Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

 

“Đầu núi La Phù mây phủ kín

Thiên Thai cửa động nào đâu lối vào?” (1)

 

Hà Sinh tên chữ là Thư Trúc, người tỉnh Long Hồ, vốn dòng dõi thi hương thế tộc. Gia đình thuộc vào hàng khá giả, có tiếng mộ đạo trong vùng. Mẹ Sinh khi có mang chàng thường đến ngôi chùa cổ trong làng, thắp nhang lạy Phật nghe kinh. Một đêm ngủ nằm mơ thấy một vị tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần đến vái chào và đặt vào lòng bàn tay bà một đóa hoa tươi thắm. Cho là điềm lành nên cha mẹ chàng càng thêm trân quí.

Từ nhỏ, Sinh đã tỏ ra là một đứa bé thông minh đĩnh ngộ, được thầy học khen là có thiên tài. Cha chàng cũng không có cao vọng chỉ mong Sinh giữ lấy nghiệp nhà, lấy vợ sinh con nối dõi tông đường. Chẳng may, chưa kịp hỏi vợ cho con thì cha mẹ Sinh lần lượt qua đời để lại chàng một mình côi cút với niềm thương nhớ không nguôi. Sinh càng trở nên lạnh nhạt với đường công danh mà chỉ thích thi văn nhàn hạ, tư tưởng lại đượm mùi Lão Trang không màng đến việc lợi danh ở thế gian nữa. Chàng có tính lạ đời là rất ham thích đam mê các loài hoa xinh cỏ đẹp. Trong các bạn bè thân tộc, nơi nào có những loại hoa kiểng hiếm hoi, kỳ hoa dị thảo là chàng cũng lần dò tìm đến cố khẩn khoản xin cho kỳ được, đem về trồng trong khu vườn nhà. Thời gian sau cả khu vườn rộng lớn đầy rẫy những hoa xinh kiểng lạ. Đặc biệt là quanh phòng đọc sách, Sinh trồng nhiều gốc mai hay đào, mỗi độ xuân về hoa nở thật là thanh nhã tươi đẹp. Chàng thường hay tụ họp dăm ba người bạn thân, tao nhân hàn sĩ, dưới những cội đào để cùng nhau uống trà thưởng nguyệt, đàm đạo việc thi văn lấy lối sống thanh đạm tao nhã của người xưa.

Một hôm, nhân đến ngày gần cuối năm, cảm thấy lòng xuân phơi phới, Sinh tìm ra chợ hoa có ý định tìm mua một cội mai già hay một gốc đào cỗi để đem về thưởng xuân trong ba ngày Tết. Thiên hạ dập dìu. Các chậu hoa đủ màu đủ loại khoe bày hương sắc, thôi thì đủ loại hoa xinh cỏ đẹp mặc tình cho khách tìm hoa thưởng thức. Sinh vui vẻ lần dò đến chỗ bán hoa mai và hoa đào. Một rừng hoàng mai cánh đơn vàng tươi rực rỡ, nhiều cành mai mười cánh tương đối hiếm hơn với những nụ bông còn búp xanh xanh xen lẫn vài lá non. Vài chậu mai chiếu thủy làm kiểng xưa có lẽ đã hơn chục năm, kế bên những gốc mai rừng gầy gò khẳng khiu, sần sùi rắn chắc đã nở một vài nụ trên cành. Đôi khi chàng lại gặp một vài chậu bạch mai hiếm có, cánh hoa mỏng manh trắng bạch, thanh khiết lạ kỳ. Mùi thơm của hoa nhẹ nhàng thoang thoảng tỏa ra khắp nơi. Vô tình chàng đến trước một cụ già chất phác nhưng đầy vẻ rắn rỏi phong trần, đang bày bán một số cành đào đã trổ nụ, lõm bõm vài nụ hoa đã hé nở một màu đỏ hồng trông thật xinh đẹp vô cùng. Gần bên có một gốc đào cỗi, dáng dấp tao nhã lạ lùng được bó đất cẩn thận dưới rễ, phía trên lơ thơ vài nhánh đào non mang vài nụ hoa còn xanh búp. Thấy chàng chăm chú nhìn gốc đào có vẻ thích thú, cụ già hiền lành bảo:

- Gốc đào cỗi nầy, lão đã phải khó khăn lắm mới tìm được nó trên triền núi, định đem về trồng ở khu vườn nhà để thưởng thức trong lúc tuổi già, những khi trà dư tửu hậu. Nhưng vì muốn sắm cho thằng cháu nội nhỏ một bộ quần áo mới nên lão đành phải mang đi bán ở chợ hoa nầy.

