Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

NGƯỜI TÙ

KHÔNG MAY MẮN

 

NGÂN UYỂN

 

Tân ngồi xuống, thở dốc, lưng dựa vào táng nham thạch trải dài đến tận bãi cát ướt sũng nước. Chàng nhìn ra xa, ngoài kia là phá Tam Giang mờ mịt, sóng xôn xao đuổi nước chảy vào cửa vịnh. Trước mặt, một xóm làng chài lưới bỏ hoang, tiêu điều với những mái nhà tranh xiêu vẹo, đổ nát, vài chiếc thuyền chài lỗ chỗ dấu đạn, chết sóng soài trên bãi cát.

Quanh Tân, quân lính nằm ngồi ngổn ngang, đứa ngáy ro ro, đứa thở khò khè như chiếc xe đò cũ kỹ chở nặng leo đèo dốc cao. Có đứa băng bó đầy mình, máu rịn ra đỏ thắm, rên rỉ ỉ ôi.

Suốt từ tối hôm qua, Tân dẫn Tiểu Đoàn từ Cửa Thuận chạy dài men theo ven biển, dưới làn đạn truy kích của địch quân. Đến xóm làng này thì lính kiệt sức lết hết nổi. Tân chán nản, cảm thấy mình đang đi vào tuyệt lộ, ra lệnh đại khái cho lính đặt các công sự phòng thủ rồi nằm lăn ra ngủ không biết trời trăng.

Mặt trời ló dạng, chiếu những tia sáng đầu ngày trên cảnh vật hoang tàn. Tên “tà-lọt” mang đến cho Tân một ca nhôm đầy cà-phê thơm ngát và một vắt lớn cơm nắm.

-Mời Thiếu Tá ăn sáng.

-Cái thằng này tài, mày lấy lửa đâu mà nấu nước sôi?

-Nghề mà ông thầy, em vừa chạy vừa nấu cũng được! Mà sao mình chạy hoài vậy ông thầy? Nghe mấy thằng Việt Cộng nó chọc quê mình trong máy liên hợp mà tức lộn ruột.

-Nó nói sao?

-Nó nói “lính thủy đánh bộ” nay đã đổi tên thành “lính thủy chạy bộ”, chạy cỡ hai ngày nữa là đến Sài Gòn. Mình ở lại đánh đại một trận đi ông thầy, cùng lắm là chết còn hơn.

-Đ.M. Mày có gan thì ở lại một mình, lấy mấy cục đá mà chọi vào xe tăng tụi nó.

Tên mang máy truyền tin lóp ngóp chạy tới:

_Trình Thiếu Tá, có tin mừng, đã bắt được liên lạc với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và các Tiểu Đoàn bạn. Mời Thiếu Tá lên họp ngay.

Một thoáng háo hức lướt qua mặt Tân.

-Mày vác máy theo tao!

Khi Tân đến Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn đóng trong mái nhà tranh xiêu vẹo thì mọi người đều tề tựu đầy đủ, mặt mày đăm chiêu.

Không lễ nghi quân cách. Xuân, Lữ Đoàn Trưởng, quần trận, áo thun, tay cầm lon bia, đang cúi đầu chỉ trỏ trên tấm bản đồ, lát sau ngửng đầu lên nhìn mọi người:

-Tôi xin tóm tắt, tình hình rất bi đát, không có tàu hải quân ra đón lình mình như định trước. Mình phải vào Đà Nẵng trước đã rồi sẽ liệu sau... Cuộc triệt thoái từ đây về Đà Nẵng bằng đường bộ không phải dễ dàng, chỉ có một lối đi là Quốc Lộ 1, ngang qua đèo Hải Vân. Hiện quân và dân lẫn lộn đầy đường, mạnh ai nấy đi, Việt Cộng lại rượt theo pháo kích bừa bãi. Mấy ông có ý kiến gì không?

