Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


 Saigon Times USA

 

XỨ NINH SÔNG NGÒI

 

VINH HỒ

 

 

Xứ Ninh tức Ninh Hòa xưa có tên là phủ Thái Khang (sau đổi là phủ Bình Khang, Bình Hòa, rồi Ninh Hòa) chạy dài từ Đèo Cả đến Ngọc Diêm, bao gồm 2 huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và 1 phần huyện Khánh Dương ngày nay.

Vì dãy Trường Sơn chạy gần biển nên sông ngòi xứ Ninh đa số là những con sông nhỏ hay suối, sau đây chúng tôi xin giới thiệu theo thứ tự từ Bắc vào Nam như sau:

SUỐI ĐẠI LÃNH

Phát nguyên từ núi Đại Lãnh (cao 626m), ngắn và cạn, chảy ra biển tại dưới chân Đèo Cả.

Xe qua Đèo Cả sóng vang

Qua suối Đại Lãnh gió càng lạnh hơn

Từ khi nước biết tuổi non

Trăng thu vằng vặc dạ còn nhớ mong

SÔNG TÔ HA

Còn gọi là sông Tu Bông dài độ 12 km, phát nguyên từ núi Cục Kịch, biên giới Phú Yên, chảy qua Tu Bông rồi ra cửa Hải Triều thuộc vũng Trâu Nằm, vịnh Vân Phong. Phần trên thượng nguồn mang tên suối Sổ có đập Sổ.

Mai về hỏi núi hỏi sông

Vì đâu Vạn Giã, Tu Bông lỡ làng?

Mai về hỏi phượng hỏi hoàng

Vì đâu Hội Khánh, Phú Cang chia lìa?

SÔNG BÌNH TRUNG

Sông Bình Trung dài độ 20km, phát nguyên từ núi Ba Non (cao 1264m) chảy qua Tứ Chánh, Trung Dõng, Bình Trung, rồi chảy xuống cửa Gốc, vịnh Vân Phong. Trên nguồn có suối Cá.

Bình Trung dòng nước xanh trong

Chảy về Trung Dõng, Vân Phong, Thái Bình

Anh với em đẹp mối duyên tình

Đợi mùa cau chín sẽ trình mẹ cha

SÔNG VẠN GIÃ

Phát nguyên từ đồi 349 chảy qua Phú Cang đổ ra cửa Tân Mỹ, vịnh Vân Phong.

Dòng sông Vạn Giã mơ màng

Chảy về đồng lúa Phú Cang trẻ màu

Duyên ta chẳng biết về đâu?

Vì nghèo têm phải lá trầu, trầu không

SÔNG HẬU

Còn gọi là sông An Lương, hay sông Hiền Lương dài độ 18 km. Có 2 nguồn: một từ núi Ba Non (cao 1264 m), một từ núi Hòn Chảo (cao1564 m) chảy qua khỏi thôn Hiền Lương rồi hợp với nhánh kia đổ xuống cửa Giã, vịnh Vân Phong.

Sông Hậu từ núi Ba Non

Chảy về cửa Giã dạ còn thương mong

Ba Non nhưng chỉ một lòng

Tháng ngày vẫn đứng trông dòng sông trôi

SÔNG DINH:

Bắt nguồn từ núi Vọng Phu (cao 2051m), núi Đa Đa (cao 1709m), và biên giới Phú Yên, chảy ra cửa Hà Liên vịnh Nha Phu dài độ 51km tính từ núi Vọng Phu đến cửa Hà Liên.

Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" ghi là sông Vĩnh Phú, hay sông Vĩnh An. Vì chảy qua Thị trấn Ninh Hòa nên cũng có tên là sông Ninh Hòa.

Cách nay trên 300 năm, tỉnh Khánh Hòa xưa có tên là dinh Thái Khang, cơ quan cai trị đóng tại địa phận Ninh Hòa ngày nay, vì sông chảy qua trước Dinh quan Thái Thú nên dân chúng gọi là sông Dinh.