Sinh chưa kịp nói gì thì ông lão đã tiếp:

- Đây là một loại đào quí hiếm có, đã quen chịu cảnh đất cằn gió sương rét mướt nhưng khi hoa nở thì lại xinh đẹp vô ngần. Thật là một loại đào trân quí không phải loại tầm thường đâu. Lão cũng mong bán được cho người biết thưởng thức một loài hoa hiếm để khỏi phải làm tủi thân hoa, nên không đòi hỏi giá đắt đâu? Chỉ cần công tử có duyên phần với gốc đào cỗi nầy là lão cũng đã mãn nguyện rồi.

Thấy cụ già có lối nói kỳ lạ nhưng không kém vẻ khoáng đạt phong dao tiêu sái, Sinh đem lòng cung kính nhận lời mua, không mặc cả trả giá gì hết. Chàng vui vẻ mang gốc đào về nhà, tìm một chỗ thoáng đãng trong vườn gần bên các cây đào khác rồi đào đất cho xốp, trộn một ít phân cỏ, xong trồng gốc đào xuống.

Ngày ngày Sinh chăm nom tưới nước, bắt hết các loại ốc đến gần không cho ăn những tược non, theo dõi từng chiếc lá xanh, từng nụ hoa còn búp. Tuy nhiên, trời chẳng chiều người, vài ngày trôi qua Sinh vẫn thắc thỏm trông chờ một triệu chứng gốc đào đã đâm rễ. Nhưng chàng buồn bã nhận thấy là gốc đào càng ngày càng héo hắt, vài nụ hoa chưa kịp nở đã rụng rơi, rồi các tược non cũng lần lượt rụi dần làm chàng thất vọng hối tiếc. Hay là ông lão đã gạt chàng chăng? Đâu có lẽ vậy! Sinh đành tự an ủi cho rằng chàng không có duyên phần với gốc đào núi hiếm hoi nầy. Có lẽ nó chỉ có thể sống nơi đỉnh núi hoang vu không thể trồng trong khu vườn nhà được.

Ngày tháng trôi qua. Một hôm nhàn rỗi, Sinh nằm mơ tưởng mông lung trên chiếc giường tre nơi thơ phòng, day mặt ra khu vườn hoa. Chàng bỗng thấy mình lẩn thẩn đi sâu vào một khu rừng núi hoang vu xa lạ chưa từng quen biết. Rừng núi chập chùng, cây xanh xanh mây cuồn cuộn, bát ngát mênh mông. Núi cao chớn chở, mây trắng bao phủ bềnh bồng. Sinh bàng hoàng bỡ ngỡ như đang đi lạc vào một cảnh Thiên Thai. Bỗng chàng gặp một suối nước trong veo chảy ngoằn ngoèo quanh chân núi. Cảm thấy khát nước, chàng men đến gần định uống mấy vốc cho đã khát. Tiếng chim rừng kêu lảnh lót từ xa vọng lại, tiếng suối chảy róc rách êm đềm, tiếng lá thông reo vi vu làm cho chàng có một cảm giác nhẹ nhàng thoát tục. Vô tình Sinh ngạc nhiên nhìn thấy trên mặt suối lốm đốm những cánh hoa đào đỏ hồng, nổi lều bều trôi theo dòng nước không biết chảy về đâu, chắc là đang xuôi xuống cõi trần. Động tánh hiếu kỳ trước cảnh nước biếc non xanh, chàng men lần theo dòng suối định tìm xem nơi nào lại có nhiều hoa đào vậy? Thời gian sau chàng lạc đến một khu rừng đào, cả hai bên dòng suối đề là những vườn đào đang độ trổ bông, đỏ hồng cả một vùng thung lũng rộng lớn. Thấp thoáng dưới những cội đào, một số nhà tranh ẩn hiện, xinh xắn thanh tao, u nhã tuyệt vời khó gặp ở chốn trần gian. Sinh bàng hoàng đứng lặng không biết mình đã lạc vào chốn Đào Nguyên nào. Thật là:

 

“Bất tri thử địa quy hà xứ

Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân” (2)

hay:

“Chốn nầy ai biết về đâu nhỉ,

Hãy đến Đào Nguyên hỏi chủ nhân”

 

Sinh vốn bản tính hào hoa, ưa thích tất cả vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất, lại thêm có tật si mê hoa đào nên chàng lẩn thẩn tiến vào khu vườn. Từ một mái nhà tranh, có tiếng chó sủa vẳng lại rồi một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần như một tiên nữ trong tranh, lững thững đi đến, nhìn Sinh mỉm cười như đã từng quen biết, dịu dàng thỏ thẻ:

- Thiếp là Giáng Đào, nữ chủ nhân của Đào Hoa Cốc nầy. Nơi đây đào nở quanh năm nên chỉ có một mùa xuân và Đào Hoa Cốc vốn là một huyễn cảnh của Bồng Lai tiên giới.