Các Tiểu Đoàn Trưởng xôn xao bàn tán, tất cả đều tỏ ý lo ngại, nhưng không ai đưa ra được một kế hoạch nào hoàn hảo cả. Xuân nói tiếp:

-Rút quân cái điệu này dĩ nhiên là quá khó, nhưng tối thiểu một vài nguyên tắc phải được cố gắng thi hành, không trộn lẫn với dân, các toán quân phải theo nhau sát nút, phải giữ liên lạc thường xuyên, kỷ luật trong quân ngũ là điều quan trọng hơn hết. Ông Thế đi trước, ông Tùng đi giữa, ông Tân và tôi đoạn hậu.

Vài ngày sau, Xuân dẫn Lữ Đoàn đến Đà Nẵng an toàn, nhưng không khí ở thị trấn này đã căng thẳng. Cộng quân bắt đầu siết chặt gọng kìm, dân, quân lẫn lộn ào ạt đổ về, thành phố đông như nêm cối. Chính quyền, quân đội địa phương cơ hồ không giữ nổi trật tự, rồi chuyện đương nhiên phải xảy ra, Việt Cộng trá hình lẫn với lính tráng nổi lên phá phách, cướp bóc, hỗn loạn tơi bời.

Xuân được tin họp Bộ Chỉ Huy, thở dài nói:

-Làm thế nào được, tụi nó đang đánh hăng, tự nhiên bắt rút, bắt tháo chạy, bèn đâm ra bực mình, ấm ức không biết tiết ra đâu, đâm ra phá phách lung tung, bại quân như nước lũ, đố ai mà cản được. Bây giờ mà tôi ra bộ đạo đức can gián, khuyên răn là tụi nó phơ ngay. Thôi các ông về tụ tập tiểu đoàn ráng chạy qua bãi biển Sơn Trà, may ra mới có tàu về được Vũng Tàu.

Xuân, Tân đứng nhìn toán quân cuối cùng trèo lên, tuột xuống chiếc thuyền nhỏ bé để bơi ra hạm đội đậu ngoài khơi. Xuân vỗ vai Tân:

-Cậu đi trước đi! Ráng giữ kỷ luật tối đa. Tôi đi chuyến sau.

Thuyền chậm chạp ra khơi, Xuân còn nghe văng vẳng tiếng Tân ra lệnh liên miên. Xuân cùng đám cận vệ ngồi đại xuống bãi cát, mắt thẩn thờ đợi chờ con thuyền trở lại đón. Bỗng có tiếng đại bác “depart” từ xa. Xuân hô to:

-Chúng nó pháo kích, chạy mau vào núp sau các động cát.

Tiếng pháo nổ càng ngày càng dày, càng gần, bỗng có tiếng rít xé gió trên đầu, theo phản ứng, bọn Xuân phóng nhanh xuống cát, có tiếng Xuân la to:

_Đ.M. Tao bị dính rồi!

Đùi phải Xuân lủng lẳng, nhúc nhích một chút đau thấu tâm can, ngực lủng vài lỗ làm chàng thở khó khăn như cát ra khỏi nước. Mấy chục cuộn băng cá nhân bó chặt mà máy vẫn ướt đẫm cả người. Xuân mệt quá cơ hồ ngất đi, chàng nhìn ra đại dương mờ mịt khẽ lẩm bẩm:

-Thôi, đây là bước đường cùng của mình rồi.

Một chiếc thuyền không người lái từ từ trôi đến. Xuân thều thào:

-Thuyền kìa, tụi mày lội ra đi ngay!

-Còn Trung Tá?

-Tao còn mẹ gì nữa? Tụi mày cho tao cây súng, vài trái lựu đạn, lương thực, khi nào tao “muốn đi thì tao đi”.

Thế rồi Tân cũng đem được hầu hết các tiểu đoàn về đến Vũng Tàu. Chàng trình diện Tư Lệnh Sư Đoàn.

-Ông khá lắm, đem được gần cả Tiểu Đoàn về mà không bị tai tiếng gì trên đường triệt thoái là nhất rồi!

-Trình Thiếu Tướng, bây giờ tiểu đoàn tôi phải được phân phối đi ngay, lính ở không, sợ tụi nó làm bậy.

