Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

 

MAI THẢO:

TA THẤY HÌNH TA

NHỮNG MIẾU ĐỀN

 

NGUYỄN MẠNH TRINH

 

LTS: Để kỷ niệm mười năm ngày giỗ nhà văn Mai Thảo, chúng tôi chọn đăng bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh như một nén hương tưởng nhớ đến ông.

Có một người làm thơ, đã khắc trên bia mộ của mình bài thơ tứ tuyệt:

 

“Thế giới có triệu điều không hiểu

càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”

 

Bài thơ nhan đề “Không hiểu”. Mở ra với cái hữu hạn của con người và đóng lại với cái vô hạn của cuộc sống. Có mấy ai thông kim bác cổ hiểu được tất cả sự việc? Dù, cả khi cuối đời, khi đã trải đủ ngọt bùi đắng cay của kiếp nhân sinh? Chỉ, khi đã nằm trong ba tấc đất, nhìn ngôi sao sáng để đọc được cái lẽ huyền vi của đất trời. Chữ “chẳng sao” trong câu thơ, ý lạnh lùng, nghĩa thản nhiên, có một chút mặc kệ, biểu lộ cái tâm cảm an nhiên của một người sẽ phải đáp chuyến đi vào vô tận. Cuộc hành trình ấy, có khi xa xăm như ngôi tinh đẩu kia nhưng lại đôi lúc gũi gần như cái chết dần trước mặt. Thơ như trải ra nỗi niềm của một người thấy được cái hư vô của đời người.Thơ không đóng lại mà mở ra cõi tâm linh của một người có đôi mắt luôn vọng về một cõi xa, của tâm thức muôn đời vời vợi...

Có một người viết văn, coi việc cầm bút là làm đẹp cho đời, mang chữ nghĩa để biểu tỏ tấm lòng thiết tha yêu đời yêu người. Những truyện ngắn có những trang tùy bút đẹp, những truyện dài của tiểu thuyết tình yêu có nét lãng mạn riêng mang nét đặc thù mot mình một chiếu. Người ấy, đã là chủ nhiệm Sáng Tạo, mang một không gian mới cho khí hậu văn học Việt Nam, cũng như chủ nhiệm tạp chí Văn ở hải ngoại, hình thành một thời kỳ văn chương sôi động và phong phú của những người lưu vong của thập niên 80. Những bước chân khởi đầu cuộc hành trình vào những phương trời còn hoang vu của văn chương chữ nghĩa…

Có một người trong suốt cuộc đời mình tuy quảng giao, nhiều bạn nhưng lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, như một người luôn đi tìm kiếm cái vô cùng nhưng cuộc đời thì còn nhiều hữu hạn. Người ấy, tự nhận là mình không thành công trong tình ái nhưng lại có nhiều giai thoại tình yeu đặc biệt. Trong cuộc đời, có những nét khác người, cả về văn chương lẫn nếp sống …

Người ấy, là nhà văn Mai Thảo.

Bức thư của nhà văn Nguyễn Đình Toàn khi còn kẹt lại trong nước gửi tay cho ca sĩ Duy Trác mang sang Hoa Kỳ cho tác giả “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời” mà Nguyễn Xuân Hoàng trong Sổ Tay của tạp chí Văn đã trích dẫn cho thấy một nét đặc thù của một chân dung văn học hàng đầu:

“..Tao có đọc mấy bài thơ “quỷ quái" của mày. Tất nhiên làm gì có đủ mà đọc hết. Vứt mẹ nó hết những cái gọi là ý nghĩa sự đời đi. Cái đặt được tay vào chỗ không thể đặt là đủ sướng rồi. Nhất là hôm gặp lại… nghe bả khen thơ mày , càng thích Nhưng bày đặt làm thơ làm gì cho khổ cái thân già..

.. Ông Lý vừa tới chơi.Nghe tao định viết thư cho mày, ổng gửi lời thăm. Vẫn chưa chừa bệnh văn chương. Ông bảo viết về Mai Thảo thật khó. Tao có bảo với ổng, coi như mỗi thằng viết văn có một mảnh đất , chữ nghĩa của nó là cỏ. Hễ nó lấp đầy được mảnh đất thành một bãi cỏ xanh là đủ, mặc mẹ những chỗ lồi lõm. Cái hay của Mai Thảolà nó viết một chữ cũng Mai Thảo, một câu cũng Mai Thảo. Thế là quá đủ rồi..”

