Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

ĐI CHÙA HƯƠNG...

Tìm Loài Hoa Ba Nghìn Năm

Mới Xuất Hiện Một Lần

 

LƯU VĂN VỊNH

 

 

Có những giấc mơ rất khó đoạn diệt, kéo dài từ tuổi thơ ấu tới tuổi trung niên, tỷ dụ như ao ước cái tên Thăng Long được trả lại cho Hà Nội, quốc hiệu Đại Việt được trả lại cho Việt Nam v.v..bao vết bụi bám trên đất tổ như một nghiệp dĩ, dù chỉ là những vết bụi danh từ mà nhà Phật đã dạy chẳng nên chấp nhất.

Chấp kiến đã khó cởi bỏ, chấp mộng lại càng vạn nan! Vào đời tưởng mộng xưa đã co rút lại, nào ngờ tiềm thức cứ thổi mãi lên, to dần, tròn đầy thành quả bong bóng, chúng sinh như đàn trẻ con cầm lấy đầu dây, buông thì tiếc, giữ thì mỏi tay! 

Và tôi đã trở về Thăng Long sau 39 năm.  Mới năm nào chớm thu bắt chước người lớn mắt ứa lệ qua cầu Long Biên, hôm nay một ngày tàn thu trở lại, mắt đã khô như sa mạc và lòng bình thản nhìn tuồng ảo hóa như một cơn bụi lốc của mê tâm.  Những trang kinh Kim Cương, Pháp Hoa..quả có tác dụng giải thoát của nó..., tôi lần bước bên Hồ Gươm lối đi học năm xưa, lấy tay sờ lên mấy viên gạch cổ miếu chỗ Vua Lê từng ngồi câu cá và là chỗ bán lạc rang của ông già Tàu nổi tiếng thời 1950... bên kia vườn hoa Chí Linh, từng chiếc lá vàng rơi lác đác trong cơn mưa phùn.

Nhưng Thăng Long mới chỉ là cuốn sử ngàn năm tiêu biểu cho phần ý thức lịch sử dân tộc, muốn tìm tới phần tiềm thức lịch sử, nằm sâu thẳm trong huyền linh siêu việt, phải đi vào động Hương Tích.  Ở vào thời Thủy Tinh dâng nước lên đánh Sơn Tinh cách đây bốn nghìn năm, châu thổ sông Hồng còn bị sủng nước, dân tộc lúc ấy ở trên vùng đồi núi cao, vì thế cái nôi của Việt sử là khu Tam Đảo, Hương Tích, Tản Viên, quanh quẩn trong cao độ này, nếu dùng tuệ nhãn tuệ giác, có thể ngửi thấy vết chân tổ tiên và nghe được tiếng đá của Sơn Thần ném xuống loài thủy tộc...

Vào một buổi sớm tinh sương, ăn lót lòng bằng một nắm cốm gói lá sen thanh tịnh, tôi đi vào Chùa Hương, đi qua những con đường chất đống rơm rạ và những cánh đồng cày sâu cuốc bẫm.  Trời lại lất phất mưa như bụi hoa linh diệu trải dầy không gian, một không gian thân thuộc êm ấm như vòng tay người mẹ ôm lấy đứa con thơ, đứa hư đốn nghỗ nghịch, đưa ngoan ngoãn hiền lành, đứa cười, đứa khóc ấm ức...Chẳng bao lâu đã tới Bến Đục, nhưng đò nằm ở mạn dưới, chờ mươi lăm phút mới lên được chiếc đò bé nhỏ.

Ngoài cô lái đò, khách đi hành hương chỉ có hai người và một chú tiểu ăn mặc như một học sinh, tay xách máy cassette nghe kinh suốt dọc đường.  Thấy giọng giảng kinh là giọng miền Nam, tôi hỏi chú ngoài này không có kinh ghi băng hay sao, chú trả lời không trực tiếp "vì các sư ở trong Nam giảng kinh hay hơn..." mãi sau trở về Thăng Long vào thăm Chùa Quán Sứ, trung tâm Phật Giáo miền Bắc, tôi mới vỡ lẽ là ngoài Bắc rất thiếu kinh sách, thiếu cả thầy tu, chứ đừng nói tới băng nhựa ghi kinh.