-Tổng Tham Mưu vừa gọi máy bảo phải gởi một lữ đoàn về bảo vệ thủ đô, hậu cứ tiểu đoàn ông ở Biên Hòa, ông đem lính về nghỉ ngơi vài ngày rồi trình diện Đại Tá Bảo, Lữ Đoàn Trưởng. Vấn đề chuyên chở đã có phi đoàn vận tải lo.

Tân cười chua chát:

-Chỉ sợ cả phi đoàn đã bay tuốt qua Phi Luật Tân rồi!

Khi Tân về đến Sài Gòn thì tình thế đã quá nguy ngập. Cộng quân đánh thủng Xuân Lộc, tiến quân như chỗ không người vào thành phố, hầu như đã bỏ ngỏ.Tân nằm lì trong nhà, định bụng sẽ rút chốt lựu đạn tự tử khi sắp bị bắt. Nhưng cuối cùng chàng cũng như số đông quân nhân còn kẹt lại đã mắc mưu Việt Cộng, ra trình diện để học tập, từ Nam ra Bắc, đến gần mười năm trời mới được thả về.

Con tàu chậm rãi vặn mình rên siết, ì ạch kéo theo sau một đoàn “va-gông” đầy ắp những người là người. Trong Toa hạng ba, Tân, Tùng, Quyết và Đại Đức Minh Trí chiếm một góc sàn phía trong sâu. Cả ba yên lặng ngắm nhìn hành khách lên xuống. Tiếng chửi rủa, cằn nhằn, đay nghiến bằng giọng Bắc Trung Phần miền quê thật khó nghe. Thấy bọn Tân, mọi người đều lạnh lùng liếc nhanh, chứ không còn nhìn soi mói, hằn học như muốn ăn tươi nuốt sống thuở bọn Tân mới bị giải ra Bắc.

Một nhóm đàn bà, gồng gánh đầy ắp, tỏa ra mùi cá mắm nồng nặc điếc cả mũi, đẩy bọn Tân vào tận cùng toa tàu. Trên những khuôn mặt mệt nhọc, sự nghèo đói, cực khổ đã để lại trên trán những vết hằn sâu đậm, với đôi mắt không hồn, lạnh băng. Hình như không còn có chỗ cho tình thương trong những con người đó nữa.

Đêm xuống dần, đem lại một chút không khí mát mẻ, Tân nhìn qua khe hở, trời tối đen như mực, không biết đâu là đâu, nhìn vào bạn đồng hành, đứa nào cũng nhắm mắt, đầu gật gù, lắc lư theo nhịp tàu. Tân biết tụi nó chưa ngủ, đang thao thức nghĩ ngợi vẩn vơ những chuyện gì không rõ.

Con tàu chậm dần, kéo còi, đi vào ga nhỏ. Tân đứng dậy, nhìn ra ngoài, hỏi tên địa phương mới biết đây là một huyện thuộc Nghệ An. Những đứa trẻ con, những cụ già bưng từng thúng quà ân cần mời mọc, hoặc chua ngoa mắng xéo khi bị từ chối. Tân gọi mua mấy cốc nước chè tươi, nước lóng lánh vàng đậm, chát đắng nhưng dư vị lại ngọt ngào. Quyết lục lọi trong gói đồ bọc giấy ni-lông cẩn thận, lôi ra cái ống điếu thuốc lào, châm thuốc:

-Mời thầy, mời các ông làm mấy điếu cho đã rồi hãm với nước chè, tớ còn có cục đường đen đây.

Lát sau, cả ba lơ tơ mơ thả hồn về dĩ vãng. Tân còn nhớ rõ ngày đi tù, mặt Trang đầm đìa nước mắt, dúi vào túi áo chàng xấp bạc cuối cùng, mấy đứa con ôm chặt chân chàng khóc lóc. Thế mà đã mười năm qua rồi. Ban đầu Tân còn nhận được thư từ đều đặn, đến lúc chuyển ra Bắc thì mất hẳn tin tức. Tân đã đặt nhiều giả thiết, Trang và các con đã vượt biên? Bị đi vùng kinh tế mới? Hay đã có người tình? Tân vội xua đuổi ý nghĩ này ngay. Trong một thoáng lo ngại, Tân mơ hồ nghĩ chỉ trong vài ngày nữa chàng sẽ đụng chạm với thực tế phũ phàng.

