Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

THUỐC LÁ QUẢNG NAM

 

ĐOÀN NGỌC NAM

 

Khi ra đường gặp nhau, hoặc được dịp có khách đến thăm chơi. Dù thời gian xa cách vừa mới đó, hay đã lâu biền biệt. Thiên hạ biểu lộ tấm lòng qua cử chỉ niềm nỡ, tỏ lời thăm hỏi sức khỏe mạnh giỏi, chuyện nhà gia đạo vợ chồng con cái, làm ăn ra sao ? Chỉ chừng đó thôi, sao mà cảm thấy trống vắng, lạnh nhạt quá. Nếu không đồng thời xìa ra mời cho nhau ăn miếng trầu, nhai chóp chép cho vui miệng, tăng thêm phần nồng nàn keo sơn thắm thiết nhiều hơn.

Đành rằng: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Song bên cạnh đó còn có điếu thuốc hiện hữu, góp phần tạo nên phương tiện xã giao lợi hại đáng kể, khai thông được tình huống bế tắc, với nhiều mục đích khác nhau. Cũng tùy từng trường hợp mà điếu thuốc đưa mời, có mỗi dụng ý riêng. Hoặc cùng nhau chia bùi xẻ ngọt, trong câu chuyện hàn huyên bà con láng giềng, khi tối lửa tắt đèn có nhau. Thì chỉ cần bỏ xoạc ra nắm thuốc lá, gát nằm ngang qua miệng cái dĩa đất – cái khay gỗ cũ, rồi mời khách. Rất tự nhiên, mạnh ai nấy bốc lá thuốc, giũ sạch các bụi và quấn lấy một điếu tùy thích, theo kiểu cách thon gọn dễ coi, hay to vù mà người ta thường nói chơi: trông giống như cái dùi đục của ông thợ mộc quá chừng! Rồi chỉ cần một người quẹt xì xạch đốt cho được một điếu cháy đỏ, và từ đó bập miệng phà hơi đốt chuyền cho nhau. Hoặc thừa cơ hội, khai mào với ngụ ý lợi dụng, phải tìm cho được loại thuốc bao, bọc giấy gương bóng nhoáng. Chẳng hạn như thuốc ba số 5, Marlboro, Pall Mall... mà ở đây không có đề cập đến, vì nó ngoại lai, xa lạ với người dân quê hiền hòa, chất phác, luôn luôn quí trọng những gì mà người ta làm ra, và cố gìn giữ cho được cái tinh hoa thâm thúy của Quê Hương không mai một.

Nhớ lại lối so sánh của các cụ thời xưa: “Nhất gái một con – Nhì thuốc ngon nửa điếu”. Phải chăng ở đây có điểm gì đặc biệt? Gái một con phải đủ khôn ngoan và già giặn... Còn thuốc ngon nửa điếu, đã đạt đến điều mong mỏi: khoái trá, đỡ lạnh, chống buồn ngủ, khuây khỏa lạc quan yêu đời... Nửa điếu của phần cuối, chất nhựa cô đọng cho khói thuốc đậm đặc, rít từng hơi cảm nhận đã đời, mơ màng trong mộng ảo lâng lâng – ngà ngà say...

Lo được cái ăn, cái mặc, và còn vì bận biệu lạc thú, nên người nông dân Quảng Nam quê ta, chăm lo trồng ra cây thuốc lá, phục vụ cho chính mình hay cho người khác, lúc nào cũng vui vẻ, thản nhiên, không một chút so đo tính toán công lao chực khổ, nhọc nhằn.

