Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

BẢN LUÂN VŨ MÙA XUÂN...

 

XUÂN ĐỖ

 

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới...

(Xuân và Tuổi Trẻ – La Hối)

 

1.-

Hồi còn nhỏ Duy say mê âm nhạc và kính phục nhạc sĩ La Hối, một nhạc sĩ tài hoa, mệnh bạc, sinh  ra và lớn lên ở thành phố cổ kính, rêu phong, buồn hiu Hội An của xứ Quảng Nam.

Nhạc sĩ La Hối bị hiến binh Nhật bắt giết năm 1946, khi mới vào tuổi hai mưới sáu. Ông đã để lại những bản nhac tuyệt vời, trong đó bản Xuân và Tuổi Trẻ, trong thể điệu luân vũ, valse, một bản nhạc bất tử với thời gian.

Năm 1959, lớp đệ tam, trong một buổi văn nghệ Tất Niên của trường Trung Học Trần Quí Cáp tổ chức, Duy và hai người bạn đã trình tấu các bản nhạc điệu luân vũ, Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối. Thu Vàng của Cung Tiến và Dòng Sông Xanh của J. Strauss. Duy đàn mandoline. Hải chơi banjo và Tô đệm  guitar. Màn trình tấu được khán giả, gồm từ ông Hiệu Trưởng, các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh và bạn bè hoan hô nhiệt liệt. Có thể nói, đây là màn trình diễn thành công nhất trong các tiết mục của đêm văn nghệ năm đó.

Khi đêm văn nghệ kết thúc, mọi người ồn ào, chen lấn ra về. Ban văn nghệ còn lo dọn dẹp các trang cụ, đàn, máy vi âm, áo quần, đủ thứ linh tinh. Duy cầm cái hộp đựng chiếc đàn mandoline trong tay, còn chờ các bạn bè khác, để nói chuyện trước khi ra về. Một giọng trong trẻo từ sau cánh màn, vọng ra:

- Duy, tiếng đàn, tiếng rung, tiếng láy của ngón đàn mandoline hay quá.

Duy quay nhìn vào sau tấm màn, thấy tà áo trắng vờn bay và mái tóc thề, đen dài xỏa ngang vai, lung linh dưới ánh đèn neon trắng nhạt. Vân Quỳnh cười thật tươi, đưa tay vẫy vẫy. Duy ngất ngây như nhắp một ly rượu mạnh, dù Duy còn nhỏ tuổi quá, chưa được uống rượu lần nào.

Duy ấp úng:

- Cám ơn Vân Quỳnh. Còn tôi khi nghe Vân Quỳnh hát bản Những Ngày Xưa Thân Ái của Phạm Thế Mỹ, tôi cảm nhận được tất cả tâm hồn của Vân Quỳnh gói ghém khi trình diễn bản nhạc tuyệt vời đó.

Duy hát thật khẻ : « Những ngày xưa thân ái, anh gởi lại cho ai... Những ngày xưa thân ái, xin gởi lại cho ai?... Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai... Những ngày xưa thân ái, xin gởi lại cho... em... » Những ngày xưan thân ái tuyệt vời!

Vân Quỳnh xúc động, định vỗ tay khen Duy hát cũng hay lắm, có thua chi ngón đàn mandoline đâu.

Có tiếng cười nói, xô kéo nhau của ba bốn cô gái chạy đến. Vân Quỳnh chạy vội lại nhập bọn, Duy lẩn vào phía bên ngoài bức màn. Một cô bạn oang oang:

- Vân Quỳnh, tau mới thấy mi đang đứng chuyện trò, tâm sự với ai, phải không? Bồ tèo nào vậy, khai mau đi khỉ nhỏ.

Vân Quỳnh cười, chỉ vào tấm màn:

- Ừ, đúng lắm. Thằng màn này đây nè.Mi băt bồ tèo với nó đi, con nhỏ lí lắc.

Có tiếng vỗ tay bốp bốp của thầy điều khiển chương trình văn nghệ:

- Các em nghe đây. Lệnh của thầy Hiệu Trưởng, các em học sinh, nhất là các em nữ sinh, nên về ngay bây giờ, kẻo cha mẹ trông. Nếu các em không về nhà, thầy và nhà trường không chịu trách nhiệm. Nghe rõ không? Còn các em trai, giúp thầy dọn dẹp, rồi cũng mau mau ra về. Không được la cà đi chới đâu trong đêm. Nếu cảnh sát bắt về nhốt bót, thầy và nhà trường không đi nhận đâu, nghe chưa, các em?