Mặc kệ cơn mưa bắt đầu tầm tã, trong luồng gió, tôi thấy chập chờn một bầu trời Bụt: nhấp nhô những ngọn núi xanh lam in hình dưới dòng nước lờ mờ, thỉnh thoảng bắt gặp một chú cá phe phẩy đuôi vàng như vạt áo cà sa...vạn vật nơi đây đang nằm trong diễn trình Phật hóa, ngày đêm thấm nhuần từng giọt mưa Bát Nhã, từng nhịp mõ Hoa Nghiêm dưới trăng Lăng Già lồng lộng, cho đến cả cỏ cây, côn trùng, cả chim muông, lươn cá...đều trang nghiêm, cùng khách vãn cảnh, trong một sát na mở hội Diệu Hoa... Trời đất như trầm tư, con đò như rời cõi tục, nếu lời tiên tri của Trạng Trình đúng:

 

Bốn Bụt xuất thế đã chày

Chưa chọn được ngày tế độ muôn dân

 

Thì hẳn bốn Bụt sẽ xuất hiện nơi đây, nơi Phật địa này, để rải lên giang sơn gấm vóc những hạt Kim Cương cắt đứt oan cừu nghiệp báo.

Cô lái đò đã thế vừa đẩy con sào vừa đẩy đưa thêm vào thế giới siêu linh: "ở đây có 99 con voi tất cả đều chầu về chân Phật, chỉ có mỗi một con bướng bỉnh không chịu chầu nên bị Bồ Tát phạt mất một cái mông-vừa nói cô vừa chỉ trái núi bị vạt mất một mảng - và cái mảng mông voi bị phạt đứt ấy văng sang bên kia thành một mỏm núi khác".  Câu chuyện thêm phần kỳ bí vì ở chân núi và ngay trên những eo đất lô nhô giữa làn nước mỏng còn thấy nhiều ngôi mộ cũ và mới như thể táng vào long mạch của quý địa này.  Cô lái đò có giọng nói đon đả kể thêm chuyện một bọn Tàu định táng hài cốt vào giữa hang Phật bằng cách để lớp cốt ở dưới đáy đỉnh đồng, trên để hương trầm mang vào biếu nhà Chùa, nhưng sư cụ biết được nên mưu mẹo của mấy chú khách bị đổ vỡ.  Truyền thuyết phong thủy có nói tới 99 ngọn núi quý ở Hồng Lĩnh và ở Kinh Bắc, không thấy nhắc tới vùng Hương Sơn, có thể tại vì 99 con voi một con quay đầu nên chỉ còn 98 con chầu về Phật động chăng?  Sau cuộc biển dâu, được nghe lại những từ ngữ thân mật như "sư cụ, chú tiểu..." thật cảm khoái, cứ ngỡ thời gian đã tàn ác phá mất truyền thống thời xưa, kể cả những cách xưng hô lễ độ mà gần gũi.  Càng ở những vùng xa Hà Nội, càng thấy dân tình giống như cũ, giọng nói vẫn thế, dáng dấp vẫn thế, còn ngay tại Hà Nội, nhiều lắm còn sót lại 20-30% văn vật năm xưa, lâu lâu gặp lại sắc dân núi Nùng sông Nhị, nghe giọng nói mắt nhận nhau mà ngậm ngùi.

Con đò bập bềnh xuôi khe Yến giữa làn nước mênh mông lan tới chân núi, sau gần một tiếng, đò ghé đền Trình để khách vào bái Sơn Thần xin lên thăm Động lễ Phật.  Đền Trình còn thờ một dũng tướng của Hùng Vương trấn ngự khu linh địa lịch sử ba bốn nghìn năm này.  Lúc lên đò tiếp tục xuôi vào Chùa trong, cảnh vật càng thanh tịnh hơn vì chú tiểu đã đi lên chùa nào không còn nghe tiếng băng nhựa tụng kinh nữa.  Từ Chùa trong, tam quan đang xây cất lại, lên tới động Hương Tích phải leo đường lót đá xanh dài tới 2km.  Mỗi phiến đá to đã mòn vết chân người xưa trẩy hội, đâu đây còn xột xoạt những tấm áo tứ thân xanh đỏ, còn phảng phất trong hơi gió tiếng chào hỏi nhau ngày Hội, vành nón quai thao và lọn tóc đuôi gà...trong một thoáng tôi bỗng thấy mẹ tôi thời thiếu nữ lẫn giữa muôn chiếc bóng chập chờn, lao xao trong lá cây, ánh nắng buổi trưa tràn đầy triền núi.

