tiếp máu yêu thương
Khi tuyệt vọng hắt hiu lạnh ngắt
Đành đoạn xa nhau lìa bỏ quê hương
Như cánh chim xa rừng đau đớn hót
Giữa đại dương gầm thét hãi hùng
Thuyền xô đi trăm người câm lặng khóc
Định mệnh người thách đố giữa bão giông
Lệ khô người dưới mặt trời đốt cháy
Đi về đâu thuyền lạc giữa mênh mông
Không thể hiểu khi an bình đất nước
Người giết hại người thù hận đau thương
Người đày đọa người chết thảm giữa biển đông
Biển ơi! Xin hãy dừng cơn thịnh nộ
Hãy mở đường đưa ta đến niềm hy vọng bình an
Biển ơi! Biển là mẹ
Hãy ôm con vào lòng
Có bao giờ mẹ bỏ con đâu
Biển sóng đừng xô nhau chìm sâu đáy nước
Đừng xé em tôi từng mảnh cuồng điên
Em chỉ là cánh hoa mong manh thánh thiện
Em hồn nhiên trinh trắng ngây thơ
Tiếng mẹ khóc, mẹ gào to hơn sóng cả
Cuộc chia ly bi thảm ngút trời cao
Biển ơi! Xin hãy đưa ta đến trái tim người
Trái tim như thác nguồn yêu thương từ ái
Biển vỗ về nhau những nghiệt ngã trầm kha
Hoa Tự Do nở bằng nước mắt
Bằng máu xương khổ lụy hãi hùng
Con đường sáng biển khơi thức dậy
Trong tình thương của nhân loại thăng hoa
Biển ơi! Dù sao ta vô cùng cảm tạ
Lời nguyện một lần mãi khắc ghi
Xin hãy bốc hơi thành mưa thành suối Cam Lồ
Gieo xuống ruộng đồng xanh thắm ước mơ
Chảy vào trái tim người hiểm độc
Cho cuộc đời chuyển hóa Thiện Tâm
Chuyện Thuyền Nhân là những trang sử
Máu xương và nước mắt nghìn năm
Những thảm kịch từ Việt Nam réo gọi
Từ biển đông trầm thống kêu gào
Biển xót xa và loài người cứu khổ
Trong vòng tay Thánh Mẫu Từ Bi
Trong trái tim Mẹ Quan Âm Bồ Tát
Biển hết trầm luân bất hạnh thảm sầu
Biển thắp ngọn hải đăng tỉnh thức trong hồn nhau
Tạ ơn đất trời xóa tan thù hận
Ánh sáng nhiệm mầu trong tăm tối thương đau
Cho chúng ta niềm tin yêu hạnh phúc
Mùa xuân như triều sóng vươn lên
Tỏa ngát tình thương khắp cùng thế giới
Và dịch giả Nguyễn Hữu Lý sau khi đọc xong bài thơ này đã quá xúc động nên quyết chí dịch ra Anh ngữ cho toàn thế giới được biết:
OATHS IN THE OPEN GREAT OCEAN
NGUYEN HUU LY
When the boat puts out to sea in a calm evening
I try to listen to my broken heart yelling with pain
The open sea brings about millions of calamities
By what hand has the lovely blood transfused
In a hopeless and lightly chilled state?
To acquiesce in a quitting of the far-away homeland
Like a bird on the wing that separates from woods with grievous singings
In the open great ocean with frightful roars
When the boat is pushed out, hundreds of people are mutely in tears
The human fate has challenged stormy plights
Tears have dried human beings up under the burning sun
Where does the boat come when it has lost its bearings in the immense sea?
It is unfathomable that why are there in peaceful circumstances of the nation
Murdering one another with hatred and resentment
Ill-treating one another to tragic death in the open sea
Oh, ocean! Please stop short all fits of anger
Try to lead me the way to a hopeful peace
Oh, ocean! Ocean is Mother
Try to embrace tenderly your children in your arms
Mother never abandons her kids
Don't thrust down each other at the deep sea bottom by waves
Don't tear up my sister in foolish shreds
She is only a slender and saintly petal of the flower
She is spontaneous, chaste, and innocent
Mother's weeping and yelling voice is louder than wave murmurs
The melancholy of separation ascends horrificly to high heaven
Oh, ocean! Please guide me to the human heart
A heart that looks like a source of Love and Mercy
The ocean consoles together all terribly acute misfortunes
Flower of Freedom is blossomed by flows of tears
By blood and bones in dreadful anguish
The bright way of the high sea has waked up
Love among sublimated humankind
Oh, ocean! Anyhow, I greatly appreciate
The oath that once was forever engraved on my mind
Please evaporate it into rain or holy-water spring
To sow the seeds of deepening dreams downward green fields
To flow into the wicked person's heart
To make a mutation in a philanthropic living
The Boat Person's tales are really pages of history later on
From Vietnam with ear-splitting yellings of terror
From the eastern ocean with frightening screamings of horror
The deplorable waves and the human kind saving from unhappiness
Within the kind Saint Mother's merciful embrace
Within the graceful Mother Kwan Yin Bodhisattva's heart
Ocean ends overloaded misfortune and anguish
Ocean lightens the sea-light awakening the common souls
Thanks to Earth and Heaven for annulling revenge and grudge
A miraculous light in the midst of a suffering darkness
Offers to us the trustful love of happiness
Spring sounds like the waves in a rising tide
To expand immensely the compassion throughout the world.