Các bãi biển, dọc theo dòng sông Quê Hương là vùng đất được lựa chọn để trồng cây thuốc lá. Ở đó có nhiều yếu tố như: đất tốt và nhất là có dồi dào lượng nước, đủ cung cấp tưới đẩm ướt khi cần tới, giữ cho cây thuốc xanh tươi trong thời kỳ sung sức, đạt cho được sản lượng cùng chất lượng cao. Trồng ra được loại thuốc lá ngon, nổi tiếng mới là điều khó. Phải tận dụng hết bí quyết chuyên môn, một cách rành rẽ, cộng thêm sự thâm canh cần mẫn, mới lấy được sự tin tưởng và yêu chuộng của giới sành điệu lâu dài. tuy cũng chừng đó phương thức, nhưng công nhận thuốc lá vùng Lệ Trạch và Bến Đền là thuốc lá ngon nhất – nổi tiếng nhất. Và cũng chỉ độc nhất, thuốc lá Cẩm Lệ chiếm độc quyền cung cấp cho vùng thành phố, và còn bán ra ngoài tỉnh, tiêu thụ rất mạnh.

Từ đầu mùa Đông, người ta đã lo chuẩn bị ương gieo cây thuốc con, mà tiếng nhà quê thường kêu là “con thuốc”. Hột giống tròn, nhỏ li ti như hột cải cay, đem gieo đều dày đặc trên vùng đất vỉa hè, nếu nhà cao lụt, hoặc trên giàn cao có đổ đất và mái che, tránh các trận mưa lớn làm dập thân cây, khi còn non nớt bé bỏng. Khi thấy ngọn con thuốc đơm lên, vượt khỏi lá yếm, người ta nhổ ra để cấy vào bầu. Đó là hàng loạt khoanh lá chuối sứ, chằm thành hình ống, cao 2 phân và đường kính 1 phân rưỡi. Trong ruột bầu nhận đầy hổn hợp đất và phân. Đất phải lấy dưới bụi gốc tre mục mới xốp, phân dùng loại phân tằm đã ải rục và sàng sẫy lấy bột nhỏ mịn. Sắp đặt tất cả các bầu, sát sít trên tấm liếp trục trịch – cấy con thuốc vào. Sau khi cấy xong, đặt một dãy liếp trên giàn cao, trên có mái che để tránh trời mưa – lụt và con cóc liếm đọt... Thường ngày, tưới nước sương sương – nhè nhẹ, đủ giữ độ ẩm cho cây thuốc bén rễ lần hồi và phát triển tươi tốt.

Sau ngày 23 tháng 10 Âm Lịch, nhắm chừng hết lụt lớn. Nhà nghề chuyên môn bắt đầu lo chọn đất, xớt dẫy sạch sẽ cỏ dại – bói lách, bày lộ một vùng đất khá màu mỡ, với từng lớp buồn non bồi đắp sau mùa nước lụt. Công việc kế tiếp, cuốc cày để vỡ đất, bộng bừa cho nhuyển thục, và sau đó bang chãi lấy mặt bằng. Tiếp đến, người ta đánh thành từng rãnh rộng 8 tấc, cách rãnh chừa vồng thoai thoải, không cao lắm và hẹp hơn rãnh đôi chút. Rãnh là nơi đặt trồng hàng loạt cây thuốc, vồng là lối đi ra vào để tưới nước, chuyển tải phân tro, gánh thuốc lá về nhà... và chính vồng cũng là số đất dự trữ vun tém vào gốc, sau mỗi lần bón thêm phân, giữ cho gốc đượm – chịu được nắng. Sau khi đã phân chia thành rãnh – vồng, phần đất ở rãnh lại được cuốc xới trở lại, loại bỏ thật sạch rễ cỏ và xăm đập cho đất hết sức thục nhuyễn, bấn mịn. Rồi bắt đầu cắm cây tim, cách khoảng đều nhau 8 tấc. Tại vị trí mỗi cây tim mố một lỗ, rộng 3 tấc và sâu xuống 2 tấc. Đổ gần đầy phân hoai vào đó (phân tằm tốt nhất, cho tàn thuốc trắng), trộn đều với mớ đất bột chung quanh miệng lỗ, xong rồi khỏa đất lẫn phân bằng mặt trở lại, hơi hơi trũng xuống một tí để giữ nước tưới. Tới đây, đem con thuốc xanh tốt đã cấy sẵn, tháo bỏ bầu ra, dùng tay móc đất mà đặt con thuốc vào ngay chính giữa lỗ, ngay hàng thẳng lối. Không quên vỗ nhẹ mặt đất chung quanh chân cây thuốc cho chặt chịa, làm như thế mới giữ vững gốc cây thuốc khỏi chao ngã khi tưới nước, hoặc ngăn chận – phát hiện kịp con trùn, con dế nhụi ủi làm trốc gốc...

