ĐI VỀ ĐÂU
HOÀNG THỊ KIM CHI
Tôi sinh ra trong thời loạn Mậu Thân 1968 và không may đã lớn lên ở thời bình sau 1975. Dù rằng trên quê hương đã im tiếng súng nhưng nhìn thấy cảnh vợ xa chồng, cha xa con thơ đi ở tù ở rừng sâu, anh trai xa đàn em thơ vì bị đi nghĩa vụ quân sự. Em nhỏ lưng còng với ruộng rẫy thay vì đến lớp. Cụ già không người chăm sóc, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Còn nữa, nhìn thấy người dân bị điên điên khùng khùng vì bị tịch thu tài sản nhà cửa. Nhìn thấy người dân lũ lượt bỏ nước ra đi vì Cộng Sản độc đoán, và nhìn thấy một nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có độc lập, không có tự do, không có hạnh phúc.
Thuở còn ngồi ghế nhà trường ai cũng có những mơ ước, đứa thì kỹ sư, bác sĩ, phóng viên, đứa thì y tá, đứa thì phi công, ôi thôi đủ cả...Tôi thì mơ ước trở thành cô giáo. Năm tháng tuổi học trò trôi qua rồi đến ngày đi thi đại học. Bạn bè ai cũng hớn hở cười vui cầm tờ giấy báo thi đại học. Tôi thì loay hoay như gà mắc đẻ vì tìm hoài vẫn chưa thấy tên trong tập giấy kia. Cuối cùng cũng được biết rõ tôi không được có giấy báo thi đại học. Trong lý lịch của tôi ghi gia đình thuộc thành phần ngụy quân, hơn nữa anh trai tôi lại đi vượt biên trước đó. Thật sự tôi bị “shock”. Bố tôi làm, anh tôi làm và họ kết tội cho tôi như thể chứng minh một tam giác đồng dạng. Xã hội không thừa nhận, bạn bè nhìn tôi là người phạm tội. Buồn tủi và bất mãn lẫn lộn, tôi từ miền quê vào Sàigon lang thang tìm lẽ sống.
Mười bốn tuổi đầy những ấp ủ hoài vọng nhưng đã bị đợt sóng “cách mạng” đánh tan. Nhìn thấy bất công đến với mình, và những điều kỳ quặc xảy ra trong cuộc sống, bất mãn ngày càng lớn dần ra và muốn trốn thoát. Ba má tôi có lẽ cam chịu với xã hội như vậy nên không muốn cho tôi vượt biền, hơn nữa sợ con mình bỏ mạng ngoài biển khơi. Nhưng uất ức và quyết tâm trong tôi mạnh hơn sự chết chóc nên quyết định không nói gì với cha mẹ lặng lẽ ra đi.
Đi trên cao không được thì tìm cách đi dưới nước. Cứ đi rồi vài ba ngày lại về với thể xác bơ phờ và tâm trạng mệt mỏi. Đang nằm mà nghe ai gọi là vùng dậy đi ngay. Đi như say vậy. Nhờ đi ra được ghe lớn nhiều lần rồi bị trở về nên tôi có được thêm kinh nghiệm. Lúc nào trong người cũng mặc hai bộ đồ, một tấm áo mưa, ít thuốc men và bình nước hai lít. Đó là tất cả hành trang cho một cuộc hành trình dài trên biển. Ai đi đâu cũng xác định được hướng đến, nhưng đối với những người vượt biển chẳng biết mình đi về đâu?
“Một lần đi là một lần vĩnh biệt”
Đêm đến trời tối đen như mực, tốp chúng tôi được người dẫn đường chạy băng từ cánh đồng này sang cánh đồng khác bằng chân không (lúc đó mà có được đôi giày sport thì đỡ biết mấy, chỉ có giày ba râu của “bác Hồ” thôi). Chân đạp gai vẫn cứ chạy. Dép thì có sợi dây cột hai chiếc lại với nhau, đeo vào cổ như là một trang sức quý hiếm. Phải làm như vậy phòng hờ đi không được trở về mà mang chứ không thì du kích họ biết mình đi vượt biển. Một tay thì cầm bình nước, tay kia cầm cành cây đầy lá, hễ khi nào người hướng dẫn ra lệnh ngồi xuống thì để cành cây này lên đầu, hoặc di chuyển khi ngồi, lúc nằm, lúc bó, lúc chạy, cuối cùng thì bơi qua con sông nhỏ, không biết bơi nhưng cũng lội xuống nước bám vào ai đó để lên ghe.