Quyết bỗng vươn vai:

-Làm xong một điếu đã quá, thế là mình nghiện thuốc lào lúc nào không hay. Tớ còn độc thân, mồm có thối cũng chẳng ai cười. Các ông phải cai ngay, không, có ngày mất vợ đó!

Tùng, đứa lớn tuổi nhất bọn, chậm rãi lên tiếng:

-Mày đừng tưởng bở, độc thân như mày về Sài Gòn khó sống lắm con ạ! Mày không có chuyện môn, không gia đình, tụi nó muốn tống mày đi đâu mà chả được.

-Tớ cóc cần. Tớ trốn chui trốn nhủi đâu đó rồi có dịp là tớ vọt. Cùng lắm là đem cái thân da bọc xương này làm mồi cho cá. Các ông có gia đình, các ông cho là mình sướng, thế các ông có biết tình trạng gia đình mình nay ra làm sao không?

Cả bọn im lìm. Quyết biết mình nói hố:

-Tớ xin lỗi các ông, mười năm tù tội, mười năm sống như súc vật, không một chút văn minh tối thiểu, chỉ còn một chút tình bạn đồng cảnh ngộ, nếu đàn em có phát biểu linh tinh, xin các ông xí xóa cho.

Quyết nhìn ra cửa sổ tối đen, mắt xa vắng:

-Cho đến bây giờ chắc các ông cũng không biết cuộc đời của tớ, trước khi chia tay mỗi người mỗi nẻo. Thôi để tớ trút bầu tâm sự một lần cho bớt ấm ức.

Quyết đã sống một đời niên thiếu bình thản ở một tỉnh lỵ nhỏ bé thuộc miền Trung. Quyết học thật giỏi, nhưng cũng là một học sinh phá phách nhất trường. Quyết yêu say đắm Yến, cô láng giềng xinh đẹp, dịu hiền nhưng chưa bao giờ dám mở miệng tỏ tình hay có những cử chỉ âu yếm. Quyết thường bảo với bạn bè:

-Tao nhát gái lắm, uống rượu vào một chút xíu thì mặt đỏ rần, còn đứng trước con gái thì chân tay bủn rủn, mặt xanh như tàu lá.

Chuyện tình thế rồi cũng thành nhờ Yến dạn dĩ hơn, nắm phần chủ động.

Năm Mậu Thân, Quyết đang học năm thứ ba Y Khoa Sài Gòn thì được tin Yến chết tức tửi trong cuộc Tổng Công Kích. Quyết điên cuồng bỏ Y Khoa, tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt. Ra trường, chàng xin vào binh chủng Dù, chiến đấu hăng say như một con trâu điên, rồi bị bắt trong trận đánh cuối cùng tại Xuân Lộc.

Kể xong chuyện đời mình, Quyết nói tiếp:

- Bây giờ tớ không còn bà con, thân thích gì nữa, tớ biết tớ có hỏi ý kiến các ông, chắc cũng chẳng có ai giải quyết nỗi.

Tùng ngẩm nghĩ:

-Trường hợp cậu thế mà dễ giải quyết. Một thân một mình sống đâu chả được. Từ từ rồi tính tới, nhưng trước sau mình phải “dọt” ra ngoại quốc hay vào bưng kháng chiến.