Quả thực, cõi văn chương của Mai Thảo có một phong thái riêng, ngất ngưởng một mình một chiếu. Và cũng có nhiều người bắt chước theo nhưng không phải là con người Mai Thảo và cũng không là tâm tình Mai Thảo nên ít thành công. Chữ nghĩa văn xuôi của tác giả những “Đêm Giã Từ Hà Nội”, “Căn Nhà Vùng Nước Man”, “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời”.. là ngôn từ đẫm chất thơ nhưng lại cố tâm xử dụng để không còn là một thể loại trang hoàng mà tạo thành một bản chất văn chương tạo thành ấn tượng. Đọc lại những đoạn văn tả tình tả cảnh, thấy man mác những không gian thời gian, bàng bạc những cảnh thổ, những nỗi niềm.

Nguyễn Tuân đã nâng nghệ thuật viết tùy bút lên một bực khi viết những trang sách phản ánh một thời đã qua cũa những con chữ lấp lánh ánh nắng hoàng hôn của hồi tưởng. Có sự cầu kỳ, có chút làm dáng nhưng tất cả là kết tinh của trân trọng chữ nghĩa nâng niu văn chương. Còn với Mai Thảo, tất cả đều là thơ, từ những câu văn thật dài hay những câu thật ngắn, có lúc như những lời cộc lốc, có lúc trầm bổng như ngầm chứa biển cả tiết tấu bên trong. Cái mục đích duy nhất là làm đẹp, đẹp cho đời sống và đẹp cho văn chương.

Cái chủ đích duy mỹ ấy, đã tạo thành những mẫu nhân vật đẹp, những tâm tình đẹp, nhiều khi hiếm hoi trong đời. Từ nội dung suy tưởng đến hình thức diễn tả, là những dấu ấn mà Nguyễn Đình Toàn đã gọi là “một chữ cũng Mai Thảo, một câu cũng Mai Thảo”.

Trong những tập truyện ngắn của mình, Mai Thảo đặc biệt thích tập “Bản chúc thư trên ngon đỉnh trời “. Trong khi trả lời câu phỏng vấn của Jane Katz “Artists in Exile”, ông đã nói đại ý là nhân vât của ông đã khám phá ra một điều là những kẻ đã đạt tới đích đều tầm thường , những cái đạt được cũng tầm thường như vậy. Cho nên để Ngọn Đỉnh Trời mãi mãi vẫn là một bí mật, là thần tượng không bao giờ có thực, là cái đích luôn luôn treo trước mặt nhưng không bao giờ vươn tới , nhân vật ấy không muốn bước tới và chọn sự ra đi : “leo lên cho được một đỉnh núi cao nhất phương Đông nhân vật của ông muốn biết đình núi ấy cao bao nhiêu, ông đang đi tìm một thứ chân lý tuyệt đối và cũng là hạnh phúc. Nhưng khi đã đặt chân lên đến đỉnh cao, lại là một cảm giác tuyệt vọng bởi ví đã khám phá ra rằng chân lý tuyệt đối chẳng bao giờ có thực và đạt tới được…” tâm lý hoài nghi có lẽ là của một người luôn đi kiếm tìm hạnh phúc như tác giả “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời" chăng?

Những tập truyện ngắn khác như “Tháng Giêng Cỏ Non”, “Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật”, ““ Căn Nhà Vùng Nước Mặn”,… lại là những thành công về nghệ thuật dù trên phương diện thương mại có số bán không bằng hoặc ít tái ban như các tập truyện dài “Khi Mùa Mưa Tới “, “ Cũng Đủ Lãng Quên Đời” , “Mười Đêm Ngà Ngọc", “ Mái Tóc Dĩ Vãng","Tới Một Tuổi Nào”…