Sông Dinh có 3 phụ lưu:

Sông Cái dài độ 43 km, bắt nguồn từ Núi Vọng Phu, chảy theo hướng Bắc-Nam chừng 14 km thì đổi hướng Tây Bắc - Đông Nam, đoạn này dài độ 29km chảy qua cầu Dục Mỹ băng qua địa phận các xã Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Phụng, qua cầu Bến Gành rồi nhập vào sông Dinh tại Họng Ngã Ba. Tại Cây số 5 thuộc xã Ninh Xuân có đập đúc Cây Số Năm, còn gọi là đập Bảy Xã cung cấp nước cho 7 xã: Ninh Xuân, Ninh Phụng, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc, Ninh Hà. Vào mùa lụt dòng nước sông Cái đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Trên thượng nguồn có Thác Bay, hồ Ea Krong Rou, hồ B. Ma Đùng, suối Nước Nóng Dục Mỹ.

Nhìn về núi Vọng Phu xa

Sáng ngời một dãi lụa là đẹp tươi

Thác bay uốn lượn giữa trời

Nghìn năm còn hát những lời yêu thương

Tại địa phận xã Ninh Xuân có Suối Trầu, còn gọi là suối Đá Cùng dài độ 12km phát nguyên từ núi Tà Lang (365m) chảy vào sông Cái cách Cầu Đỏ chừng 2km về phía hạ lưu. Trên suối Trầu có đập đúc Suối Trầu, phía trên đập có hồ nước rộng gọi là Lòng hồ Suối Trầu.

Chảy từ núi Vọng Phu xa

Sông Dinh sông Cái chỉ là một thôi

Sông Dinh thẳng một dòng trôi

Sông Cái nước đỏ giữ lời sắt son

Đêm Thu núi Vọng Phu buồn

Gởi về sông cũ nửa vầng trăng xưa

Sông Đá, hay sông Cây Sao, sông Đồng Hương, sông Tân Lâm, hay sông Đục, dài độ 30km, bắt nguồn từ núi Đa Đa (cao 1709m), chảy xuống Buôn Lác, băng qua cầu Cây Sao, cầu Ké, đập Điềm Tịnh, cầu Sông Đục, nhập vào sông Dinh tại Họng Ngã Ba, sông băng qua cánh đồng Ninh Thân, Ninh Phụng, vì nước ruộng chảy ra, dòng nước đục quanh năm nên sông có tên là sông Đục:

Đầu nguồn sông Đá, Tân Lâm

Cuối nguồn sông Đục em nằm bên thôn

Tháng Giêng đồng lúa xanh rờn

Vì em chịu đục nên đồng lúa xanh

Sông Lốt hay sông Lớp, hay sông Đá Bàn dài độ 37 km, bắt nguồn từ biên giới Phú Yên chảy qua vùng rừng núi Đá Bàn, đổ vào Lòng Hồ Đá Bàn (dài trên 2 km, rộng trên 1km), đoạn sông này tên là sông Đá Bàn dài độ 14km. Đoạn kế tiếp tên là sông Lốt dài độ 23km từ Lòng hồ Đá Bàn chảy qua địa phận các xã Ninh An, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Phụng nhập vào sông Dinh tại Họng Ngã Ba.

Trong ba nhánh sông, nước sông Lốt trong nhất, nhưng vào mùa mưa dòng nước cũng hung dữ nhất, chảy cuồn cuộn kéo theo nhiều bọt bèo gỗ mục hợp cùng 2 nhánh sông kia gây lũ lụt trong các tháng Tám, Chín, Mười ÂL.

Chảy từ biên giới Phú Yên

Chảy qua hồ Đá Bàn trên thượng nguồn

Tháng Mười dòng nước điên cuồng

Quang Đông, Vĩnh Phú con đường thành sông

Trên thượng nguồn Sông Lốt tại vùng Hòa Sơn, xã Ninh An có bến Miễu, bến Cây Sung, thác Kênh Kênh, thác Dao, thác Cùi Chỏ:

Sáng đứng trên giồng Cô Bốn ngóng

Chiều ngồi dưới thác Kênh Kênh trông

Sông Dinh, sông Lốt tên sông ấy

Ai đặt chi hai để nặng lòng

Tại xã Ninh Trung có bến Cây Gạo, tại thôn Phú Văn có Cầu Phú Văn hay cầu Chín Nại, tại Phú Bình có xe nước Ông Tổng Sáu, bến Năm Lý hay bến Sau Chùa, tại Điềm Tịnh có bến Năm Son, bến Năm Xanh, bến Ông Tạ, bến Mù U, bến Bà Đa.