Riêng tớ, tớ đã nghĩ kỹ lắm rồi. Dù vợ tớ có làm bất cứ chuyện gì dù xấu xa đến mấy đi nữa tớ cũng tha thứ. Các cậu thử nghĩ, nếu vợ mình bị tù đày xa cách , liệu mình giữ được mấy năm chung thủy? Vả lại, đàn bà thường yếu ớt từ thể xác đến tinh thần, dễ bị dọa dẫm, nghề nghiệp nhiều khi không có, làm sao xoay sở nỗi một mình khi thiếu bóng dáng người chồng. Hồi nhỏ, tớ thích đọc tiểu thuyết lắm, còn nhớ có một ông văn sĩ ngoại quốc đã viết một câu chuyện đại khái như sau: “Những chuyện tình sau cuộc chiến thường có nhiều điểm giống nhau, đó là sự chờ đợi, sự nghi ngờ và mất tin tưởng của cả đôi bên.” Để tớ kể lại một câu chuyện còn nhớ lõm bõm cho các cậu nghe.

Có một cặp vợ chồng vừa mới cưới được mấy tháng thì chồng bị gọi nhập ngũ. Sau mấy năm chinh chiến biệt vô tăm tích, người vợ vẫn ở nhà thủ tiết đợi chồng. Rồi cuộc chiến bỗng tàn, trên đường về quê, chàng định bụng nếu nàng đã sang ngang theo người khác, sẽ lặng lẽ bỏ ra đi làm lại cuộc đời mới. Người vợ, qua tin người bạn tù của chồng, biết chồng còn sống và sẽ trở về hôm sau bằng xe lửa và được đón tiếp như một anh hùng, nàng mừng quá, định làm một bữa tiệc thịnh soạn cho ngày hội ngộ. Mặc dầu thiếu thốn, nàng cũng ráng mua được con gà đem về quay thơm phức, rồi sắp đặt bàn ăn cho hai người thật ấm cúng, có nến, có hoa, có quà cáp. Nàng càng nhìn càng vừa ý, chợt nhớ ngày xưa chàng thích ăn phó-mát Camembert, bèn chạy qua làng bên cạnh lùng mua. Ngờ đâu khi nàng vừa ra đi, người chồng trở về, đứng ngoài cửa sổ nhìn vào căn phòng bày biện tình tứ, có phần ăn cho hai người, chàng tưởng vợ mình đã có tình nhân mới, bèn lặng lẽ bỏ ra đi... Các cậu thử nghĩ lỗi tại ai?

Quyết lên tiếng đùa:

-Thì tại hộp Camembert chứ còn tại ai nữa? Chuyện này muốn thành truyện Việt Nam thì phải đối phó-mát ra mắm tôm thì mới đúng điệu.

Tùng chậm rãi:

-Tớ nghĩ ông văn sĩ đó muốn viết lên tâm trạng của hai người xa nhau quá lâu, nhất là người chồng có quá nhiều mặc cảm, nghi ngờ những chuyện không đâu nên để làm tan vỡ gia đình. Tụi mình cũng vậy đó! Phải đặt mình vào địa vị người vợ, phải tha thứ và bao dung mới có thể tiếp tục sống chung êm đẹp. Cậu nghĩ sao hả Tân?

Tân trầm ngâm:

-Dĩ nhiên là ông có lý, nhưng mười năm tù tội đã làm nhụt hết khí phách của tớ, lòng tớ chật hẹp lại, tớ đâm ra nghi ngờ tất cả. Sự bao dung, độ lượng mòn dần đi, chắc chắn không bằng được như ông, nhưng thế nào tớ cũng ráng nhớ những lời khuyên nhủ khôn ngoan này.

Cả bọn chăm chú nhìn Đại Đức Minh Trí đang ngồi trong tư thế kiết già, mắt lim dim, miệng cười mỉm, hiền hòa. Lúc mới vào tù, với tư cách Sĩ Quan Tuyên Úy Phật Giáo, Đại Đức bị đồng bạn đối xử lạnh nhạt, hình như trong thâm tâm mọi người đều cho rằng giới lãnh đạo Phật Giáo đã có trách nhiệm không nhỏ trong sự sụp đổ miền Nam. Nhưng dần dần, với phong thái đứng đắn, đạo hạnh, Đại Đức đã chinh phục được lòng mọi người, kể cả cán bộ, quản giáo. Tùng cất tiếng hỏi:

-Còn Thầy thì sao hả Thầy?