Xong các việc lặt vặt, Duy, Tô, Hải cùng các bạn đạp xe đạp ra về. Tô nói:

- Màn trình tấu của ba đứa mình thành công, nhìn xuống phía dưới, tao thấy mọi người yên lặng nghe, say sưa thưởng thức, tao hứng chí quá. Thầy Huỳnh, giáo sư âm nhạc của tụi mình, hồi nãy có nói với tao, có lời khen ba đứa mình.

Hải góp lời:

- Mọi người đâu có biết ba đứa mình bỏ cả học hành, tập dượt cả năm sáu tháng trời. Sang năm lên đệ nhị, chuẩn bị thi Tú Tài I, không biết hai đứa mày có dám tiếp tục tập dượt nữa không, nếu trường lại tổ chức đêm văn nghệ cuối năm nữa?

Duy cười cười:

- Có gì đâu mà tụi bay sợ quá vậy. Dĩ nhiên, đừng quá bỏ bê việc học, bọn mình chỉ tập dượt với nhau vào dịp cuối tuần, mỗi lần vài giờ thôi. Đừng say mê quá thì mọi việc ổn thỏa, vừa văn nghệ lai rai, vừa học giỏi, thi đậu, chuẩn bị lên đệ nhất, đậu Tú Tài II và vào đại học.

Tô nói:

- Ờ, tao cũng hy vọng vậy. Trong ba đứa, tao học dốt nhất, nên tao lo sợ. Thằng Duy học giỏi, không lo lắm. Thằng Hải học cũng khá, ít ra cũng hơn tao.

Duy muốn chuyển câu chuyện cho vui, nói:

- Lúc nãy trong màn trình tấu của ba đứa mình, tiếng đàn Tây Ban Nha của thằng Tô át tiếng moline và banjo của hai đứa tao. Tụi mày biết không, các em mê tiếng đàn guitar hơn. Còn tiếng banjo của thằng Hải như tiếng trống trận, đánh bạt tiếng mèo kêu,  mandoline của tao. Tao chỉ là cái bóng mờ bên hai đứa mày.

Tô kê Duy ngay:

- Chưa chắc đâu mày ơi! Chứng cớ là tao thấy con nhỏ Vân Quỳnh, con nhỏ hát bản Những Ngày Xưa Thân Ái, nhìn thằng Duy không chớp mắt, nhìn một cách mê đắm.

Hải bỏ hai tay ra khỏi guidon xe, vỗ tay lạch bạch vào bắp vế, cười rú lên:

- Tao cũng thấy đúng như vậy. Chết mày rồi, Duy con ơi! Thôi đãi tụi tao đi ăn kem Đông Sơn hay đi uống nước dừa Tân Tân, tụi tao kín miệng giữ bí mật cho. Còn không, cả phố Hội này, từ  Chùa Cầu, ra Xóm Mới, xuống Âm Bổn, lên Thanh Hà, qua Kim Bồng, về Cửa Đại, ai cũng biết. Thằng Duy « lẹo tẹo » với con Vân Quỳnh.

Duy chống chế:

- Tụi mày đặt chuyện tầm bậy. Thôi tao rẻ xe về nhà đây. Ngày mai hẹn gặp lại tụi mày, tập thêm một số bài mới, chứ chẳng lẽ cứ điệu luân vũ hoài sao?

- Đừng quên đãi kem Đông Sơn cho tụi tao, nghe chưa, Duy? Có kem hay nước dừa làm tươi mát tâm hồn, thì tụi tao và mày sẽ đàn hay hơn nữa.

 

2.-

Hè năm 1962 Duy về thăm lại Hội An sau ba năm xa cách, sau khi anh tốt nghiệp trường Sĩ Quan Không Quân Nha Trang, trở thành một phi công của Không Lực Việt Nam, hy vọng sắp có dịp đi Mỹ tu nghiệp về máy bay phản lực F5, cần thêm phi công.

