Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

TẢN MẠN SÓC TRĂNG

 

HOÀNG MINH

 

 

Còn những con đường, những dòng sông thì ta mang trả cho ai và gửi về đâu?

Khi có tuổi người ta hay hoài cổ và thương nhớ một cái gì đó xa vời. Nhịp sống hiện tại, từng ngày, từng ngày chuyển mình như vũ bão, nhưng sao chúng ta muốn giữ mãi một vài điều thuộc về xưa cũ, nó không ảnh hưởng gì, nhưng nhiều khi không còn có ích nữa, một tấm ảnh trắng đen nhạt nhòa, một lá thư, cánh thiệp úa vàng chẳng hạn. Có thể một ngày đẹp trời nào đó mang đến trao lại cho chủ nhân của nó, để đó cũng chẳng sao, có thể một ngày chúng ta nhìn nó sẽ không còn cảm giác nữa. Đó là những thứ đồ vật, hiện hữu, ta có thể nhìn thấy, cầm nắm nâng niu; còn những kỉ niệm tồn tại trong trí nhớ của ta, trái tim ta, những con đường, những dòng sông thì ta mang trả cho ai và gửi về đâu?

Thật dong dài khi bắt đầu muốn nói một điều gì đó: những con đường, những dòng sông và còn nhiều thứ nữa quấn quít quanh đây. Với những người từng sống ở Sóc Trăng thì đó là cả một khung trời kỉ niệm tuổi thơ êm đềm trôi qua với họ. Tôi đọc quyển sách của cụ Vương Hồng Sển về những con đường, phố chợ Sóc Trăng một thời xa xưa nghe là lạ, ấn tượng. Đó cũng là niềm xúc cảm để tôi hồi tưởng viết những dòng nầy, nhắc lại những con đường, những cây cầu mình từng đi qua, nhớ dòng sông tắm mát và nhớ những người quen biết xa xưa.

“Lúc ô tô chưa ra đời, thì con đường Đại Ngãi, khúc nối liền chợ Sóc Trăng ra chợ Văn Cơ (Trường Khánh) là đông người lai vãng và vui vẻ nhứt. Đường nầy thuở ấy đã được trải đá xanh bằng phẳng, hai bên đường trồng cây tràm lá xanh lơ thơ như liễu, mỗi cơn mưa tạnh hương hoa tràm tỏa ra thơm ngây ngất nhẹ nhàng, chiều chiều ông Tây bà đầm người nào thể thao thì tự cầm cương xe độc mã thùng bằng mây đan, người nào đài cát thì chễm chệ ngồi xe song mã, có phu xe cầm cương tróc roi nạt đường”. Đoạn mô tả trên của cụ Vương Hồng Sển có thể vào những năm 1920 – 1930, đúng là một con đường dành cho giới quý tộc một thời xa xưa. Thời chúng tôi con đường nầy rợp bóng mát, hai bên là tre trúc, ít xe qua lại, thanh vắng. Những ngày đi học, có tiết nào cô thầy vắng thì cả bọn rủ nhau lang thang trên đoạn đường nầy, không đi xe đạp, xe máy hoặc đi xe ngựa như thời xa xưa, chúng tôi đi bộ vòng quanh các ngõ vào trong xóm, ôi! toàn là tre trúc rợp mát cả lối đi. Thường chủ xướng các buổi đi chơi là các bạn nữ và cũng chắc có lẽ là các bạn nữ mới có đủ văn vẻ đặt tên cho con đường nầy là “ Con đường Thanh Trúc”, nghe sao thanh tao mà nên thơ quá. Con đường nầy ghi nhận biết bao nhiêu cuộc tình học trò ngây ngô dễ thương, có người mang con đường nầy qua tận xứ Mỹ để mà ngồi nhắc nhớ, thông thường chỉ người trong cuộc mới hiểu con đường nầy là con đường nào.

Sóc Trăng một thời tên gọi là Khánh Hưng thuộc tỉnh Ba Xuyên, giai đoạn lịch sử bắt đầu thời đó có người gọi là nền đệ nhất cộng hòa, lúc bấy giờ chính quyền sở tại bắt tay vào kiến thiết tỉnh lỵ. Trong những công trình cần thiết có khu thư giãn dạo mát cho công chức và nhân dân, từ đó khuôn viên Hồ Nước Ngọt được xây dựng. Tuy nhiên có giai thoại kể lại, vào năm 1959 ông Hoàng Mạnh Thường, tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ là một người Thừa Thiên. Xa quê hương, nỗi nhớ dạt dào, ở Sóc Trăng nhưng tâm hồn lúc nào cũng gởi về xứ Huế. Từ đó, ông đã cho xây hồ theo nguyên mẫu Hồ Tịnh Tâm trong Đại nội, Huế. Hồ được xây trên khoảng đất ruộng trống, diện tích hồ chừng hai hecta, khởi công đào bằng sức người, cuối năm 1960 thì hoàn thành và đặt tên là Hồ Tịnh Tâm. Thời đó những nhân công tham gia đào hồ được trả tiền công sòng phẳng, con đường rộng đi vòng theo bờ hồ chừng 400m, hai bên là hai hàng dương liễu, có các ghế đá để ngồi hóng mát, giữa hồ là ngôi nhà thủy tạ có cây cầu bắc qua tạo khung cảnh rất thơ mộng. Mặc dầu có tên là Hồ Tịnh Tâm nhưng đa số người dân địa phương gọi tên là Hồ Nước Ngọt. Về vấn đề nầy các bậc cao niên kể lại, thuở xa xưa người dân tại Sóc Trăng muốn có nước ngọt phải dùng ghe chài chở nước từ Đại Ngãi mang về mà dùng. Bởi vậy có câu thơ xưa người ta ngâm nga:

“Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn

Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài”

(Vàm Tấn là tên gọi Đại Ngãi thuở xưa). Thời đó vấn đề cung cấp nước ngọt cho người dân toàn tỉnh lỵ là cần thiết, do đó ngoài chức năng là nơi vui chơi thư giãn, Hồ Tịnh Tâm còn có hồ chứa nước ngọt thông qua một kênh đào dẫn nước ngọt từ Kế Sách về, từ hồ nước ngọt nước được bơm lên dự trữ ở hai hồ lớn của Ty cấp thủy. Sau khi lắng lọc làm sạch nước được cung cấp thông qua đường ống dẫn đến nhà dân để xài. Bởi vậy người dân Sóc Trăng quen gọi là Hồ Nước Ngọt.

Đối diện Hồ Tịnh Tâm là trường tiểu học Tịnh Tâm, bên phải đường vào hồ là bến xe Cần Thơ. Từ bến xe Cần Thơ phải vòng qua đường Tôn Thất Đạm (nay là Ngô Gia Tự) để đi lên cầu Thiên Hộ qua khu vực chợ Sóc Trăng. Cây cầu nầy làm bằng sắt lót gỗ có độ dốc cao để thuyền bè lớn đi ngang không bị cản trở. Xe đi ngang cầu được điều khiển bởi một người gác bằng tấm bảng xoay qua xoay lại ở giữa cầu. Trước năm 1970 các xe đò Coach, xe tải còn qua lại cầu nầy được, với thời gian các thanh gỗ hư không được thay thế hay tu bổ, xe qua lại rất nguy hiểm, nên sau này chỉ có xe gắn máy, xe đạp và người đi bộ qua lại cây cầu nầy. Đứng giữa cầu nhìn xuống nước cảm thấy run chân vì cầu quá cao. Hồi thời tôi còn nhỏ đã nghe trong giới học sinh đàn anh đàn chị nói đi nói lại hai câu thơ, ý nghĩa mượn độ cao của cầu Thiên Hộ để nói lên nét mỹ miều dễ thương của con gái Ba Xuyên:“Cầu nào cao bằng cầu Thiên Hộ

Gái nào ngộ bằng gái Ba Xuyên”

Sau nầy các bạn tôi (học sinh Hoàng Diệu) ứng dụng hai câu thơ nầy tùm  lum, đôi lúc qua trường khác, bị các cô phản phé lại, ví dụ như:

“Trai nào điên bằng trai Hoàng Diệu

Gái nào điệu bằng gái Ba Xuyên

Do cầu bị hư hỏng nặng, vào cuối thập niên 80 sang 90, cầu dở bỏ hẳn và thay thế bằng một cầu bê tông thấp hơn nhiều, tên cầu Thiên Hộ bị xóa sổ từ lúc nầy. Và khi xây cầu mới xong chính quyền đã mở đường thông qua đường Lê Lợi.

Dòng kinh Maspéro xuyên qua tỉnh lỵ qua hai cây cầu, cầu Thiên Hộ và cầu Quay, kinh chảy đến Đại Ngãi ra sông Hậu rồi đổ ra biển. Cây cầu Quay làm bằng sắt lót gỗ cũng được lấy tên Maspéro, (Maspéro một nhà địa chất học người Pháp), mỗi sáng quay sang một bên cho ghe tàu lớn đi qua. Năm 1968 cầu bị  hư hỏng nặng, sau đó được sửa chữa lại nhưng cố định luôn không còn quay được. Sau nầy giao thông đường bộ phát triển mạnh, cây cầu nầy được thay thế bằng cầu bê tông cho tới bây giờ. Dọc theo bờ kinh (mà ta quen gọi là sông) phía bên trường Dục Anh là dãy nhà thủy tạ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất là buổi chiều. Các nhà thủy tạ thời đó đa số là quán nhậu. Ngồi trong các nhà thủy tạ nhìn xuống dòng sông, nước trôi lững lờ mang theo các mảng lục bình tản mạn, chiều chiều các cô gái áo lụa, tóc dài dạo mát trên bờ, khung cảnh thật đẹp, nên thơ. Các tay nhậu thời đó đa số là các bậc thanh tao tài tử, uống vài cốc nhìn xuống dòng sông rồi nhìn lên bờ xuất khẩu thành thơ ngay:

“Cầu quay nước chảy lững lờ

Dưới sông cá lội trên bờ mỹ nhân”

Hồi đó đi theo các bậc đàn anh, tôi không tập được chất thanh tao tài tử mà tập được tính liều mạng. Cũng là kỷ niệm với con sông Cầu Quay, hôm đó một ngày đẹp trời bọn tôi không có giờ học, ba đứa tôi, Thành và Trung ngồi quán cà phê cạnh bờ sông phía đầu doi, bên kia sông phía nhà máy Quách Sên là nhà cô bạn cùng lớp. Từ bên nầy sông nhìn qua bên kia, góc nhìn rộng không chướng ngại vật, thấy rất rõ, nhưng từ sáng đến giờ đã hai tiếng đồng hồ trôi qua, sao không thấy cô ta ra khỏi nhà. Cái quán nầy mỗi sáng Chủ Nhật ba đứa luôn ngồi đây như chờ đợi điều gì nhiệm mầu, trời không phụ người hiền, thời may bên kia sông một tà áo tím xuất hiện với thau đồ đi về hướng cái cầu mé sông. “Cô ta ngồi giặt áo ở bờ sông”, nghe giống cải lương nhưng mà chuyện có thiệt. Đây là khu vực nước đổ ra ngã ba sông nên chảy siết rất nguy hiểm, không biết vì động lực nào tôi liều mạng nhảy xuống sông lội qua bên đó, còn rủ thêm thằng Trung cho vững tinh thần, nó chiều tôi, Thành thì ở trên bờ giữ đồ. Cũng rán muốn đứt hơi tôi và Trung mới lội qua tới bển, hai thằng cà chòi dưới nước rồi ngóc đầu lên gần cái thau, làm cho cô ta một phen la lên tá hỏa, tôi nói anh yêu em, nhưng chắc cô ta chẳng nghe được gì. Hôm sau vô lớp học, xấu hổ tôi cũng chẳng dám nhìn cô ta. Bây giờ, chúng tôi đều tóc bạc, thường gặp nhau, nhưng có ai nhắc nhớ chuyện cỏn con ấy làm gì.

Chuyện sông cầu Quay của tôi chỉ thế thôi. Hôm nay ngồi lai rai với anh Hợp, anh huyên thuyên kể chuyện tuổi thơ tắm sông cầu Bon, tôi hơi ngạc nhiên, vì lúc tôi biết nó đã quá cạn. Theo anh Hợp nói sông cầu Bon (Point) là  kênh đào dẫn từ Bải Xàu về Sóc Trăng đến đầu doi để ra sông cái. Những thập niên 50 dòng sông sâu nước chảy thông thương, nên anh Hợp nhảy xuống đó tắm là chuyện thường, sau này dòng sông hẹp, không sâu, con nước lớn tàu ghe ra vào thong thả nhưng nước ròng thường bị mắc cạn nhất là đoạn vào khu vực dãy vựa xuyên qua tỉnh lỵ. Dọc bờ sông, một bên là dãy vựa trái cây, bên kia là công viên có các băng đá để người ta ngồi hóng mát, hai bên lối đi có hoa kiểng, lối đi không tráng xi măng hoặc lót nhựa, mà phủ bắng loại đất đá bazan màu đỏ, giữa khu công viên có cây cầu tuột dành cho trẻ em vui chơi.

Giữa khu tòa án và dinh tỉnh trưởng cách nhau một con đường. Con đường nầy trồng nhiều cây phượng rợp bóng mát, về mùa hè phượng nở đỏ rợp, trông lãng mạn lắm, dân học sinh Hoàng Diệu thời chúng tôi đặt tên là “Con đường Giao Hạ”. Chắc hẳn ai là học sinh vào thời đó cũng có ít nhiều kỉ niệm về con đường nầy.

Con đường Trần Hưng Đạo thẳng Hai Bà Trưng đến Nguyễn Huỳnh Đức, sáng chiều đầu giờ vô học và cuối giờ tan học trải dài những tà áo trắng nữ sinh trông rất nên thơ đẹp mắt. Thập niên 60, 70 học sinh thường đi bộ, mặc dầu đoạn đường đến lớp có khi đến ba bốn cây số. Khu vực Hai Bà Trưng là khu buôn bán tập trung sầm uất.