Sinh bàng hoàng như người trong mộng, chả hiểu ất giáp gì, ấp úng không biết phải nói làm sao với giai nhân thì nàng đã mỉm cười nói tiếp:

- Chàng và thiếp có duyên gặp gỡ với nhau từ kiếp trước. Cũng vì muốn đáp ơn tri kỷ của chàng và tạ lại cái lòng thành thương hoa tiếc ngọc, cái tấm tình si hoa đào nên thiếp đã mượn các cánh hoa đào trên dòng suối dẫn dắt chàng đến đây, tạo ra cuộc hội ngộ hôm nay. Mong chàng đừng cho là huyễn hoặc.

Rồi vui vẻ thiếu nữ duyên dáng dẫn chàng vào nhà, hối các chị em bưng nước ra mời chàng, đều là những thiếu nữ kiều diễm, sắc nước hương trời tưởng chừng như chàng đã lạc vào cung Quảng Hàn của Hằng Nga Tiên Nữ. Giáng Đào lại sai bày một tiệc rượu giữa vườn đào để mừng cuộc gặp gỡ. Hoa quả xinh tươi, bánh mứt thơm ngon, màu sắc tươi đẹp thanh nhã lạ kỳ khắc hẳn chốn trần gian. Sinh được mời ngồi giữa bàn tiệc. Dưới ánh trăng ngà các cánh hoa đào rung rinh lay động, long lanh huyền ảo. Giáng Đào mặc chiếc áo màu đỏ hồng, lả lướt mảnh mai ngồi bên chàng rồi âu yếm mời Sinh một ly rượu màu hổ phách vừa thỏ thẻ giải thích cho chàng nghe:

- Rượu bồ đào nầy, thiếp cất từ những cánh hoa nên chứa đựng tất cả tinh túy của hoa đào, là một loại tiên tửu hiếm có uống vào sẽ được trẻ trung tươi đẹp như các loài hoa. Còn loại đào tiên nầy, năm mươi năm mới có trái một lần, ăn vào được thêm nhiều tuổi thọ, chàng hãy ăn một trái đi. Tuy không bằng loại đào tiên của bà chúa Tây Vương Mẫu, nhưng người phàm trần cũng khó có cơ duyên để hưởng được.

Các thiếu nữ tranh nhau mời chàng, mỗi người một vẻ thập phần diễm lệ, rồi cùng nhau cất tiếng ca ngọt ngào, thánh thót thanh tao hòa lẫn với tiếng sáo trúc vi vu huyền ảo, âm điệu réo rắt du dương, mang mang bất tận như một bản nhạc trời đưa con người vào cõi mộng. Ánh trăng ngà bao trùm cả khu vườn tạo thành một thế giới thần tiên diễm ảo tưởng chừng như ngày xưa Đường Minh Hoàng lạc vào cung trăng thưởng thức Vũ Khúc Nghê Thường cũng không thể hơn được. Sinh bàng hoàng say mê ngây ngất tưởng chừng như mình đang trôi giạt vào một chốn Bồng Lai tiên cảnh. Bỗng Giáng Đào tình tứ bảo chàng:

- Để kỷ niệm ngày hội ngộ của đôi ta, thiếp có một vật mọn tặng chàng. Khi nào nhớ đến thiếp thì hãy giở ra xem.

Rồi nàng đưa cho Sinh một đóa hoa đào bằng ngọc đỏ lấp lánh xinh đẹp lạ kỳ. Sinh kính cẩn nhận lấy và bỏ vào túi đồng thời say đắm nhìn nàng với tất cả tấm tình si không thốt ra lời được. Nàng e lệ, đôi má ửng hồng kín đáo nhìn chàng rồi nở một nụ cười cực kỳ quyến rũ. Tiếng chim hót lảnh lót lạ lùng dưới ánh trăng, các cánh hoa đào lả tả bay phất phới, Sinh cảm thấy mình đang chơi vơi lặn hụp trong một bầu trời vằng vặc đầy ánh trăng ngà, mưa hoa lác đác. Chàng mềm môi uống mải rượu bồ đào với một niềm hoan lạc vô biên vì được kề cận giai nhân, cho đến lúc say vùi rồi gục xuống bàn không còn biết trời đất gì nữa.