Những truyện ngắn, biểu lộ tính duy mỹ và duy cảm rõ rệt. Trong hình ảnh, đay ấn tượng. Trong ngôn ngữ, đầy cảm xúc. Ở thể loại truyện ngắn gần như tùy bút, văn phong được chuốt lọc tạo được nhiều đoạn tả tình hay tả cảnh đặc sắc. Đọc “Người Thầy Học Cũ", đọc “ Chuyến Tàu Trên Sông Hồng”, đọc “Người Đàn Bà Trong Vòng Đai Trắng”, thấy được cái không gian lồng lộng của vô biên cũng như những tâm tình rất Việt nam ẩn sâu trong văn mạch.Có người cho rằng văn chương Mai Thảo đầy chất viễn mơ và quay lưng với thực tại của Việt Nam với những thời kỳ đầy máu lửa. Những truyện dài kiểu tiểu thuyết “ feuilleton” đăng hàng ngày có thể làm bố cục tác phẩm lỏng lẻo hoặc có thể trùng lặp từ ý tới lời. Đề tài tình yêu vẫn là một đề tài ăn khách và những nhân vật của ông sống trong một môi trường khó có thực trong đời thường. Nhưng cái nét đẹp của thơ cùng với cái bềnh bồng lãng mạn của những người thích rong chơi đã thành một nét quyến rũ người đọc. Trong một xã hội chiến tranh, cũng cần sự quân bằng . Bên cạnh thực tại của đất nước toàn những biến cố dẫy đầy chết chóc, bom đạn thì cũng cần có những mối tình lãng mạn, có nét đẹp như chuyện tình cổ tích xưa kia. Nhân vật, môi trường , phong cách , rất đặc biệt Mai Thảo , mà trong bất cứ dòng chữ nào độc giả cũng dễ dàng nhận thấy. Có thể là ở những quán rượu, những vũ trường , có thể là những cơn say, là những nỗi buồn, nhưng tình yêu ấy vẫn có nét trong sáng và ít chất nhục dục. Mai Thảo đã viết trong tâm thức lấp lánh tin yêu về tình người, tin tưởng cái đẹp và sự chân thực. Văn xuôi là để chở chuyên theo những mơ ước của lãng mạn thi ca. Trước sau , ông vẫn là một người làm thơ, dù chỉ in có một tập thơ độc nhất. Viết văn là làm thơ. Viết tùy bút cũng là làm thơ . Viết “ Tùy Bút “ cho báo “Khởi Hành" ở trong nước hay “Sổ tay" cho tạp chí Văn ở hải ngoại cũng là một cung cách làm thơ . Với ông, đang sống và đang thở cũng là đang làm thơ. Thơ, như mạch sống còn . Thơ như thực phẩm để dinh dưỡng trí tuệ. ..

Đọc “Đêm giã từ Hà Nội”, để thấy một sự lựa chọn. Bỏ lại thành phố đầy kỷ niệm dưới chân , để bắt đầu cho cuộc sống mới. Hết rồi, cái thuở đeo bạc đà đi kháng chiến lang thang ở khu Tư. Bây giờ, khởi hành cho một đoạn đường mới. Tâm tình của người sắp sửa rời xa như luyến nhớ tha thiết những gì bỏ lại sẽ mất mat vĩnh viễn. Những câu văn, những dòng chữ, là tiếng xé lòng , là nỗi niềm mênh mang ứa lệ:

“Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội , mà Hà Nội hình như đã ở bên kia… Nhìn xuống Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm Hà Nội ở dưới ấy…”

Vực thẳm ở dưới ấy, là cuộc giã từ không hẹn ngày về, của chuyến bay chót sau một trăm ngày đình chiến và Hà Nội sẽ đổi chủ , sẽ mất đi những bóng dáng , những kỷ niệm cũ…