Đại Đức từ tốn chậm rãi nói:

-Tôi đã dâng hiến đời tôi cho đạo Phật. Dù sau này có được mặc lại áo nâu sòng hay không, cũng vậy thôi. Nghĩ lại, Phật Giáo đã dấn thân quá xa vào đời sống chính trị. Sau năm 93, thực ra chỉ có một vài Tăng sĩ ôm mộng làm quốc sư và muốn đưa Phật Giáo thành quốc giáo. Trong một cuốn kinh nào đó, tôi đã quên tên, có viết trong thời chiến người Phật Tử phải đứng giữa để hòa giải đôi bên.

Còn ở miền Bắc, có Phật Tử nào dám lên án chiến tranh? Có vị Tăng sĩ nào dám qua một nước cộng sản đòi phản chiến? Chưa kể biết bao nhiêu Việt Cộng đội lốt Tăng Ni thừa cơ phá rối. Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi, ai nhìn lại cũng thấy rõ. Nghe nói, sau 75 cũng có tự thiêu hàng loạt, nhưng bị Việt Cộng dẹp tắt ngay. Tôi nghĩ bây giờ mới chính thức là mùa Pháp nạn.

Trước khi chia tay, mỗi người mỗi nẻo, tôi chỉ có mấy câu kệ này tặng quí vị:

 

Quá khứ đã trôi qua

Tương lai thì chưa đến

Hãy sống trong hiện tại

Giây phút đẹp tuyệt vời(*)

 

Chính nhờ mấy câu kệ này mà tôi đã sống qua dễ dàng 10 năm tù ngục.

Cả bọn im lặng, lẩm nhẩm vừa nghĩ ngợi mấy câu kệ mà thầy vừa đọc.

Trời sáng dần, Tân nhìn qua cửa sổ, tàu đang chạy vào địa phận Quảng Bình. Thành phố Đồng Hới, nơi Tân đã trải qua một thời thơ ấu vô tư lự, nay đã thành bình địa. Những kỷ niệm êm đềm 40 năm về trước làm mắt Tân cay cay.

Con tàu ì ạch qua cầu Bến Hải, miền Nam đây rồi, dấu vết chiến tranh vẫn còn đầy dẫy hai bên Quốc Lộ, xóm làng nghèo nàn, xơ xác, nhưng tình thương đã bắt đầu hé nở, những nụ cười thương xót, những món quà vặt, những ly nước trà, nước chè được dắm dúi vào tay bọn Tân.

Hai ngày sau, tàu đến Sài Gòn, Tân xách túi vải lầm lũi rải bộ về nhà.

Con hẻm nhỏ ở vùng Tân Định hình như không có gì thay đổi. Tân tần ngần đứng trước căn nhà cũ của mình một hồi lâu rồi gõ cửa. Một thằng bé cỡ 14, 15 tuổi hé mở cửa. Tân nhận ra ngay thằng Thảo, đứa con đầu lòng của mình.

-Mẹ có nhà không cháu?

Thằng bé trả lời lễ phép:

-Mẹ cháu đang buôn bán ở chợ trời, đến tối mới về, dạ, ông cần chi?

Giọng Tân lạc hẳn đi:

-Thảo, con không nhớ ra ba hả?

Thằng bé nhìn kỹ mặt Tân hồi lâu rồi ôm chặt lấy chàng, la lớn:

-Ba, ba đã về! Tui bây ơi, ba đã về!

Nó vừa ôm Tân, tay xách túi vải, vừa đi vừa kêu om sòm, làm con Thanh, con Thúy giật mình, từ dưới bếp chạy ùa lên.

-Con Thanh chắc ba còn nhớ. Hồi ba đi tù nó mới gần 2 tuổi. Còn con Thúy, 8, 9 tháng sau mẹ mới đẻ ra nó.

Nhìn căn nhà xác xơ, đồ đạc chỉ còn mấy cái giường tre ọp ẹp, một cái bàn, năm ba chiếc ghế xiêu vẹo, nhìn lại mấy đứa con áo quần lam lũ, mắt Tân nhòa lệ, thương vợ con vô hạn.