Thời gian một tháng đầu, người ta rất bận biệu, chăm lo săn sóc cây thuốc thường xuyên. Nào buổi sáng sớm, cũng như chiều râm bóng mát, lo tưới nhẹ nước cho cây thuốc con. Nào lo bắt sâu từ lúc sáng tinh sương, và còn đợi khi chiều tối, rọi đèn tìm kiếm cho được những con sâu, ẩn mình bên dưới lớp đất. Khi cây thuốc to lớn bằng miệng bát, rà thêm bột bánh dầu xa xa chung quanh gốc, thúc giục cây thuốc phát triển mau, nở nang to dần ra. Cũng thời kỳ này, cây thuốc con hay bị chết nhót, hoặc bị già phân, hoặc bị côn trùng phá hại. Phải lo dặm lại số cây thuốc chết nhót, để được kín hàng, bảo đảm năng suất và không bị lõi chỏi khó coi.

Đến lúc nào cây thuốc có chừng mươi lá, người ta lại bẻ tỉa bớt vài ba lá nằm sát gốc, mở gốc thoáng mát và sạch sẽ. Mớ thuốc lá này đem về rải trong nong hay trên sân gạch phơi khô, trở thành “thuốc rải”. Thuốc rải lá vừa nhỏ lại vừa mõng, nhựa chưa có, nên khi hút có phần lạt, dỡ là lẽ tất nhiên. Nhưng dành phần ưu tiên cho nhà sản xuất. Loại ngon, nên hình để dành bán, không dám động tới. Bởi vậy tục ngữ mới có câu: “Thợ rèn ăn dao lụt” là thế đó.

Dần là cây thuốc nẫy nở, lớn lên tỏa ra to bằng miệng thúng, người ta túm gọn cho các lá thuốc chụm lại, dùng ghim tre xuyên thủng qua từng lá, rồi cắm xuống đất. Dụng ý giữ cho các lá thuốc khỏi bị dập, trong lúc vô thêm phân và tém đất vào gốc. Làm xong công việc, rút cây ghim ra, trả lại tự do cho cây thuốc. Kể từ thời kỳ này trở đi, cần tưới thật nhiều nước, để rể cây thuốc hút được nhiều chất đạm trong phân, nuôi cây thuốc sung sức cho lá lớn, dày và có nhiều nhựa. Mọi nổ lực đều dồn vào “công” tưới nước. Từng cặp nam-nữ có đầy đủ sức khỏe: đôi chân dẻo dai, dôi vai chai lì – đủ sức chịu đựng đôi nước đầy ngập, gánh lên – chạy nhịp nhàng vào khắp hàng thuốc – nghiêng miệng gàu đổ xòa, tưới ướt đẩm dầm dề cả một vùng mát rượi.