Lên được ghe rồi mọi người lại dồn xuống hầm để đậy nắp lại. Mấy chục người chen chúc nhau trong một cái hầm ghe nhỏ xíu. Cả ngày đói khát mệt lả, lại ngửi mùi dầu máy, tiếng nôn ọe, tiếng la hét đòi mở nắp hầm để thở, tiếng kêu gào đói nước uống. Tất cả những âm thanh đó không lấn át nổi âm thanh của tiếng súng bên ngoài rượt theo. Tôi không còn sức để rên rĩ hay gào thét, thân thể của tôi bị những thân thể khác đè lên rồi khôn còn sức để đẩy bọn họ ra xa nữa. Tiếng gào thét từ từ lắng dần chỉ còn lại tiếng sóng và tiếng máy nổ.
Khi tỉnh dậy, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là một khoảng ánh sáng ngay miệng hầm ghe. Theo hướng đó tôi bò ra ngoài để bớt bị ngộp. Tôi bò qua những người nằm gần mình, họ không một chút phản ứng gì cả. Họ ngủ say? Trong hầm ghe bấy giờ đầy mùi chua của nôn ọe và mùi phân tiểu. Nhìn lại mình, quần áo dính đầy nhớt của nôn mửa, tóc thì bện lại, những người đi chung nhóm hình như không nhận ra tôi nữa, nên hỏi: “Có phải chị không?” Tôi gật đầu, không còn sức để nói.
Chợt có ai đó la lên: “Có người chết, có người chết trong này”. Mọi người náo loạn, ghe chòng chành, một vài người đàn ông bò vào chỗ tôi mới bò ra, mặc dù mùi hôi xông lên nồng nặc. Và đúng như vậy, họ đã khiêng ra khỏi hầm ghe ba thi thể, đó là một bé gái có em trai và em gái đi cùng, một em trai có mẹ đi cùng, và một thanh niên. Cảm thấy sợ vì mình đã nằm chung với người chết qua đêm. Người ta khiêng ba thi thể ra trước mũi ghe, tiếng kính vang lên cùng tiếng thét của bà mẹ trẻ mất con, tiếng kêu gào của em trai em gái mất chị, còn lại là tiếng khóc não nùng hòa cùng tiếng sóng. Hai người đàn ông mỗi người cầm hai tay và hai chân của mỗi thi thể cùng hô nhịp nhàng một...hai...ba...rồi thảy xuống biển. Sóng dâng lên cuồn cuộn, mây đen kéo đến, trời bắt đầu mưa. Sóng đã nhận chìm các thân thể dưới lòng biển sâu và đẩy chiếc ghe nhỏ ra xa dần.
Mới hơn một đêm trôi qua mà ba người đã ra đi, còn lại trong ghe tám mươi bảy sinh mạng nữa, trôi về đâu? Sau khi chứng kiến cảnh ba người bị thảy xuống biển xong, tôi rũ người ra. Loáng thoáng có nghe ai đó nói “đái đi, đái trong quần cũng được, nín thì bọng đái phồng lên nó bể ra đó”, hoặc “Cho tôi xin miếng nước”, “Mẹ ơi, con đói quá”, “Lạnh quá”, “Con tôi đâu, trả lại cho tôi”, “Ai có dầu không cạo gió cho thằng nhỏ này chứ không thì nó chết đó”, “Ô, có tàu lớn, đốt lửa lên bà con ơi, đưa con nít với phụ nữ ra cho họ thấy, họ cứu’’...Những câu nói đó được lập đi lập lại trong những ngày kế tiếp và dần dần yếu đi...cho đến lúc có tàu vớt thì sự sống trong ghe mới bắt đầu hồi sinh trở lại.
Tôi còn nhớ có người xúc động bảo mình được sinh lại lần thứ hai, rồi còn bảo là nếu sau này có sanh con trai hay con gái đều đặt tên là Santania.
Đó là tên của chiếc tàu vớt chúng tôi, thuyền trưởng là người Hòa Lan. Khi được tàu vớt lên rồi, đứng trên boong tàu mọi người nhìn lại chiếc ghe nhỏ chở chín mươi sinh mạng trên biển mới thấy rùng rợn. Chiếc ghe nhỏ không thể nhỏ hơn được nữa. Các thủy thủ cột ghe của chúng tôi vào tàu của họ rồi kéo theo để tiếp tục cuộc hành trình. Một lần nữa sóng lại nhận chìm chiếc ghe nhỏ cũng giống như nhận chìm ba thi thể kia vậy. Các thủy thủ cắt dây.