Thằng Thảo mặt mày hớn hở, cười nói luôn miệng:

-Ba uống đỡ chai xá xị, con chạy ra chợ gọi mẹ về, chắc mẹ mừng lắm.

Rồi nó chạy vụt nhanh ra cửa. Con Thanh, con Thúy còn rụt rè chạy núp sau cửa, Tân gọi mấy lần cũng không chịu ra.

Lát sau, Trang tất tả bước vào nhà, sững sờ nhìn Tân, rồi ôm mặt khóc òa. Tân bước đến gần vợ, vỗ vai nàng rồi ráng lấy giọng bình tĩnh nói đùa:

-Coi kìa, coi kìa, bộ ghét anh lắm sao, vừa gặp mặt đã khóc tùm lum, coi chừng con cái nó cười cho thúi đầu!

Trang gạt nước mắt, cầm tay Tân:

-Anh gầy quá

-Em ráng nuôi ăn, tẩm bổ cho anh vài tháng, phong độ lúc trước lấy lại mấy hồi!

-Để em chạy ra chợ mua một ít đồ ăn. Thảo, nấu hộ mẹ nồi cơm!

Buổi tiệc tẩy trần tuy không có gì thịnh soạn nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ. Mấy lần Tân dợm hỏi cuộc sống gia đình, Trang gạt ngang ngay:

-Vội gì, anh cứ nghỉ ngơi một thời gian đi. Trước nay không có anh, em cũng cáng đáng nổi để nuôi sống gia đình. Nay anh về rồi, phụ em một tay, em nhẹ hẳn người đi.

Vừa nói cười, Trang vừa gắp thức ăn cho chồng con. Loáng mấy phút, cái đầu heo nọng chỉ còn chút xương.

-Chết chửa! Anh giành ăn hết cả phần của em và con!

Trang nhìn Tân thương xót:

-Chắc 10 năm nay anh đói khổ lắm phải không? Lần lần rồi tẩm bổ lại, chứ ăn nhiều một lúc không tốt đâu!

Tối hôm đó, Tân ôm Trang vào lòng, mân mê đôi bàn tay chai sạn của Trang rồi xót xa nói:

-Từ nay đã có anh, tụi mình làm lại từ đầu. Em và các con đã cực khổ rồi, anh sẽ cố gắng để lo cho gia đình được no ấm hơn trước.

Nhưng thực tế lại không được như Tân mong muốn. Khi ra trình diện phường, Tân gặp tên công an 30 vốn có tư thù từ trước. Hắn cười đểu:

-Kính chào Thiếu Tá. Mừng Thiếu Tá được sum họp gia đình. Hy vọng Thiếu Tá hoạt động tích cực hơn trong các công tác của phường!

Tân nén giận, cười giả lả:

-Thiếu Tá gì mà Thiếu Tá? Tôi là kẻ có tội với nhân dân, nay được Chính Phủ khoan hồng, tha thứ cho về sống với vợ con, xin đồng chí thông cảm cho.

Tên công an bỗng trở mặt, đập bàn:

-Ai là đồng chí với anh? Anh mới về, hằng ngày phải ra trình diện tôi để lãnh công tác vệ sinh trong phường. Còn nữa, anh chưa có hộ khẩu, nếu lao động không tốt, chắc chắn chúng tôi sẽ có biện pháp nặng cho bản thân anh và cả gia đình anh nữa!

Thấy mặt Tân dàu dàu, Trang đã đoán biết chuyện.

-Tụi trên phường muốn làm tiền đó, ai cũng vậy, không phải riêng anh đâu! Muốn ở lại đây, muốn có hộ khẩu, thì phải mua. Anh để em lo vụ này cho.