Đến thời kỳ cây thuốc đã lên cao tới mức dưới đầu gối, bẹ lá sum sê, lá từ cây nọ giáp lá cây kia. Đó là lúc bắt đầu chần đọt, sự việc này khiến cây thuốc tức: nãy nhiều nhánh con. Người ta lặt bỏ bớt mầm yếu, chỉ chừa lại từ 2 tới 3 mầm mạnh nhất. Đây là những nhánh thuốc mà nhà chuyên môn, dồn hết mọi sở trường canh tác, để đạt cho được thành quả hòng mong ước. Phải tận dụng vào các yếu tố chính, mà cây thuốc cần hấp thụ cho đủ lượng: đạm chất của phân tro, nguồn nước tưới và ánh sáng của nắng ấm cuối Xuân – chuyển sang qua Hạ. Đợt thâu hoạch đầu tiên là các lá thuốc sau thời kỳ chần đọt. Các lá thuốc bấy giờ to nhất, ngã sang màu hơi hơi sẫm vàng, nhiểu mặt và nồng nặc nhựa thuốc. Toàn bộ các lá thuốc bên dưới gốc được trảy hết, gánh về xâu thành “thuốc lồng ống” đầu mùa. Sau đó, vô thêm phân – rà thêm phân bánh dầu, và cuốc sả hàng, bang chải hết phần đất của vồng xuống rãnh – xăm kỷ, khỏa mặt bằng mặt, giữ cho đất ẩm ướt, không bị hốc. Kể từ đây, thuốc thu về gọi là “thuốc cơi”. Thuốc cơi nhất, cắt mỗi cây được 2 hoặc 3 nhánh, thuốc cơi nhì số nhánh gấp đôi, và có khi cắt được cơi ba, số nhánh càng tăng bội phần...

Thuốc lá tươi thu hoạch về, còn phải qua nhiều giai đoạn biến chế. Hoặc làm thành thuốc xâu (giữ nguyên lá). Hoặc làm thành thuốc rê (thuốc xắt). Với loại thuốc xâu, thì dùng cây “lòi” để xâu, kết lại thành chuỗi. Đó là sợi dây tre vót tròn dẹp – hột xoài, to bằng cây lụi thịt nướng, bề dài một thước, hai đầu đều mứt nhọn để có thể xâu thuốc cả hai đầu. Người ta xâu thuốc lồng ống, nơi đầu cộng theo bề nghiêng của cuống lá, các lá thuốc được thúc gần với nhau. Còn thuốc cơi, trước hết dùng con dao nhíp tiện nhánh thuốc, chẻ tách bỏ đi một nửa, mới dễ xâu lại như trên. Được bao nhiêu dây thuốc, đem cột vào cây róng, mang gác trên chồ – giàn trong trại trống trải. Phơi khô từ từ nhờ vào không khí nóng và gió. Khi nào lá thuốc khô rồi, đem ra ngoài trời lấy sương một hai đêm, cho lá thuốc trở nên dịu mềm, vút sửa cho xòe lá, thẳng nếp... xong rồi gấp bẻ thành ra 4 cở dính liền với nhau, sau đó dùng sợi lạt nhỏ cột lại thành “xấp thuốc”. Người ta đặt vào thùng gỗ (không có đáy và trống miệng) từng xấp thuốc trở đầu lại với nhau, đầu cộng xây ra hai bên hông. Khi nào thấy số xấp thuốc đầy đến miệng thùng, thì dùng sức đòn bẫy mà ép xuống, và lại cho vào tiếp đến khi nào không còn có thể ép xuống được nửa mới thôi. Khi rút thùng gỗ ra, bao bọc quanh bó thuốc (chừa lại 2 đầu hông có cộng thuốc) bằng mo cau khô – giấy xi măng và áp thêm vào nhiều tấm nẹp, xong rồi bó lại bằng 2 nụt lạt tre chắt nịch. Bó thuốc bó xong, mang ra ngoài trời, lật ngửa phần có cộng trở lên để phơi thêm, vì trước đó phơi trong trại chưa khô đến mức. Với loại thuốc rê, thì người ta tước bỏ phần cộng lớn của lá thuốc tươi, trước khi sắp đặt lật ngữa chồng sắp lớp lên với nhau thành một xấp, và cuốn thật chặt ra một cuộn tròn, có hơi hơi dẹp. Tất cả chất thành từng đống trong nhà, ủ lại vài ba ngày cho đến khi nào thấy lá thuốc ngã qua màu vàng, mới đem ra sắt thành sợi nhỏ. Bàn xắt thuốc rê kết hợp bằng một tấm gỗ thật nặng, dùng làm đế. Tra dựng đứng vào đế một tấm gỗ khác, trên đó có khoét một lỗ tròn – nhấn lưỡi dao lên xuống, thái ra từng sợi thuốc nhỏ, rơi rải xuống đều đặn, theo sự điều hòa – khéo tay của người thợ. Thuốc xắt được, trãi canh trên tấm vĩ đan bằng tre, bưng ra phơi trực tiếp ngoài trời nắng. Rồi cũng lấy sương cho sợi thuốc dịu mềm – phân cở, bắt thành “bánh thuốc rê” hay “cây thuốc rê”, tùy theo cách gọi khác nhau. Thuốc rê có loại giữ nguyên thủy màu vàng tự nhiên, có loại được tẩm cho sậm màu và có độ thơm nồng nặng hơn... còn tùy thuộc vào giới đặt hàng.