Hội An như buồn bã hơn, rêu phong phủ kín hơn trên các mái chùa, mái ngói trong các dãy nhà khu cổ xưa Nguyễn Thái Học, Cường Để. Trên chiếc xe đạp mượn của cậu em, Duy dạo quanh một vòng thành phố thời ấu thơ. Ghé lại thăm trường Trần Quí Cáp, ngôi tường Duy học trong sáu năm, từ đệ thất lên đệ nhị.  Nhìn lại ngôi trường xưa, Duy xúc động, bồi hồi. Sáu năm biết bao kỷ niệm một thời học sinh tỉnh nhỏ. Những buổi văn nghệ tất niên, những dịp đi cắm trại, hát ca gần như thâu đêm bên đống lửa trại bập bùng cháy. Bạn bè nay tản mác khắp nơi. Hai hôm nay Duy đạp xe đi khắp phố phường, ghé lại vài nhà các tên bạn cũ, đều chẳng gặp được tên nào. Tô đã vào quân trường, nghe nói, nay là Chuẩn Úy trong ban văn nghệ tiểu khu tỉnh Quảng Đức, nơi miền Cao Nguyên đèo heo gió hút. Hải làm nhân viên Ty Thông Tin tỉnh Quảng Trị, ngày ngày ra sông Bến Hải, điều khiển những chiếc loa thật lớn, tiếng loa thật mạnh, vọng về đất Bắc của Hải ngày trước khi di cư năm 1954.

Đang thơ thẩn nhìn các phượng vỹ đỏ ối trong nắng hè và tiếng ve râm rang cùng khắp các ngọn cây. Bác phu trường đi từ trong sân ra, hỏi Duy :

- Anh muốn vào thăm trường hay có việc gì không?

Duy thấy ông phu trường tóc đã bạc khá nhiều, da sạm đen, Duy nói:

- Tôi rời trường mới ba năm, nay trở về thấy trường cũ thì thấy như xa cách thật lâu. Xin bác cho tôi đi nhìn trường một tí thôi.

Ông phu trường cười:

- Ờ, anh cứ đi xem, nhưng đừng mở cửa các phòng học, tôi đã khóa hết rồi. Nhà tôi cũng có nấu một ít thức ăn để bán lai rai cho khách, đa số là cựu học sinh về thăm trường xưa, thầy bạn cũ, và cũng có cả cà phê ngon. Anh cứ đi lòng vòng rồi ghé lại ăn mì, nhấm nháp ly cà phê quê hương.

Đi hết một vòng, từ trước trường, ra phía sau, hai bên hông trường. Trường xây thêm nhiều lớp học, cột cờ giữa trường được nâng cao hơn, bục trụ xây xi măng và trồng hoa.

Duy trở lại, bước vào bên cạnh nhà dành riêng cho ông phu trường. Vài chiếc bàn nho nhỏ, ghế thấp. Duy nghĩ, nếu có cả Tô, Hải ngồi đây, nhắc lại những đêm văn nghệ tất niên một thời thì thú vị biết bao. Duy đói bụng, khát nước trong nắng hè gay gắt, nên tô mì Quảng thật thơm ngon. Ly cà phê sữa nóng, thật ngon, thơm lừng một khoảng không gian đầy kỷ niệm một thời học sinh.

Nghĩ đến những đêm văn nghệ cuối năm trước đây, Duy chợt nhớ Vân Quỳnh. Vân Quỳnh của bản nhạc Những Ngày Xưa Thân Ái. Vân Quỳnh của nụ cười thật tươi, dấu dưới đôi mắt thật hiền, thật buồn. Lâu quá, đi học xa, rồi vào quân ngũ, không liên lạc, không gặp Vân Quỳnh. Hình như năm nay cô bé xong tú tài II và sắp bước chân vào đại học, thì phải?

Duy vội vã đứng lên, trả tiền và biếu thêm ông phu trường ít tiền thưởng cho một buổi trở về mái trường xưa thật đẹp. Duy đạp xe thật nhanh ra bờ sông, tìm nhà cô bé, may ra gặp lại người xưa. Nàng có còn nhớ ta chăng? Những Ngày Xưa Thân Ái như một vết chàm in đậm trong tâm khảm Duy. Làm sao quên nhau!

Đến trước nhà Vân Quỳnh ở đường Bạch Đằng, tự nhiên Duy ngần ngại, ngừng lại nhìn vào nhà, thấy cửa đóng im lìm. Trên lầu cao các cửa sổ cũng khép kín dù tiết hè nóng nực. Có lẽ không có ai ở nhà chăng? Duy đổi ý, đạp xe đến nhà chị Lệ, học trước Duy một lớp và khá thân hay có bà con chi đó với cô bé. May ra chị Lệ có vài điều về người đẹp xứ Hội của Duy.