Cánh cổng dẫn vào Chùa Hương

 

Rừng núi hang động là nơi tiềm tàng Mẫu tính, là địa phận của Mẫu Thượng Ngàn, của Chúa Liễu, quân bình với bên kia vời vợi Ba Vì, cao và thiêng, Cao Biền bó tay mà phục, là Phụ tính, là Tản Viên sơn thần, là Đức Thánh Trần sau này...tín ngưỡng dân gian muốn dân tộc có Cha thiêng Mẹ hiền che chở và có Trời Phật độ trì.  Tổng hợp tôn nghiêm này thể hiện rõ rệt ở động Hương Tích.

Leo tới cửa động chót vót đỉnh chân núi đã rã rời, không hiểu các cụ khi xưa không đi giày thể thao làm sao leo được lên đây? Chưa kể từ cửa động còn phải leo xuống hơn trăm bậc nữa mới vào tới động.  Hôm ấy buổi trưa nắng đã lên nhưng bụi mưa vẫn còn lất phất, đi vào trong động thì tránh được mưa nhưng hết ánh sáng.  Chặn giữa động là một tảng thạch nhũ từ trên nóc động rũ xuống trông giống như một người khoác áo mưa rơm.  Đằng sau tối om phải đánh diêm thắp lên mấy ngọn nến mới thấy leo lét những pho tượng Phật ngồi sắp hàng thành mấy tầng.  Du khách có thể hơi rùng mình vì hang rất lớn và tối, trên cao còn đọc được dòng chữ Nho "Nam Thiên Đệ Nhất Động"  của Lê Thánh Tôn hay Trịnh Sâm cho khắc lên đá.  Giá lúc này mà có một tên cướp xuất hiện thì thật giống mẫu truyện trinh thám của Thế Lữ hay Phạm Cao Củng kể chuyện bọn buôn người bắt trẻ con đem dấu trong hang.

Đứng giữa Chùa Hương không một bóng người, không thấy một thiền sư...sự im lặng trọn vẹn làm thời gian không còn bờ mè...có lẽ hay hơn là đi vào ngày Hội, kéo dài cả tháng, cả vạn người chen chúc...và có thể mấy chiếc quần jeans, khói thuốc lá, máy chụp hình, những tiếng xì xồ...làm tan vỡ mất giấc mơ ấp ủ, một tưởng tượng huyền hoặc đang vời vợi giữa không gian tiềm thức.

Ra tới cửa động có cảm tưởng như rời khỏi cái nôi linh thiêng.  Từ cái nôi này, có đường lên Trời, có lối xuống Đia Ngục, có vết chân Bồ Tát, và nhất là có dấu chân của muôn kiếp người.  Có thể vạn năm xưa tổ tiên Lạc Việt đã trốn lụt hồng thủy ở trong động này, thời đồ đá chắc đã có người vượn ngồi ở trong hang đẽo gọt những chiếc rìu, chiếc búa.  Từ cửa động nhìn bao quanh núi non, đây là một địa thế chiến lược có thể làm chỗ dưỡng quân cho cả mấy sư đoàn...Phải chăng vị dũng tướng thờ ở ngoài đền Trình đã lui binh về đây để cố thủ bảo vệ vua Hùng?

Đi xuống núi cũng mệt như lúc leo lên, tới chặng giữa phải ngồi nghỉ chân, tình cờ lại ngồi đúng bên suối Giải Oan, nước cạn nhưng vẫn còn nghe róc rách.  Thỉnh thoảng ở bờ núi chung quanh có tiếng nổ lớn, ông quản lý ngôi chùa nhỏ nói với người thợ đang vét đất bên dòng suối: " Các ông ấy lại cho nổ mìn để mở mấy cái hang động mới”, như thế trong vùng Hương Sơn chắc còn nhiều hang động to nhỏ và còn rất nhiều chùa chiền lẩn khuất sau rừng cây vách đá.  Nhiều nhà địa chất gọi Hương Sơn là Vịnh Hạ Long trên cạn, núi hang chập chùng đủ mọi hình thể.