Vì đã từng Nguyện giữa Biển Đông dậy sóng bên cạnh tử thần.
Vì hằng vạn oan hồn uổng tử vẫn còn phiêu bạt trên không chưa có nơi yên nghỉ, vì sự linh thiêng về những cái chết oan khiên của người Việt trên bước đường đi tìm tự do, và cũng để cho thế giới thấy chứng tích hùng hồn là sự Tự Do rất cần thiết đối với con người dù phải đổi bằng máu hay mạng sống, Ông Bà Thái Tú Hạp quyết chí kiên trì vượt mọi khó khăn thực hiện cho kỳ được Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân.
Và để thực hiện Lời Nguyện Giữa Biển Đông này, Ông Bà Thái Tú Hạp đã quyết định thành lập dự án Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân với sự giúp đỡ và hưởng ứng của một số người khác . Ủy ban thành lập Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân được thành hình gồm ông bà Thái Tú Hạp - Ái Cầm, Ông Bà Bác Sĩ Lê Hồng Sơn - Thu Thủy, nghệ sĩ Việt Dũng, xướng ngôn viên Minh Phượng - Chí Thiện, Bà Vân Bằng - Phu Nhân Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, BS Ngô Phùng Hỷ, Đan Tâm - Cựu Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali, Kỹ Sư Tăng Khánh Hiền, Ca Sĩ Thái Doanh Doanh, Ký Giả Khúc Minh, Luật Sư Từ Huy Hoàng. Nhờ sự vận động liên tục trên 10 năm nay không biết mỏi mệt của Ông Bà Thái Tú Hạp và mọi người trong uỷ ban, Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân mới hoàn tất được ý nguyện và đã được dựng trong một vùng đất mang nhiều ý nghĩa, đó là Nghĩa Trang Peek Family. Vì là biểu tượng thiêng liêng của niềm khát vọng Tự Do và Nhân Quyền nên uỷ ban đã đặt điêu khắc gia Vi Vi nghiên cứu sáng tác cho một bức tượng mang ý nghĩa tâm linh để tượng đài này sẽ là nơi an nghỉ nghìn thu cho hằng trăm ngàn thuyền nhân và bộ nhân đã hy sinh trên bước đường đi tìm Tự Do. Được biết Đài Tưởng Niệm do Tổ hợp Clack and Green Association Landscape Architecture thực hiện theo quan niệm Đông phương hình số 8. Pho tượng được đặt trên bệ trong hồ nước, hình thể chiếc tàu có vòi phun nước và đèn chiếu sáng. Ban đêm ánh đèn sẽ toả sáng rực rỡ toàn thể khu Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Chung quanh trồng 18 cây Palm sẽ tỏa bóng mát cho toàn thể khu vực này. Pho tượng là một khối đồng màu nâu nặng 10 tấn. Sau bao năm miệt mài điêu khắc, kiến trúc sư ViVi đã hoàn thành Tượng Đài như ý nguyện. Tượng Đài Thuyền Nhân được đúc bằng đồng là một quần thể 4 thuyền nhân gồm già trẻ dìu nhau trong những bộ áo quần rách tơi tả. Người thiếu phụ gương mặt đầy sầu thảm, tay trái ôm con dại trong lòng, tay phải giơ lên như cầu cứu mọi người trong thế giới Tự Do hãy ra tay cứu vớt và giúp đỡ! Nhìn vào bức tượng ai cũng cảm thấy ngậm ngùi đến rơi lệ vì đây là cái giá của Tự Do mà nam phụ lão ấu thuyền nhân Việt nam đã phải trả! Tượng đài được dựng trong một hồ nước tượng trưng cho đại dương và chung quanh hồ là những phiến đá khắc tên 6 ngàn thuyền nhân lên 54 tấm bia đá đã hy sinh trên đường đi tìm Tự Do.
Như vậy, sau các Tượng Đài đã được dựng lên tại Nam Dương, Úc, Canada, từ nay trở đi tại Hoa Kỳ, nơi trung tâm Thủ Đô Tinh Thần của người Việt tỵ nạn Cộng Sản thuộc miền Nam tiểu bang California, một Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân đã được dựng lên để cho hằng vạn oan hồn uổng tử chết ngoài Biển Đông hay trên đường bộ lúc băng đèo vượt suối trong rừng sâu núi thẳm vì đi tìm Tự Do, được đến đây để an giấc nghìn thu sau mấy mươi năm phiêu bạt khắp trời không nơi trú ngụ.
Xin nguyện cầu các linh hồn được sớm về cõi vĩnh hằng.
Xin nguyện cầu các linh hồn được an giấc nghìn thu.
Hỡii các oan hồn uổng tử! Xin vĩnh biệt ngàn đời !
Van Nuys, Los Angeles, California, ngày 30 tháng 04 năm 2009
Dương Viết Điền