Gõ cửa, chị Lệ ra mở cửa, la lên mừng rỡ. Vừa ngồi xuống ghế, chị nói:

- Chị và bạn bè ở đây nghe Duy công thành, danh toại, mọi người mừng và phục Duy lắm. Chị hỏi thật, đã có bóng hồng nào chiếm cứ trái tim Duy chưa?

Duy cười:

- Nếu đã có thì em không về lại thành phố buồn tênh này làm gì? Mới mấy phút trước đây, ở đường Bờ Sông, em rơi vào tâm trạng của Kim Trọng, trở về thấy vườn Thúy quạnh quẻ, đìu hiu. « Chung quanh lặng ngắt như tờ, Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai? ».  

Chị Lệ vỗ tay:

- Để chị nhớ lại, người đẹp nào ở Bờ Sông? Ờ lâu quá, mấy năm không gặp các em, chị cũng lú lẩn không nhớ nỗi. Bờ sông, khoảng chỗ nào? Người đẹp nào lọt vào mắt xanh của Duy, chàng phi công hào hoa, phong nhả, vậy kìa?

Duy đánh trống lãng:

- Thôi chị ạ. Chị không nhớ được, có lẽ vì nàng chẳng có gì để nhớ, và em cũng chẳng có gì với nàng cả, phải không chị?

Chị Lệ không để ý đến lời «mát mẻ » của Duy, vẫn nhíu mày, cố nhớ. Chợt chị vỗ tay bốp bốp:

- À, à chị nhớ ra rồi! Cô bé chuyên hát các bản Những Ngày Xưa Thân Ái, Thu Vàng,  Xuân Và Tuổi Trẻ, đúng chưa?

Duy định cãi lại, Những Ngày Xưa Thân Ái thì đúng rồi. Nhưng Thu Vàng và Xuân Và Tuổi Trẻ là những bản nhạc hòa tấu của nhóm Duy, Tô, Hải kia mà. Chị Lệ tiếp:

- Sau này khi Duy xong Tú tài I, đi học Huế, rồi vào Không Quân, nàng lại chuyên hát những bản luân vũ một thời Duy say mê. Chỉ có điều nàng chưa hát được toàn bản Dòng Sông Xanh vì nhiều chỗ lên cao quá và không có thì giờ và thầy tập cho.

Duy ngồi yên, có cảm tưởng như mình vừa được lắp một đôi cách cho chiếc phi thuyền bay vào không gian vô tận.

Chị Lệ tiếp:

- Chị cũng lấy làm lạ, tại sao em say mê công danh, sự nghiệp quá mà không giữ một chút liên lạc nào, nên bây giờ nàng «Như cánh vạt về chốn xa xôi », như Trịnh Công Sơn than, rồi mới đi tìm thì không biết có trể lắm không?

Không biết Duy nhìn chị Lệ có vẻ cầu khẩn lắm không, mà chị Lệ an ủi:

- Con bé Vân Quỳnh học cũng giỏi lắm. Năm ngoái đậu xong tú tài I, đang học đệ nhất, thì ba của cô bé bị đổi ra Đà Nẵng, làm việc bên Tòa Thị Chính Đà Nẵng và nàng về Đà Nẵng từ đó. Chị không biết cô bé ở Đà Nẵng, chỗ nào. Nhưng chị nghĩ Đà Nẵng cũng chẳng lớn lắm, nếu chàng quyết chí đi tìm, phải không?

 

3.-

Gần hai năm đi tu nghiệp bên Mỹ về máy bay phản lực qua thật nhanh. Trở về Việt Nam, nhận trọng trách chỉ huy phi đoàn phản lực F5, trong thời điểm chiến cuộc  đến hồi khốc liệt. Không lực Việt Nam phải đảm trách phần lớn công việc yểm trợ chiến trường bằng máy bay trực thăng, máy bay phản lực, trong việc chuyển quân, dội bom vào các cánh quân của địch, chận sức tấn công và giải cứu các đơn vị hành quân dưới đất, các đồn bót, các cứ điểm quan trọng đang bị địch tràn ngập.