Có giấy hộ khẩu rồi cũng không khá gì hơn. Với lí lịch sĩ quan “ngụy” đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, cuối cùng Tân phải lãnh xích-lô về đạp thuê. Nhưng với sức khỏe suy mòn sau 10 năm tù đày, chàng đành phải bỏ cuộc sau vài tuần thử thách. Tân mơ hồ thấy mình đã không giúp được gì cho Trang mà chỉ thêm một miệng ăn phải nuôi. Dần dần Tân đổi tính, trở nên lầm lì, bẳn gắt. Trang gặp lúc làm ăn khó khăn, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới lo đủ 4, 5 miệng ăn. Bữa nào về trễ thì Tân mặt mày nặng nề. Tân càng ngày càng cảm thấy mình bất lực, bỗng đâm ra ghen tuông, nghi ngờ cả những chuyện không đâu.

Có bữa Trang về quá khuya, Tân đập bàn quát tháo:

-Cô đi đâu giờ này mới về?

Trang nhẹ nhàng:

-Em có mối ở Thủ Thiêm nên về trễ. Anh đã ăn uống gì chưa?

-Tôi không ăn, tôi không muốn sống bằng đồng tiền bẩn thỉu, bất chính!

Trang ngạc nhiên:

-Em có làm gì bậy bạ đâu? Thời buổi này mà không mánh mung làm sao sống được? Anh đừng nghĩ bậy bạ, tôi nghiệp em.

Cơn giận bỗng ào đến, Tân như điên cuồng, gào to:

-Tôi hỏi cô, con Thúy có phải là con tôi không? Tôi đã tính kỹ ngày tháng, cô thụ thai nó sau ngày tôi đi tù.

Trang há hốc mồm:

-Anh nói sao? Anh nói sao? Anh không nhớ những ngày cuối cùng anh trốn trên gác...hay sao? Trời ơi sao tôi khổ thế này?

Con Thúy đang lén nghe ba mẹ cãi nhau, cũng ngạc nhiên. Trong đầu óc ngây thơ của nó, một thoáng mây mù, nó lẩm bẩm:

-Ủa, thì ra mình không phài là con của ba! Vậy mình là con ai?

Tân bước ra đường, đi lang thang, chợt nhớ lại những lời khuyên, chàng cảm thấy hối hận, thương vợ con vô hạn.

Tối đến, Tân ôm Trang vào lòng, xin lỗi làm lành. Nhưng chỉ vài tuần sau, chứng nào tật nấy, Tân lại nổi cơn, hành hạ vợ con.

Một tối nọ, Trang đánh thức chồng dậy:

-Em biết anh ở thế đường cùng, anh thương vợ, thương con, nhưng bất lực trước hoàn cảnh nên đã đổi tính. Anh phải vượt biên với bất cứ giá nào. Em đã sắp đặt cả rồi, tháng tới sẽ có chuyến vượt biên bằng đường bộ qua ngả Cao Miên, kể ra cũng hơi nguy hiểm hơn đường biển, nhưng em không đủ sức lo cho anh hơn nữa.

Rồi Trang mỉm cười:

-Qua được Mỹ rồi, nhớ làm bảo lãnh cho mẹ con em, chứ đừng mèo chuột nghe anh!

Cuộc vượt biên của Tân đầy gian nan, nguy hiểm. Sau hơn một tuần lễ lội bộ, Tân mới đến được nhánh sông Mekong ngăn cách hai nước Thái-Miên.

Trăng lưỡi liềm lờ mờ cảnh vật, Tân cả quyết cúi mình lần mò xuống bờ sông, rồi lội dần ra giữa sông. Bờ sông bên kia đã ló dạng, Tân lẩm bẩm:

-Tự do, tự do đây rồi!

Bỗng có nhiều tiếng la to đầy hăm dọa phía sau lưng. Tân chưa kịp hụp mình xuống nước, một tràng đạn đã ghim vào người chàng 3, 4 lỗ. Tân còn tỉnh táo, nhưng chân tay chàng không còn cử động được, đành để thân hình trôi theo dòng nước. Hình ảnh Trang, các con, cuộc đời mình... lần lượt hiện ra trong trí óc, trong một thoáng mơ hồ, Tân thấy mình được con sông đưa về miền Nam thân yêu. Rồi Tân ngất đi không còn biết gì nữa.