Bắt nguồn từ đỉnh Ba Non

Qua hồ qua trảng qua truông qua ghềnh

Thác Dao, Cùi Chỏ, Kênh Kênh

Chảy qua Giồng Cốc, về bên Cung Hòa

Thạch Sơn, Quảng Thiện, Phú Gia

Xuống Mù U, Họng Ngả Ba nhập bầy

Sông Dinh tên gọi từ đây

Đẹp như ngọc thủy tháng ngày nhẹ trôi

Nghĩa sông gắn bó đời đời

Tình sông êm ả như lời mẹ ru

Họng Ngã Ba ở cuối làng Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng là nơi gặp gỡ của sông Cái, sông Đá và sông Lốt. Từ đây sông mang tên sông Dinh tiếp tục chảy qua Cầu Sắt, Cầu Dinh, Thị trấn Ninh Hòa, Cầu Mới Cải lộ tuyến , cầu Chợ Nhỏ Ninh Phú-Ninh Giang, qua địa phận các xã Ninh Giang, Ninh Phú rồi ra cửa Hà Liên vịnh Nha Phu, dài độ 8km, có bến Bà Lép, bến Ông Đùm, lổ lở gần Nhà Thờ. Đập Chị Trừ mới xây cách cầu Dinh 300m về phía hạ lưu nối Vĩnh Phú và Xóm Rượu cấp nước cho xã Ninh Đa, Ninh Hiệp. Đập Lá Ông Tư gần Cầu Mới Cải lộ tuyến giữa Ninh Giang, Ninh Đa và Thị trấn Ninh Hòa. Đập đúc Ninh Giang cấp nước cho xã Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Phú. Đập Bờ Trang thuộc làng Bằng Phước xã Ninh Phú.

Ra gần tới biển, có 1 chi lưu tên là suối Dõng phát nguyên từ Ninh Sơn chảy dọc chân núi theo hướng Bắc-Nam qua thôn Tân Kiều rồi đổ vào sông Dinh.

Sông Dinh chảy qua Thị Trấn là trái tim của huyện Ninh Hòa nên trở thành một hình ảnh êm đềm mát ngọt trong lòng mọi người Ninh Hòa, đôi khi cũng là nỗi niềm tâm sự của khách tình si:

Sông Dinh có ba ngọn nguồn

Tìm em lội suối băng truông dãi dầu

Tìm em chẳng thấy em đâu

Dưới sông nước chảy trên cầu xe qua

Tìm em ngày tháng phôi pha

Trăng xưa bến cũ sương sa lạnh lùng

Trong bài "Sông Dinh Qua Thơ Ca" đăng trên www. Ninh-Hòa.Com, tác giả Dương Tấn Long viết:

"Tính đến cuối năm 2003, tôi đã có trong tay hơn 70 bài thơ, văn, biên khảo nói về sông Dinh, một số lượng đáng nể! Chưa chắc gì những con sông lớn khác trên đất nước Việt Nam có số bài thơ, văn nhắc đến nhiều như vậy."

Và đến thời điểm viết bài này, số tác phẩm và tác giả nặng lòng với sông Dinh chắc chắn còn tăng nữa. Người đầu tiên nhắc đến sông Dinh như những lời tình tự nồng nàn tưởng không ai khhác hơn Hình Phước Liên, một nhạc sĩ tài hoa của đất Ninh Hòa:

Bình thường bình thường thôi, như dòng sông Dinh trôi...

Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà

Thì trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ

Như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô

(Ơi Con Sông Dinh, nhạc của Hình Phước Liên)

Nổi tiếng từ đầu thập niên 80, tại Ninh Hòa thời bấy giờ ai mà chẳng nghe nhạc phẩm ấy ít nhất một lần trong ngày qua làn sóng của Đài Phát Thanh Ninh Hòa, thậm chí ở những vùng cùng cốc thâm sơn như Hòa Sơn, Lổ Gáo, Đá Bàn, tôi cũng đã từng nghe nhiều người hát lên bản nhạc này với niềm say mê chất ngất.