Đã đề cập về thuốc lá Quảng Nam, mà không xuyên qua đó, đi sâu vào đôi chút bản chất người nông dân của Quê Hương, có lẽ mất đi cơ hội. Vốn đã quá giản dị từ lối ăn – mặc, thậm chí đến cách uống, lại càng thấy đơn sơ đạm bạc nhiều hơn, không ngoài nồi nước chè. Phải uống cho được bát nước chè tươi nóng hổi – hớp từng ngụm, nuốt ừng ực mới thấy đã cơn khát. Và hút thuốc, một nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày. Kích thích tố của khói thuốc làm quên đi cơn mưa sa – gió lạnh, tăng thêm phần hăng say làm việc không mệt mõi. “Xưa bày nay bắt chước”, người nông dân nói như vậy. Thời trước trồng và hút thế nào, thì nay nối nghiệp mà làm theo, không để mất gốc. Ông bà thời xưa hút thuốc nguyên lá, vẫn sống lâu trăm tuổi, không thấy ung thư – sưng phổi gì cả, vì trong đó không có pha chế, chứa hóa chất độc hại, như các loại thuốc cao sang của hãng này – hãng nọ. Nếu có ai đó, đem biếu người nông dân một bao thuốc, và một xấp thuốc cơi, lẽ dĩ nhiên người Ấy vui vẻ nhận xấp thuốc. Vì cho đấy, chính là cái quí của Quê Hương, có giá trị cao đẹp về mặt tình cảm đậm đà. Họ tìm ra trong đó cái say sưa vô hại, khoái cảm theo làn hơi – khói thuốc của Quê Hương mình một cách tin tưởng và đầy hãnh diện. Điều đó nói lên được bản chất tự tin, cần kiệm, không xa hoa phung phí một cách vô ích. Cũng không để rơi vào ảnh hưởng xấu, gạc ra mọi chi phối thúc giục đòi hỏi đua đòi quá đáng. Không để đánh mất bản tính tự chủ cao quí, lương tâm bẩm sinh trong trắng bị vẩn đục. Ngăn ngừa và loại trừ mọi sự cám dỗ sa đọa, để khỏi lệ thuộc vào đồng tiền, một yếu tố cần, nhưng quá đặt nặng sẽ trở thành mù quáng, trong lúc hành xử cạnh tranh trong cuộc sống. Và vẫn biết rằng: “Trực ngôn thì nghịch nhĩ”. Nhưng khi tranh luận thì rất thẳng thắn, phê bình trực tiếp một cách vô tư – không vị nể. Bày tỏ thái độ dứt khoát để tránh hiểu lầm, khi cần góp ý xây dựng một vấn đề mắc mứu, cần phải nói ra sự thật. Trong tinh thần đó, không chủ tâm lợi dụng Người, và cũng không chịu thua để bị lợi dụng...

Thương quá Quê Hương Quảng Nam ơi!!!

Quê Hương của Tiền Nhân giàu lòng Nhân Bản và tấm lòng Đôn Hậu.-

Callifornia, Hè 98