HÀNH ĐỘNG VỚI LÒNG TỪ BI
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
CHÂN HUYỀN Chuyển Dịch
Nếu bạn chỉ nghĩ tới mình, nếu bạn bỏ quên quyền lợi và sự an vui của người khác, hoặc tệ hơn nếu bạn khai thác, lợi dụng họ, thì bạn sẽ là người mất mát. Bạn sẽ không có bạn bè, là những người quan tâm tới phúc lợi của bạn. Hơn nữa, nếu bạn gặp tai nạn, thì những người khác thay vì quan tâm, lại có thể vui mừng một cách kín đáo.
Trái lại, một con người có lòng từ bi thương người, quan tâm tới lợi phúc của tha nhân thì cho dù đi tới đâu, người đó cũng vẫn có nhiều bằng hữu. Và khi người đó gặp tai biến thì không thiếu gì người tới giúp đỡ.
Tình bằng hữu chân thật được phát triển trên căn bản tình nhân loại nguyên sơ, không phải do tiền tài hay quyền lực.
Dĩ nhiên nhờ vào tiền tài và quyền lực của bạn, nhiều người sẽ tới với bạn, miệng cười toe và tay ôm đầy quà tặng. Nhưng thật sự, những người đó không phải là bằng hữu của bạn. Đó là bạn của tiền tài và quyền lực mà thôi. Khi mà bạn còn quyền thế thì họ tới lui thường xuyên. Nhưng khi bạn yếu thế thì họ cũng xa lánh bạn ngay. Thực tế là, những kẻ đó không giúp đỡ gì bạn khi bạn cần tới họ.
Tình bằng hữu chân thành căn cứ vào tình thương nguyên sơ giữa loài người, bất kể bạn ở địa vị nào. Vậy nên bạn càng quan tâm tới lợi lạc và quyền hạn của kẻ khác thì bạn càng là một người bạn chân tình.
Bạn càng cởi mở thành thật thì bạn càng được hưởng nhiều lợi ích. Nếu bạn quên người khác và không quan tâm gì tới họ thì bạn sẽ mất đi nhiều phúc lợi của mình. Đôi khi tôi nói với mọi người: Nếu chúng ta thật sự quan tâm tới mình thì, khi ta ích kỷ một cách khôn ngoan, thì tốt hơn là ích kỷ do vô mình và tâm địa hẹp hòi.
Đối với người Phật tử, phát triển trí tuệ là chuyện rất quan trọng. Trí tuệ tôi nói tới đây là sự thực chúng được Tánh Không, bản chất của mọi thực tại. Sự thực chứng Tánh Không khiến cho bạn có khả năng ngừng bặt, do đó bạn sẽ thấy rõ rằng khổ đau không phải là chặng cuối con đường, mà ta có thể chuyển đổi nó được. Khi có thể thay đồi, thì ta đáng công cố gắng.
Nếu Tứ Diệu Đế trong đạo Phật chỉ có hai chân lý đầu (Khổ và Tập - tìm nguyên nhân của khổ), thì không có ý nghĩa mấy. Nhưng có thêm hai sự thực quý báu kia (Diệt và Đạo - diệt khổ và con đường thoát khổ) chứng tỏ chúng ta đáng công tu tập để có trí tuệ, vì từ đó lòng từ bi trong ta sẽ được tăng tiến vô cùng.
Vậy nên khi một con người có quyết định tâm hành trì đạo Phật, thì họ có thể dùng được trí tuệ và sự hiểu biết về bản chất thực tại, có thể dùng các phương tiện thiện xảo để phát triển lòng từ bi.
Tôi cho rằng trong đời sống thường nhật và trong các nghề nghiệp khác nhau, bạn vẫn có thể xử dụng được lòng từ bi. Trong ngành giáo dục, dĩ nhiên lòng từ bi là một động cơ quan trọng và thích đáng. Dù bạn có lòng tin hay không, trong đời sống học trò, lòng từ bi của thầy giáo đối với tương lại của trò khiến cho bạn dạy dỗ trẻ có hiểu quả hơn. Với lòng thương đó, tôi tin rằng bạn sẽ được học trò nhớ tới suốt đời.
Cũng vậy, trong lãnh vực y tế, người Tây Tạng có câu nói rằng tùy vào lòng tử tế của thầy thuốc mà sự chữa trị có hiệu quả nhiều hay ít. Do đó khi không khỏi bệnh, người ta thường cho rằng đó là vì thấy thuốc không tốt bụng. Có những vị bị mang tiếng nhiều vì vậy.
Trong y khoa, lòng từ bi rõ ràng có vai trò nổi bật. Tôi cho là đối với các luật gia và chính trị gia cũng thế. Khi họ hành động với lòng từ bi thì họ đỡ bị tai tiếng. Kết quả là tất cả cộng đồng sẽ được an bình hơn, và theo tôi các chính trị gia sẽ làm được nhiều việc và được kính trọng hơn.