Trong bao năm vào sinh, ra tử, nhào lộn bắn phá trên đầu địch quân, với hỏa lực  phòng không rất tối tân, được khối Cộng Sản Liên Sô, Trung Cộng, Đông Âu tiếp tế đầy đủ, Duy đã bay khắp trên bốn vùng chiến thuật, trên mọi khung trời đất nước. Duy đã suýt chết nhiều lần, đã đáp khẩn cấp thoát chết trong đường tơ, kẻ tóc, đã lãnh những viên đạn phòng không vào đùi, vào vai. Một lần bay với người bạn phi công phụ, nhào xuống thả những quả bom 500 cân Anh xuống một chiếc cầu chiến lược trên đường mòn Hồ Chí Minh, chạy xuống vùng Ba Biên Giới, đạn phòng không như cát ném vào khung trời đầy lửa nắng. Nhìn qua anh bạn phi công phụ, sao gọi mãi không trả lời, Duy nhận ra rằng, tấm kính hai bên người phi công phụ như phủ đầy máu đỏ. Gọi gấp về trung tâm hành quân, đáp khẩn cấp. Máy bay xuống nhẹ nhàng, sịch đổ lại trên phi đạo, xe cứu thương chạy đến đưa xác người bạn , hú còi, chớp đèn bỏ chạy. Duy cho máy bay về ụ, bước xuống thang, lảo đảo như một kẻ say rượu, lòng đau, mất một người bạn thân, bạn đồng hành trong lửa đạn.

Được hai ngày phép đặc biệt, Duy thay áo quần dân sự, nghe người nhẹ nhõm, chạy xuống phố. Chiều thứ sáu phố xá Sài Gòn vẫn đông đúc. Duy thả bộ qua vài con đường, thật sự cũng chưa biết làm gì, mua gì hay sà vào một tiệm nào ngồi nhâm nhi ly cà phê, ăn bữa cơm trong thoải mái, sau hơn mấy tháng cấm trại liên miên.

Một tờ quảng cáo cho cuốn phim cũ, La Valse Dans L’Ombre, thật hay một thời, ấn bản mới, đang chiếu lại tại rạp Eden, trong thương xá Tax. Một cuốn phim tuyệt vời của nhà đạo diễn Mervyn LeRoy với hai tài tử tài danh một thời, Robert Taylor và Vivian Leigh. Duy nghĩ, có lẽ mình đi xem lại cuốn phim thật hay, thật cảm động về một mối tình thật đẹp và buồn, của một thời chiến tranh thế giới thứ hai. Duy cười một mình, Điệu Luân Vũ Trong Bóng Mờ, một đam mê âm nhạc và tình yêu vẫn còn day dứt trong Duy.

Có dáng một tà áo vàng nhạt tha thước đi qua. Trông quen quá. Tim Duy như chợt đập nhanh những nhịp dồn dập. Ồ, Vân Quỳnh, cố nhân mình đang đi tìm trong bao lâu nay? Duy bước nhanh theo, gọi khẻ:

- Vân Quỳnh, Vân Quỳnh phải không?

Người con gái quay lại, há hốc trong ngạc nhiên lẫn xúc động. Hình như hai tay nàng chợt run run, thừa thãi, mắt mở to, miệng ấp úng:

- Duy, anh. Trời ơi, lâu quá không gặp anh, dù em có biết anh đang bay lượn trên trời, làm người hùng không gian. Sao anh bỏ phố Hội ra đi âm thầm, bỏ bạn bè thân thiết, ra đi không bao giờ trở lại, không nhớ gì những ngày xưa...?

Duy thật lúng túng, ngập ngừng:

- Làm sao quên được những ngày xưa...  thân ái ấy. Anh có về lại thăm Hội An, đi tìm em ở ngôi nhà cũ đường Bờ Sông, cảnh cũ buồn hiu, người xưa đâu thấy. Anh có hỏi chị Lệ, biết em ra học Đà Nẵng, nhưng rồi khi đi tìm em ở Đà Nẵng, chẳng biết hỏi ai về em, nay lưu lạc nơi nao.

- Ba mẹ em dọn ra Đà Nẵng, nhưng em ra Huế học đệ nhất bên Đồng Khánh, nay em vào Sài Gòn đây, sắp vào học Dược. Còn anh?

Duy đùa :

- Câu chuyện còn dài, làm sao nói hết cho em nghe khi mình đang đứng bên lề đường phố. Gặp lại em như một giấc mơ, nhất là lúc anh sắp đổi về vùng I chiến thuật, sắp lăn mình vào đất nước trong hồi tàn cuộc của trận chiến đau thương. Và một điều nghịch lý khác, em bỏ Đà Nẳng, Huế vào Sài Gòn đây, thì anh lại sắp xa nơi phồn hoa đô hội này, về vùng hỏa tuyến. Đúng là giữa anh và em luôn luôn đuổi bắt nhau.