Ở hải ngoai Mai Thảo viết “Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt nam”. Từ tác phẩm này, lại khám phá được một góc cạnh của tình cảm ông. Với bằng hữu văn chương, ông là ngươi chí tình. Trong đời thường, ông là một người quảng giao và được yêu mến. Với những người bạn, ông viết bằng tình cảm hồn hậu chân thành. Qua những biến cố cuộc đời, với hơn mấy chục năm có mặt liên tục trong văn đàn suốt chiều dài của hai chục năm văn học miền Nam và gần ba chục năm văn học hải ngoại, những chân dung mà ông phác họa đã có nét sinh động lạ thương và phản ánh được những thời kỳ thăng trầm của văn học và lịch sử. Viết về Vũ Hoàng Chương, hay viết về Thanh Nam,về Nguyên Sa hay Võ Phiến , về Túy Hồng hay Trùng Dương, .. tất cả nhắc lại những kỷ niệm đẹp , những chân tình. Ở ngoài đời , có thể tác giả “Sống chỉ một lần” hay phê phán trong cuộc rươu và nhiều người phật ý nhưng tuyệt nhiên trong văn chương , ông không bao giờ dùng ngòi bút làm đao kiếm thành vũ khí cho những chiêu thức triệt hạ người khác. Với tất cả , từ bạn hữu cùng lứa đến người viết thuộc thế hệ sau, đều là ấm áp tình cảm , là những dòng chữ trân trọng không có chút ý tư riêng móc nghoéo. Điều ấy , chính làm cho các người trẻ hơn ông coi ông như một người anh cả đáng kính trọng và thương mến…

Từ khi làm tạp chí Văn, Mai Thảo viết Sổ Tay và là một loạt bài viết mang chất độc đáo nhất của tạp chí. Đề tài không nhất định, ông viết với tâm cảm thực của mình nên có người đã cho rằng như là một nhật ký của tháng ngày văn học ở Việt Nam hải ngoại. Ông đề cập tới người và việc, tác giả và tác phẩm, của một người đã mấy chục năm cầm bút nên có sức thuyết phục cao . Hơn nữa, với cái tâm trong sáng , người đọc dễ chia sẻ với người cầm bút cũng như hiểu biết được phần nào sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ. Một điều làm những độc giả dài hạn của tạp chí Văn cảm động là phong bì gửi báo với label do chính ông viết hàng tháng. Những hàng chữ viết ngay ngắn nắn nót là một trân trọng đến từng đợc giả. Khi báo về, trong căn phòng nhỏ, hàng chồng sách dưới chân, trên ban viết tới khuya , hàng trăm label được nắn nót viết. Cứ thế mỗi đầu tháng. Có những bạn trẻ, đề nghị viết giùm hoặc dùng hệ thống computer để in nhưng ông từ chối . Ông muốn trong một việc tưởng như nhỏ nhoi ấy nhưng chứa đựng tấm lòng với văn chương và độc giả của ông.

Nhà xuất bản Văn Khoa ở hải ngoại của giáo sư Đỗ Đình Tuân đã in cho ông hai cuốn sách tiêu biểu và đặc sắc. Một là tập Chân Dung Tác Giả đã đề cập ở trên , hai là tập thơ “ Ta thấy hình ta những miếu đền”. Tập thơ độc nhất trong danh sách hơn bốn chục truyện dài và hai chục tập truyện ngắn. Thơ của một người làm thơ nhưng yêu thơ như với một tôn giáo cuồng tín nhất. Dù :

“Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng . Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ" ( Bờ cõi khởi đầu).

Ta thấy hình ta những miếu đền. Có phải là những câu cuồng ngạo của một người tự đắc nhìn vào gương ngắm mình và tự vái mình?Nhiều người đã nghĩ thế. Nhưng, nếu đọc kỹ, thì ngược lại. Trong thấp thoáng tư tưởng của Trang Tử từ Nam Hoa Kinh, những câu thơ như là một chứng nghiệm của cuộc sống . Giữa hai bờ cực tiểu và cực đại , giữa có và không, con người phải vượt qua những mâu thuẫn để đạt được cái nhìn “ huyền đồng “ , chan hòa cái lẽ “Một”, để không còn băn khoăn suy nghĩ về còn mất, có không, về cái thật lớn hay điều cực nhõ,về cái chính mình hay là kẻ khác…

 

“Ta thấy hình ta những bảng đường

Đời ta, sử chép cả ngàn chương

Sao không hạt cát sông Hằng ấy

Còn chứa trong lòng cả đại dương…”

 

Có thể nói rằng cái ta được đạt tên đường , cái ta sử chép hay cái ta hạt bụi cái ta tầm thường cũng chỉ là một . Vì hạt cát nhỏ bé thế kia mà chứa đựng cả đại dương bên trong thì phân biệt làm gì giữa cá Côn, chim Bằng với con ve sầu, chim Cưu như Trang Tử đã luận .