Tàu Hòa Lan chở chúng tôi đến Singapore, ở đây họ từ chối không nhận. Đó là năm 1989, thời gian có cuộc họp của Cao Ủy Tị Nạn quyết định số phận người tị nạn tại Thụy Sĩ. Chúng tôi sang một chiếc tàu khác vì tàu Santania phải đi Ả Rập. Chiếc tàu nảy chở chúng tôi đến một nước khác, tôi khôn biết chắc đó là Mã Lai Á hay Nam Dương, nhưng nước này cũng không nhận chúng tôi. Bấy giờ họ lại phải mướn cho chúng tôi hai chiếc ghe nhỏ. Hơn tám mươi người được đưa sang hai chiếc ghe nhỏ này ở tạm thời ngoài biển, và chiếc tàu này lại ra đi. Chúng tôi sống trên hai chiếc ghe này gần một tháng, lương thực hàng ngày có người đưa đến. Vào những ngày mưa gió là cực nhất, thuyền cứ lắc lư chao đảo, mọi người ói mửa cả mật xanh mật vàng, áo quần không đủ ấm, nhiều người bị bệnh. Nhưng dù sao thì cũng đỡ hơn chiếc ghe đầu tiên. Cứ ngày này qua ngày khác sống trong tuyệt vọng vì không trại nào nhận nữa. Sau cùng thì có tàu Cap Anamur của Đức chở chúng tôi đến Phi Luật Tân, tạm cư tại trại P.F.A.C Palawan.
Cuộc hành trình trên biển cơ cực và kinh hoàng như thế, nhưng những gì xảy đến cho những người đi sau 14-3-1989 mới thực sự làm cho họ suy sụp. Đó là đợt thanh lọc để phân biệt thành phần tỵ nạn. Sau hơn năm năm ở trại tỵ nạn, tôi bị luật sư xếp cho tôi vào loại tỵ nạn kinh tế. Luật sư ở đây cũng không khác gì luật sư ở Việt Nam thời bấy giờ, tiền là bạo lực, là sức mạnh, quyết định kết quả của chính sách thanh lọc.
Sau khi nhận quyết định như vậy, tôi có nghĩ đến cái chết để chấm dứt tất cả. Bốn chữ “tỵ nạn kinh tế” nó cứ ám ảnh trong trí. Trong trại mấy ngàn người, ai cũng vậy thì ai an ủi được ai. Có những cựu quân nhân cũng bị xếp vào loại tỵ nạn kinh tế. Có trường hợp tôi chứng kiến, gia đình cựu quân nhân có tất cả sáu người, cả nhà vào thanh lọc, ai cũng bị rớt, kể cả người bố là cột trụ chính của gia đình, duy chỉ có người con gái 18 tuổi được luật sư xếp vào loại tỵ nạn chánh trị. Sau đó cô này đi định cư ở Canada, những người còn lại trong gia đình cô bây giờ vẫn còn ở trại. Những tình cảnh đầy bi thương và nghịch lý.
Sau khi có một phái đoàn ở Mỹ qua nói chuyện với những người bị rớt thanh lọc, tôi đã trở về để ra đi lại theo chương trình tái cứu xét người vượt biển hồi hương.
Ngày trở về cũng như ngày ra đi của hơn năm năm về trước, cũng lặng lẽ trong nước mắt, nhưng lần nay đau đớn hơn, tủi nhục hơn và uất hận hơn.
Phi cơ gần hạ cánh, lúc đó trời đã tối, ánh đèn, sương mù chập chùng, nhìn những cô chiêu đãi viên hàng không trong tà áo dài phấp phới, tôi không một chút bồi hồi xúc động với cảm giác của người đi xa về. Đến phi trường, chúng tôi không ai được gặp người thân, tất cả bị dồn lên một chiếc xe bịt bùng chở vào trại tập trung ở Thủ Đức. Tôi - một người trở về – lúc nào cũng chỉ có cảm giác muốn quay lại Palawan ngay.
Ngày tôi trở về chưa có Trịnh Hội đến. Nói như vậy không có nghĩa trách móc sao Trịnh Hội đến trễ vậy? Giờ đây đã mười bốn năm, dù đang ở xứ tự do, nhưng cuộc vượt biển và cuộc sống ở trại tỵ nạn không bao giờ phai mờ trong tâm trí, nó còn mạnh hơn cả thời thơ ấu ở quê nhà. Đối với tôi, thời thơ ấu là một thời đau thương và tuổi trẻ là một thời thổn thức.
Sống ở trại tỵ nạn nỗi khổ tinh thần cứ bám riết, sống trong lo âu, sợ sệt, vì không ai bảo vệ mình. Tôi chỉ trải qua hơn năm năm, còn nhiều người khác cho đến bây giờ! Họ vẫn còn tỉnh táo và vẫn chịu đựng chấp nhận khổ cực sống tại mảnh đất tạm dung với một hoài bão về một ngày mai tươi sáng hơn.
Hòa Lan.