Vân Quỳnh yên lặng. Duy đề nghị:

- Hôm nay như là một định mệnh éo le, anh vừa nhìn thấy một tờ quảng cáo cho cuốn phim thật hay, có lẽ em cũng đã xem hay biết đến. Đó là cuốn phim cũ, ấn bản mới, La Valse Dans L’Ombre đang chiếu tại Eden, anh mời Vân Quỳnh đi xem nhé, như một kỷ niệm đẹp của ngày tình cờ gặp em trở lại. Anh hy vọng em không từ chối. Cuốn phim này và những bản nhạc với giai điệu luân vũ vẫn còn nồng cháy trong tâm thức, trong ký ức  anh.

Vân Quỳnh cúi đầu yên lặng, đi bên Duy. Duy nói:

- Ngày anh trở về thăm phố Hội thật cảm động và cũng thật buồn trong cô đơn. Bạn bè nay không còn ai, đi quanh phố phường, tìm lại những kỷ niệm một thời thơ ấu lại làm mình buồn thêm. Chị Lệ có nhắc một điều làm anh thật xúc động và thật vui, là những năm sau đó, khi anh đi rồi, trong các đêm văn nghệ của trường Trần Quí Cáp, em hay hát những bản nhạc với điệu luân vũ như Thu Vàng, Xuân Và Tuổi Trẻ...

Vân Quỳnh cười khúc khích:

- Những điệu kuân vũ vui tươi của những ngày xưa...

Duy cười, tiếp :

- Những ngày xưa thân ái... Cám ơn em.

 

4.-

Hơn ba mươi ba năm trôi qua. Lịch sử  trải qua những trang cảnh đau thương, chia lìa, chết chóc, hận thù. Duy và bạn bè đồng thế hệ đã trả cái giá thật đắt của những con người ưa chuộng tự do, dân chủ và chống đối lại mọi hình thức độc tài, chuyên chế. Chống đối lại chủ nghĩa Cộng Sản. Một số đã trả xong món nợ trần gian, về bên kia thế giới. Một số bỏ nước ra đi, làm kẻ tha hương, đi tìm tự do ngoài quê cha, đất tổ.

Bây giờ trong tuổi về già, trong một dịp họp mặt bạn cũ, trường xưa một thời Hội An, Xứ Quảng. Duy gặp lại bàn bè ngày còn đi học. Trong bầu không khí vui cười, tay bắt mặt mừng, gặp lại nhau, nhiều khi có đến gần bốn, năm mươi năm. Nếu không có những người bạn thân giới thiệu từng người, họ khó nhận ra nhau, hoặc nếu tình cờ gặp nhau ngoài đường phố.

Một anh bạn « cựu trào », gần như biết gần hết các bạn bè cũ, giới thiệu :

- Thưa quí anh chị, chúng ta lâu lắm mới có dịp ngồi lại bên nhau, nhắc lại một thời còn đi học ở Hội An, nhắc lại các trường học chúng ta đã từng lê lết, mòn hết đủng quần từ tiểu học như trường Chùa Bà Mụ. trường Con Voi, trường Nữ, rồi qua các trường trung học Trần Quí Cáp, Diên Hồng, hoặc xa hơn nữa trường Bà Rơi vân... vân... Nhắc lại các vị thầy, các cô, nhắc lại các thầy hiền từ, hình phạt học trò,nhiều lắm, chỉ xách tai, bắt quì, những trò nghịch ngợm, phá phách như yêu tinh, nhắc lại các thầy dữ như cọp, đánh học trò rầm rầm như thầy pháp đuổi tà, nhưng khi lớn lên, ra đời, gặp lại các thầy cô, học trò nay đã tóc điểm sương, lên ông bà nội ngoại, vẫn một mực vòng tay, thưa thầy, thưa cô ngoan ngoản, dễ thương.

Tiếng vỗ tay tán thưởng và nhiều tiếng la lên:

- Thôi ông diễn giả ơi, đừng diễn tả tào lao nhiều quá. Xin vào đề đi, giới thiệu các bạn từ các nơi xa xôi, mới về gặp lại bạn bè, rồi bắt tay vào ăn uống, kẻo mì Quảng nguội lạnh, bánh xèo ỉu xìu mất đi.