Quả thật giữa rừng xanh ngồi trong túp lều xiêu quẹo lợp hờ bằng mấy tấm tranh, vô một trăm phần trăm chừng vài chung "nước mắt quê hương" thì còn gì buốt tim hơn khi nghe:

"Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà thì trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ..." Nhạc đã hay mà lời thì lại quyến rũ. Nghèo đi nỗi nhớ! Nghèo tiền bạc, nghèo từ ái nghĩa nhân, giờ lại nghèo thêm cả nỗi nhớ? Lẽ nào HPL cũng là một nhà tiên tri biết trước được tình cảnh xót xa của một triệu người lìa bỏ quê nhà?

Lời nhạc đan quyện với những cung bậc trữ tình tha thiết chơi vơi đã chấm dứt, nhưng trong tôi hình ảnh "con sông phơi bãi cát hoang cằn khô" vẫn hiện hữu, tồn đọng, còn đó với bao ấn tượng bồi hồi... những niềm suy tư trăn trở về thân phận con người thể hiện qua dòng sông như dòng đời cứ chảy trôi trong tận cùng của lẻ loi đơn độc... Đã hơn 20 năm dòng sông Dinh vẫn chảy trôi lặng lờ trong cõi miền vô thức sầu muộn, để rồi hôm nay từ một cái nhìn mới của một nữ tác giả mới đương ở độ tuổi trăng tròn từ một nơi nào đó bên kia nửa vòng trái đất vọng về... trong tôi con sông Dinh đột nhiên chuyển mình đầy nữ tính và sáng tạo, bãi cát hoang cằn khô biến mất nhường chỗ cho sắc màu dịu dàng lung linh diễm ảo của tuổi trẻ, ước mơ và hy vọng:

Bèo sông Dinh trông đẹp lắm

Tím xanh nụ vàng nhè nhẹ trôi...

(Bèo sông Dinh, thơ Nguyễn Phương Linh)

Ơi Con Sông Dinh! Tiếng gọi thầm sông như người yêu dấu của Liên ngày nào, nay được Phan Đông Thức lập lại như một điệp khúc tình muôn thở:

Đến Mỹ Hiệp em tên gọi sông Dinh

Ngoan ngoãn chậm nguồn bên bờ Vĩnh Phú

Em là gương soi bao làn tóc rũ

Tà áo trinh nguyên nhịp bước qua cầu

(Giòng Sông Tình Tự, thơ Phan Đông Thức)

Thời tiền chiến Nam Trân đến Huế làm thơ ca ngợi sông Hương:

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

Chiếc thuyền nan, hàng phượng vĩ và cô gái Kim Luông yểu điệu chèo... đã làm cho dòng sông Hương thêm xinh đẹp trữ tình!

Nay Phạm Tín An Ninh đến Ninh Hòa làm thơ ca ngợi sông Dinh:

Con sông Dinh chảy qua cầu Sắt

Mùa Hè Ninh Hòa nắng mờ con mắt

Tôi đứng nhìn em đội nón qua cầu

(Gởi cô học trò bên sông Dinh thuở ấy, thơ Phạm Tín An Ninh)

Ánh nắng Hè và cô nữ sinh ngây thơ mặc áo dài trắng đội nón trắng qua cầu... đã tô điểm cho dòng sông Dinh thêm êm đềm thơ mộng. Và ở nơi phương trời xa có một người cũng vừa bất giác lên tiếng gọi:

- Ơi con sông Dinh!

Mùa Hè Ninh Hòa nắng mờ con mắt

Tôi đứng nhìn em đội nắng qua cầu

(Gởi cô học trò bên sông Dinh thửa ấy, Thơ Phạm Tín An Ninh)

SÔNG CẦU LẤM

 

Tên chữ là Ngọc Sơn, dài độ 16 km, phát nguyên từ Hòn Bà (cao 1356 m) có 2 phụ lưu:

Sông Chợ chảy qua Đồng Lau, Tân Hưng , Phước Mỹ, Phụng Cang.