Một nhân vật nổi tiếng trong giới điền chủ của những thập niên 30, sau này vẫn còn dư âm gọi là dân giàu xưa, đó là bà phủ An, có căn nhà lớn như một tòa dinh thự, nằm gần nhà lồng chợ kế rạp hát Thuận Hóa. Sở dĩ gọi bà phủ An vì bà là quả phụ Đốc phủ sứ Lê Văn An, ông phủ An mất sớm bà quán xuyến sự nghiệp trở thành người giàu nhất Sóc Trăng thời bấy giờ với hàng ngàn mẫu đất nằm bên bờ kinh xáng làng Hòa Tú.

Con đường Trần Hưng Đạo  chạy thẳng về hướng Bạc Liêu là bến xe Bạc Liêu rồi đến khu vực sân bay, dọc hai bên đường là khu hành chính công sở như tòa hành chính, ty quan thuế, nhà băng, ty điền địa, ty kiến thiết. Đặc biệt trên con đường nầy có ngôi nhà hình tròn nhỏ xinh xắn là thư viện tồn tại rất nhiều năm, đến thập niên 90 người ta mới dở bỏ và xây một thư viện mới.

Trên đoạn sông Cầu Bon có ba cây cầu: cầu Thuận Hóa đi từ lò bánh mì Nam Đô qua dãy vựa và rạp hát Thuận hóa, cầu Bon nối liền đường Trần Hưng Đạo với Hai Bà Trưng, trước khi xây cầu Thuận Hóa đã có cây cầu Đỏ gần đó đi qua dãy vựa, sau khi làm xong cầu Thuận Hóa người ta dở bỏ cây cầu Đỏ. Cuối cùng là cầu Giải Phóng nối liền phố chợ qua khu hành chánh. Những cây cầu nầy đều làm bằng sắt lót gỗ.

Do càng ngày dòng sông càng ô nhiễm, nhiều rác rến nước không lưu thông được, các nhà thủy tạ tồn tại không đẹp mắt gì, nên khoảng sau năm 1960 thì dở bỏ. Tuy dòng sông đã cạn đi nhiều nhưng vẫn còn một số ít ghe thuyền cố vào chuyển hàng buôn bán. Năm 1956 tỉnh lỵ bị một cơn bão lớn, cây cối ngã đổ rất nhiều, chính quyền sở tại lợi dụng tình thế này quyết định không cho ghe tàu vào đây nữa bằng cách bỏ nhiều gốc cây to xuống sông cầu Bon, vì thế nước nghẻn tắt không lưu thông, dòng sông càng ô nhiễm. Đến năm 1969 thì đoạn sông cầu Bon từ bến xe đến cầu Giải Phóng được lắp hẳn và giải tán luôn ba cây cầu nầy, còn lại cuối cùng là cầu Thuận Hóa, một thời gian sau nầy người ta cũng lắp thêm đoạn sông kế tiếp và dẹp nốt cây cầu nầy.

Ngã qua cầu Thuận Hóa từ đường Nguyễn Du là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (nay là 30/4). Thuở nhỏ sống ở Sóc Trăng, con đường để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất là con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi xưa gọi là Bãi Xàu dưới, con đường có cô Vĩnh Trường ở ngôi nhà cổ, đáng kính đáng mến; con đường cùng đi học với Tài, Lực; con đường tôi quen cô bé H.Liên học sau tôi hai lớp, gặp nhau nhìn đỏ mặt; con đường có buổi hẹn hò đi chơi bằng xe đạp, cô bạn cùng lớp bị té để lại vết sẹo, tới giờ còn nghe xót trong lòng; con đường tôi thân thiết chị Ngân, luôn mặc áo dài săn tay áo, có máu anh chị; con đường tôi thân thiết chị Hạ thùy mị đoan trang. Con đường xưa giờ thay đổi rất nhiều, dấu vết cũ không còn, những người quen biền biệt nơi xa nào đó khó mà gặp lại.

Ai từng sống ở Sóc Trăng, chắc chắn sẽ có ít nhiều kỉ niệm về những con đường những dòng sông. Cuộc sống hối hả, tốc độ phát triển đô thị hóa như vũ bão. Dấu vết của một thời trôi qua sẽ không còn. Những người cố cựu ở đây chết lần, hoặc theo con cháu tản mác ra đi nhiều nơi. Những lớp người mới do bối cảnh lịch sử đã đến đây dần dần trở thành dân Sóc Trăng. Nói như lời cụ Vương Hồng Sển: “Những kẻ từng chôn nhau cắt rốn ở đây trở thành kẻ tha phương, vì quay lại Sóc Trăng nhìn cái gì cũng lạ”. Nhưng nói gì thì nói, dân Sóc Trăng thứ thiệt gặp nhau biết liền, cái điều đặc biệt nhất là vô số những câu chuyện kể hoài không chán, đó là những câu chuyện về những con đường, về những dòng sông....