Và :

 

“ ta thấy hình ta những miếu đền

Tượng thờ nghìn bệ những công viên

Sao không , khói với hương sùng kính

Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên.

Ta thấy muôn sao đứng kín trời

Chờ ta, Bắc đẩu trở về ngôi

Sao không , một điểm lân tinh vẫn

Cháy được lên từ đáy thẳm khơi

Ta thấy đường ta Chúa hiện hình

Vườn ta Phật ngủ , ngõ thần linh

Soa không, tâm thức riêng bờ cõi

Địa ngục ngươi là , kẻ khác ơi!..”

 

Những chính đề và phản đe cứ nối tiếp nhau. Chữ “sao không”, dùng như một ý phủ định, lột tả đươc một tâm trạng. Miếu đền, tượng thờ đường bệ hay huyệt đất bình thường cũng chỉ là một, với hàm ý lãng quên. Cũng như ngôi Bắc Đẩu của trời tinh tú, hay vệt lân tinh nhỏ nhoi cũng là một . Hay ý Chúa, tâm Phật với tâm thức con người cũng chỉ là một mà thôi.

Những đoạn thơ tiếp, trục đất ngừng, trục trời ngưng, hay hạt bụi nhỏlàm vòng quay phải đứng dừng lại . Hoặc sáng ngày, tối đêm với “thuở chim hồng rét mướt bay” làm nhật nguyệt tăm tối cũng giống nhau không phân biệt. Rồi cả nhân loại khóc òa hay một mình ta khóc cũng chỉ duy nhất là huyết lệ.

Và kết luận :

 

“ .. Ta thấy rèm nhung khép lại rồi

Hạ màn , Thế kỷ hết trò chơi

Sao không, quay gót tên hề đã

Chán một trò điên diễn với người.

Ta thấy ta treo cổ dưới cành

Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh

Sao không, sao chẳng không là vậy

Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.”

 

Sao không.. Sao không . ..Những vấn nạn nối tiếp nhau, để càng thấy mênh mông hơn cái biên giới giữa cực tiểu và cực đại, giữa có và không, giữa còn và mất. Có phải, rốt cuộc tất cả chỉ la hư vô, hay trong tận cùng, con người phải tự giết mình đi để phục sinh. Sao lại không nhỉ ? chúng ta hãy đọc những câu thơ:

“..Lên từ tầm cao đóa hoa kia đội những mũ ngọc sương mỗi sớm mai mỗi nở ở chân tường. Lên tới những hình cây lìa mặt đất cây lên mỗi vòng gỗ chồng dần từng tuổi gỗ. Lên tới những đầu cành đã gió múa và tầm của gió ở trên tầm của nắng. Tới những mái nhà dựng hết lá mùa rụng. Tới những cột thu lôi thu hết lửa của trời. Tới những triền núi đá chất ngất dựng thành từ cổ đại , ngọn hy mã lạp sơn con chim bằng trang tử bay suốt nam hoa kinhkhông tới đậu được một lấn nào. Và cao hơn đỉnh hy mã , những trần mây khinh thanh . và trên những thượng tầng xanh là những vũ trụ sao, nơi hằng hà những hành tinh và những định tinhtên mái tên hỏa tên kim xuống tới ngươiphaỉ bằng đường đi của trăm triệu năm ánh sáng.

Trên nữa là không. Cõi không. Không còn gì nữa hết..”

Những câu thơ với những hình ảnh tiếp nhau hiện ra, chồng lên nhau , như hình ngọn tháp , để rồi tất cả chỉ là không , kể cả những Trang Tử, những Nam Hoa Kinh , những Hy Mã Lạp Sơn, ..không viết hoa , không phải là danh từ riêng nữa mà trở thành ngôn ngữ của danh từ chung. Và ở tận đỉnh, chặng cuối của những hình ảnh tiếp nhau đến chóng mặt , là không , là không còn gì nữa hết .