Giật mình tỉnh giấc, Sinh giụi mắt thấy mình nằm trơ trọi trên chiếc giường tre. Mùi rượu hồng đào dường như vẫn còn vị ngọt trên môi, mùi hương phấn của giai nhân vẫn còn phảng phất đâu đây tràn ngập cả thơ phòng. Chàng bàng hoàng không biết mình tỉnh hay mê, đâu là thực đâu là mộng. Cũng như Trang Sinh ngày xưa, không biết mình hóa thành bướm hay bướm hóa thành mình. Sinh bồi hồi nhớ lại cuộc gặp gỡ thần tiên diễm ảo và hối tiếc mãi giấc mộng kỳ diệu đã đưa chàng vào chốn Đào Nguyên, bây giờ lại không biết ở nơi đâu?

Bỗng như sực nhớ lại điều gì, Sinh lật đật thò tay vào túi. Một vật nho nhỏ mềm mại nằm gọn trong lòng bàn tay chàng. Sinh hốt hoảng xòe tay ra trước mặt để nhìn thấy một đóa hoa đào đỏ mỏng manh xinh xắn làm chàng trố mắt kinh ngạc. Chưa kịp có phản ứng gì thì các cánh hoa đỏ hồng dường như lay động lấp lánh rồi bất ngờ bay vút vào khu vườn hoa mất dạng. Chàng vội vã chạy ra vườn những đóa hoa kỳ dị đã biến mất, chỉ còn lại tiếng gió thoảng, tiếng chim hót và đàn bướm đủ màu sắc đang bay lượn vật vờ trên các khóm hoa.

Sáng hôm sau, cảm thấy tâm hồn vẫn còn bâng khuâng dao động, Sinh lẩn thẩn ra khu vườn hoa, mong lấy cảnh vật thiên nhiên để xoa dịu nỗi ưu phiền nhớ nhung. Vô tình chàng đi lần tới góc vườn nơi đã trồng gốc đào cỗi. Bỗng tim chàng đập mạnh, một niềm vui rộn rã lẫn kinh ngạc vì chàng vừa nhìn thấy từ gốc đào cũ, một chồi non bụ bẫm mập mạp đã mọc lên từ lúc nào không rõ, mềm mại rung rinh dưới ánh nắng ban mai. Sinh mừng rỡ vô vàn chẳng khác nào gặp lại cố nhân, vội vã chạy vào nhà mang nước ra tưới cây và càng ra công chăm sóc.

Thời gian trôi qua. Vài năm sau, khu vườn của Sinh nghiễm nhiên biến đổi hẳn thành một khu vườn đào tuyệt đẹp nhất nổi tiếng trong vùng. Mỗi năm đến mùa đào nở, cả một khu vườn đỏ hồng trông chư cảnh Đào Nguyên thoát tục mà chàng đã có diễm phúc thưởng ngoạn trong giấc mơ ở Đào Hoa Cốc. Khách thập phương xa gần cũng tìm đến xin được viếng cảnh và nhất là được cái cảm giác lâng lâng ngây ngất đi giữa các cội đào nở đầy hoa. Hàng ngàn cánh hoa đào hồng đỏ bay phất phới lả tả theo làn gió thoảng nhẹ, chẳng khác gì những đàn bướm nhỏ bay phủ đầy đầu, làm khách nhàn du có cảm giác như mình đã lạc vào cõi tiên không còn muốn trở về chốn trần gian phàm tục nữa. Trong khu vườn đào, Sinh đặc biệt ưu ái gốc đào cỗi ngày trước, nay đã trở thành gốc đào đẹp nhất của khu vườn chẳng khác nào một bà chúa hoa diễm lệ lộng lẫy giữa đám thần hoa tiên nữ. Những lúc rảnh rỗi, Sinh thường ngồi đọc sách, ngâm thơ hay thưởng thức một ấm trà sen dưới gốc đào cũ, nhất là khi đến mùa đào nở. Hương thơm của hoa đào như quyện lấy chàng. Tiếng gió thổi rì rào qua kẽ lá, chàng nhắm mắt lại dường như thấy mình trở về thung lũng Đào Hoa Cốc ngày trước, tai dường như nghe rõ tiếng thì thầm âu yếm của Giáng Đào tiên nữ: “Thiếp đã trở về với chàng”.

 

Hà Ngọc Bích

(Paris)

 

Chú thích:

(1) Lấy ý trong bài thơ Hương Miệt Hành, khuyết danh, Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam. La Phù: Một ngọn núi tiên ở Quảng Đông, tương truyền Cát Hồng đời Tấn tu tiên đắc đạo ở đây.

(2) Trích thơ Nhập Thiên Thai của Tào Đường, Đường Thi Tuyển Dịch, Chi Điền tiên sinh. Thiên Thai: Một ngọn núi tiên ở Triết Giang, tương truyền Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán gặp tiên nữ ở núi nầy.