Anh bạn tiếp tục nói:

- Kỳ họp mặt lần này không có bộ mặt mới nào ở xa về Nam Cali chơi. Toàn bạn bè ở đây, thế mà có bạn cả năm nay chúng ta chưa gặp nhau. À, mà tôi quên, có một người bạn, nếu nhắc đến tên chắc bạn bè Hội An Trần Quí Cáp mình biết. Người bạn này hiện ở Toronto, Canada. Tiếc quá, cô ta, à quên, bà ta, dự trù qua chơi, nhân tiện đi thăm con cháu hiện làm việc ở San Diego. Nhưng tuần rồi, bà ta lại không khỏe trong người, phải nằm bệnh viện, nên hủy bỏ chuyến đi chơi. Tiếc thật.

Có tiếng la lên :

- Ai vậy, nói ra nghe coi, ông ơi! Cứ vòng vo tam quốc chí diễn nghĩa hoài.

Nhiều tiếng cười rộ lên. Anh bạn nói :

- Xin đừng nóng nảy. Cô bạn này từng là tiếng hát học trò một thời của Trần Quí Cáp đó. Tên... tên.. là Vân Quỳnh. Nhớ không, các bạn?

Phòng họp lại đầy tiếng cười nói, ồn ào. Duy giật mình, cái anh bạn này, hôm qua gọi điện thoại cho Duy, nói chắc chắn với Duy là Vân Quỳnh đang ở tại Nam Cali đây và nói rõ hôm nay Vân Quỳnh sẽ đến tham dự cuộc họp mặt bạn bè Trần Quí Cáp. Nay thì nói khác đi. Vân Quỳnh không đến. Vân Quỳnh đang nằm nhà thương. Một tin buồn. Lại một lần lở hẹn. Trong đời có còn gặp nhau?

Buổi họp mặt kéo dài. Duy muốn ra về vì không còn thích thú ngồi lại. Anh bạn «hoạt náo viên » lại cầm máy vi âm:

- Để cho buổi họp mặt vui tươi nhộn nhịp trong không khí đầu xuân, tôi xin mời các anh chị đã và đang say mê hát hò, xin mời lên bục đây, cùng hát bản Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ Phố Hội La Hối. Xin mời anh Duy, chị Lan, chị Hương, chị Liên, anh Khiết, anh Minh, anh Xuân, chị Hải. Trong các anh chị tôi mời lên đây, anh Duy đã từng là một tay đàn mandoline tài hoa, từng hòa tấu các khúc hát điệu luân vũ tuyệt vời nà, thời học trò. Xin mời các anh chị lên sân khấu. Xin mời. Xin mời.

Nhiều bạn bè hối thúc nhau trong vui đùa. Duy lưỡng lự nhưng cuối cùng bước lên, cầm cây guitar do một người bạn chạy ra xe, mang vào, giao cho Duy, dạo bản nhạc và bắt đầu khúc hát:

                  

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống.

Xuân về với ngàn hoa tươi thắm.

Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...

 

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống

Xuân về với ngàn hoa tươi thắm

Ta muốn luôn luôn cười với hoa

 

Hát vang lên đời ta thắm tươi

Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa

Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca

Xuân tưng bừng...

 

Ngày thắm tươi...

 

Mọi người cùng hát. Trên bục hát. Phía dưới bạn bè cùng đứng lên, hòa theo. Tiếng vỗ tay nhịp nhàng theo lời ca, lặp đi, lặp lại nhiều lần. Rồi chấm dứt trong tiếng vỗ tay tán thưởng nhau, tán tưởng mình, tìm lại một niềm vui tưởng như đã qua, rất xa, rất lâu, trong quá khứ.

Duy hát say mê, đàn như điên, như dại, như chưa bao giờ thích thú như vậy. Mấy đầu ngón tay trái, bấm vào phím đàn nghe đau đau, tê dại vì quá lâu không đụng đến cây đàn. Duy nghĩ, phải chi hôm nay, trong cuộc họp mặt đông đủ, vui nhộn này có thêm Vân Quỳnh nữa thì... hạnh phúc xiết bao! Nếu có Vân Quỳnh, chắc bạn bè mời nàng hát bản « Những Ngày Xưa Thân Ái »./.

 

XUÂN  ĐỖ