Cổ nhân xây chùa dựng tháp thường chọn những danh lam thắng cảnh và chọn địa thế theo nguyên tắc phong thủy có sông uốn khúc, có núi quây vòng.  Leo bực đá hai cây số để lên lễ Phật Bà Hương Tích đã là thực hành đức tinh tấn và thời gian bước tới từng bước nhọc nhằn tự nó đã là những lời kinh giác ngộ.

Đạo Phật như hạt giống gieo vào đất nào thì thuận theo mùa màng khí hậu của đất ấy mà mọc thành thổ sản, từ bùn lầy sen vẫn vươn lên tinh khiết và vạn trang kinh vẫn chỉ là những cánh hoa trắng vô ngôn, ai có căn tốt cứ việc sáng tạo thêm.  Theo đúng tinh thần này thì đạo Phật không nên câu nệ mảnh đất nào, tốt hay xấu, đỏ hay vàng, vẫn cứ gieo trồng vun tưới cho bùng nở đóa diệu hoa. Gọi là đại hùng đại bi là như vậy.  Con voi hung dữ mà Bụt còn dạy được huống hồ mảnh đất Giao Chỉ đã có sẵn mầm tốt, đã có sẵn 5000 ngôi chùa và nhất là có sẵn một khối người đang tỉnh dậy tìm về cội gốc thiện căn.

Nghĩ miên man như vậy bên dòng suối Giải Oan, khách vãn cảnh có thể tự hỏi tại sao nhiều nơi có suối Giải Oan, có chùa Giải Oan...phải chăng vì kiếp người Việt Nam chịu oan khiên chồng chất nên cần được giải thoát?  Chữ "OAN" trở thành một tiền đề phổ quát, nàng Thị Kính tiêu biểu cho bao người đàn bà chịu cắn răng nhịn nhục mà hóa thân thành Quan Âm Thị Kính, là một sáng tạo đặc biệt của đạo Phật bình dân.  Chuỗi oan khiên dằng dặc đã được mô tả trong "Cung Oán", trong "Đoạn Trường", trong "Chinh Phụ"...nỗi Oan và Oán trùng trùng trên quê mẹ đẫm máu ta và người...máu Tầu, máu Mông Cổ, máu Mãn Châu, máu Pháp, máu Nhật, máu Mỹ, máu Ma rốc, máu Chàm, máu Phù Nam, máu Khờ Me...triệu triệu vong linh ta và người ấy đã siêu thăng hay hãy còn u uất với nỗi oan yểu vong?  Nếu Tạo Hóa chọn mảnh đất uốn éo cong queo này làm lò cừ để thử lòng nhân của con người, thì đây là lúc phải lập Đại Đàn Giải Oan vừa siêu độ vừa cởi bỏ oan khiên nghiệp chướng còn tụ đọng trong đáy huyệt quê hương.  Biết đâu sức chiêu cảm của lòng thành thấu tới tai Quan Âm để rồi thiên thủ thiên nhãn sẽ tháo tung những nút thắt oan nghiệt trên tấm thân mang hình chữ S?

Ý nghĩ lập đàn Giải Oan theo tôi ra mãi con đò cắm sào chờ đợi.  Đò có thêm mấy người cùng rời bến ra về.  Trên làn nước hoàng hôn vạt sương lam mờ mờ bao phủ sườn núi, loáng thoáng bên tàu có người nhắc tới rau xắng Chùa Hương và đặc sản thịt lươn của non nước vùng này...Nhìn lại vòm trời rất hồn bướm mơ tiên đang bốc lên như hơi thở ngân nga lan vào vũ trụ linh diệu, tôi ước ao có một cái túi hồ lô đựng nắng, đựng gió, đựng cả những cánh mưa hoa, cả hơi thở của núi...mang về làm quà cho bằng hữu...

Và một luồng ba động lại khởi lên từ cõi tâm mộng chấp: có Dương thì phải có Âm, cổ nhân nói nước ta chỉ có núi Ba Vì tối linh là mọc được nhân sâm, vậy thì động Hương Tích ắt có hoa Ưu Đàm ba nghìn năm mới xuất hiện một lần...Năm sau trở lại đi tìm, biết đâu chẳng trúng mùa hoa khai?