Cuối cùng theo tôi, chuyện tệ hại nhất là chiến tranh. Nhưng ngay khi có chiến chinh, thì lòng từ bi và thương xót người ta cũng vẫn giảm được sụ tàn phá. Một thứ chiến trận hoàn toàn máy móc, không có tình người là tệ nhất.
Tôi cũng nghĩ rằng lòng từ bi và tinh thần trách nhiệm cũng hiện diện trong lãnh vực kỹ thuật và khoa học. Dĩ nhiên trong quan điểm thuần túy khoa học thì những thứ võ khí kinh khủng như bom nguyên tử là một công trình đáng kể. Nhưng chúng ta có thể nói đó là một cái gì rất tiêu cực vì nó đem lại khổ đau lớn lao cho loài người. Vậy nên khi không để tâm tới sự khổ đau, tới cảm xúc và lòng từ bi thì không có sự phân biệt phải trái chi hết.
Trong lãnh vực kinh tế thì tôi thấy khó áp dụng nguyên tắc từ bi hơn. Các nhà kinh tế cũng là những con người và dĩ nhiên họ cũng cần tình thương, vì không có nó thì họ cũng đau khổ.
Khi bạn chỉ nghĩ tới lợi nhuận bất chấp hậu quả, thì người buôn thuốc phiện cũng không sai quấy gì sao? Nhưng vì thuốc ma túy tàn hoại xã hội rất nhiều, nên chúng ta cho việc buôn bán nó là sai, và những người đó là tội phạm. Tôi cho rằng những người buôn bán vũ khí cũng vậy. Đó cũng là một việc làm vô trách nhiệm và nguy hại không kém.
Vì những lý do trên, nên tôi cho rằng lòng từ bi mà đôi khi tôi gọi là tình người, là yếu tố chính trong mọi dịch vụ thương mại của loài người.
Khi nhìn vào bàn tay bạn thấy cả năm ngón tay đều hữu dụng, nếu chúng không dính vào bàn tay thì chúng không dùng làm chi được. Tương tự như vậy, các hành động không có nhân tình thì đều nguy hại. Khi có tình thương và biết quý hóa các giá trị nhân bản, thì các hành động đều có tính cách xây dựng.
Ngay cả tôn giáo, giả thiết là thứ rất tốt lành cho con người, nhưng nó cũng sẽ trở thành kinh khủng nếu thiếu lòng từ bi căn bản của con người. Lòng bi mẫn đối với người khác là điều căn bản, khi có nó thì các hành động đều trở thành hữu dụng.
Nói chung, tôi có cảm tưởng rằng ngành giáo dục và vài lãnh vực khác đã làm ngơ, không chú ý tới việc làm phát triển lòng từ bi. Có thể ngày xưa tôn giáo có nhiệm vụ này. Nhưng ngày nay trong các cộng đồng, tôn giáo xưa đã đổi thời, không còn hấp lực đối với quần chúng, và họ cũng không còn để tâm tới những giá trị nhân bản sâu xa nữa.
Theo tôi, khi bạn kính trọng và ưu thích tôn giáo thì tốt, nhưng nếu không bạn cũng cần nhớ tới sự quan trọng của các giá trị nhân bản.
Có nhiều hệ quả phụ rất tích cực khi bạn có lòng từ bi. Khi mà bạn có nhiều từ bi thì bạn có khả năng lớn để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn, có khả năng chuyển đổi chúng thành ra những điều kiện tốt đẹp hơn.
Một phương cách thực hành hữu hiệu được nói tới trong cuốn cổ thư “Hướng dẫn vào con đường Bồ tát”. Tôi cũng nghĩ rằng khi mà lòng tứ bi trong bạn càng lớn thì bạn càng có nhiều can đảm. Càng can đảm thì bạn càng ít bị nản chí, thất vọng. Vậy thời, lòng từ bi cũng là nguồn gốc của sức mạnh nội tại.
Tăng cường được sức mạnh nội tại, bạn sẽ có quyết tâm hơn và do đó, có nhiều khả năng thành công hơn, dù cho gặp cản trở loại nào. Mặt khác nếu bạn cảm thấy ngần ngại, sợ hãi, và thiếu tự tin, thì bạn sẽ trở nên bi quan yếm thế. Tôi cho đó là nguyên nhân chính của thất bại.
Khi bi quan, bạn không thể hoàn thành được công việc mà bạn có dư sức để làm. Việc dù khó tới đâu nhưng nếu bạn có quyết tâm thì bạn vẫn có thể thành công. Vậy nên, nói theo quy ước chung, thì lòng từ bi là một yếu tố rất quan trọng để thành công trong tương lai.
ĐẠT LAI LẠT MA