“Có lúc" , người thơ bật ra một thái độ nửa ù lỳ với cuộc đời , nửa thách đố bất cần với mệnh số :

“Có lúc nghĩ điều này điều nọ

cảm thấy hồn như một biển đầy

có khi đếch nghĩ điều chi hết

hệt kẻ ngu đần cũng rất hay”

Chữ “đếch" theo tôi nghĩ rất đắt. Nó chở chuyên một tâm cảm và một thái độ. ..Vào câu thơ ,tạo cảm giác rất mạnh. Ngang tàng và truyền cảm nữa.

Mai Thảo có những bài tuyệt cú xuất sắc . Cái tâm cảm cô đơn, như mỗi ngày đếm mãi nỗi buồn :

 

“mỗi ngày một gạch mỗi ngày giam

lên bức tường câm cạnh chỗ nằm

gạch miết tới không còn chỗ gạch

gạch vào trôi dạt tới nghìn năm”

 

ngậm ngùi, thơ như tiếng mưa từ quá khứ vọng về. Từ tháng năm chất chồng nỗi u hoài của những đêm thức trắng nghe nước ẩm giọt xuống tâm tư:

 

“Đôi lúc những hồn ma thức giấc

làm gió mưa bão táp trong lòng

ngậm ngùi bảo những hồn ma cũ

huyệt đã chôn rồi lấp chửa xong”

 

Tâm tư cô đơn xót đau ấy có lẽ những người trẻ hơn khi đêm khuya đưa ông về phòng đã chứng kiến.Nhà văn Tuấn Huy, một người hay đưa ông về lúc canh khuya kể lại những giây phút ấy:

“.. Chiếc chìa khóa nhỏ được móc ra từ đáy túi. Giơ lên run rẩy dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ lờ mờ… cuối cùng mới trúng ổ. Cửa mở. Vẫn là một căn phòng cô đơn lạnh lẽo. Mùi ẩm mốc của những gờ tường như mùi củi mục giữa lòng đêm. Anh loạng choạng bước vào. Đèn phòng bật sáng. Những kệ sách đầy kín. Những bức tran , những khung hình thờ ơ , câm lặng. Chợt bàn tay trái của anh xô mạnh đống giấy tờ bừa bộn. Anh mất thăng bằng, té bổ ngửa ngay trên chiếc ghế dựa giữa bàn viết. Tôi hơi hoảng hốt đỡ anh lên. Một thân thể nhẹ hẫng gầy còm, rũ rượi.. Tôi dìu anh đến bên chiếc giường nhỏ và lo âu hỏi:”Anh có sao không Anh? Chỗ ở đầu của anh có việc gì không? Anh gượng ngạo kéo lại tay áo rồi trả lời dấm dẳng: “Không sao hết.. ngã thế đã ăn nhằm gì.. chết mẹ nó đi được cũng chẳng sao..” Tôi thật tâm ái ngại” Anh lớn tuổi rồi phải cẩn thận. Ở một mình mà lỡ té ngã là nguy hiểm lắm..” Anh vẫn ngang ngươc, gạt đi: Nguy hiểm cái đếch gì. Không sao cả.. Bao nhiêu người còn khốn khổ hơn mình nhiều..” Tôi đứng lặng nhìn Anh. Phút giây tôi ứa nước mắt. Chưa bao giờ tôi thương anh cho bằng phút này. Dù rằng từ trước đến nay, đã hơn một lần, tôi xót xa ái ngại cho Anh. Hồi ở trại đảo . buổi trưa nhìn anh thất thểu đi ra phía biển. Buổi sáng thấy Anh trèo lên xe buýt rời trại đảo đi kuala Lumpur. Rồi những đêm khuya đưa Anh về: ngôi nhà của bà con Anh với hàng hiên tối thẳm. Cái dáng Anh đi nghiêng ngả trên lớp cỏ sương- căn phòng ở lầu hai Anh lưu ngụ bây giờ. Cái bóng lênh khênh dẫm hụt hẫng lên chiếc cầu thang u ám..”