Suối Bàu Sấu chảy qua Trường Lộc, Thuận Mỹ rồi nhập với nhánh trên ở Thạnh Mỹ, chảy qua đường xe lửa, Quốc lộ 1 rồi đổ ra vịnh Nha Phu.

Trên thượng nguồn của sông Cầu Lấm còn có Suối Cát và Suối Đá Xẻ. Suối Đá Xẻ nằm trong địa phận xã Ninh Lộc, có Trường Bơi và Hồ Đá Xẻ là 2 thắng cảnh. Trên Suối Cát nằm ở địa phận xã Ninh Hưng có Ao Bà Thiên Y A Na phong cảnh rất là kỳ mỹ.

Sông Cầu Lấm chảy ngập ngừng

Chảy về Trường Lộc, Tân Hưng mây mù

Chảy về cuối vịnh Nha Phu

Tìm em chỉ thấy trăng Thu giữa dòng

SÔNG GĂNG

Bắt nguồn từ Vạn Khê chảy ra cửa Tân Thủy.

Lên đèo Rọ Tượng trông sang

Bên kia Tân Thủy, Sông Găng xanh dòng

Thương em từ thuở ẵm bồng

Đến khi khôn lớn phượng hồng có đôi

SUỐI BA HỒ

Dài độ 9 km, phát nguyên từ núi Hòn Son (cao 660 m) chảy xuống thôn Phú Hữu rồi đổ ra vịnh Nha Phu, trên thượng nguồn có Ba Hồ là một thắng cảnh của xứ Ninh.

Ba Hồ nước nhược non bồng

Ai lên mà chẳng nghe lòng ngất ngây

Ba Hồ nắng đẹp như rây

Trên cây đá dựng, dưới mây khói lồng

Nhìn chung, sông ngòi xứ Ninh hầu hết đều ngắn, hẹp và cạn. Mùa nắng nhiều đoạn sông phơi những bãi cát hoang cằn khô. Nhưng vào mùa mưa, chỉ cần 3 ngày mưa núi là nước đã ngập trắng đồng, tuy nhiên chỉ sau một hai ngày là nước giựt để lại bùn non có chỗ ngập tới mắt cá tăng độ màu mỡ cho ruộng vườn. Xứ Ninh năm nào cũng có lụt. Lụt nhỏ thì vô tới cửa ngõ. Lụt lớn thì ngập nhà ngập cửa khổ sở trăm bề.

Trận lụt năm Giáp Thìn (1904), năm Mậu Ngọ (1918), năm Giáp Tý (1924), năm Giáp Thìn (1964) vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân với bao thiệt hại to lớn về vật chất, nhân mạng:

Nghĩ về năm Ngọ mà kinh

Nắng hạn mấy tháng thình lình lụt to

Nghĩ qua năm Tý mà buồn

Tháng Chín bão lụt ruộng vườn tan hoang

Nhà rường cho chí nhà ngang

Giựt rui, trốc nốc cả làng sạch trơn

Chính vì thế mà người xứ Ninh quanh năm sống trong âu lo chồng chất:

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời im bể lặng mới yên tấc lòng

Những câu tục ngữ ca dao sau đây có tác dụng nhắc nhở, chia xẻ hay cũng chính là nỗi ám ảnh:

Vẫy trút thì mưa

Nhả bừa thì nắng

Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa

Hòn Hèo đội mũ, mây phủ Đá Bia

Cóc nhái kêu lia, trời mưa như đổ

Tháng Bảy nhìn ra, tháng Ba nhìn vào

Người xứ Ninh phải gánh chịu với bao cảnh tai trời ách nước trời hành cơn lụt mỗi năm, bất kể ngày Xuân hay tháng Hạ:

Tháng Giêng trời chẳng thương người khổ

Áo rách giơ lưng đứng giữa đồng

Dù có áo rách giơ lưng đứng giữa đồng hay chén cơm ăn chan bằng nước mắt người dân quê tôi vẫn không bao giờ thôi nhớ thương dòng sông quê hương nơi có tình làng nghĩa xóm và con người luôn sống gắn bó với con trâu đồng ruộng:

Cả đời chôn chặt với dòng sông

Yêu mến con trâu, quý ruộng đồng.