Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

LÀNG DƯỚI CHÂN NÚI

 


Lê Hoài Nam

Một hôm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Thành đưa cho tôi một tấm thiếp mời đám cưới. Nhìn dãy chữ ghi trong thiếp tôi hơi bị bất ngờ vì cô dâu là Đào Tuyết Nguyên. Nguyên yêu từ bao giờ mà đã cưới nhỉ ? ....
- Đi chứ ? - Đặng Thành thăm dò.
- Thì còn làm sao khác được – Tôi đáp.
- Tôi biết ngay là ông sẽ xử sự như thế - Đặng Thành nhìn tôi cười, một điệu cười nửa bao dung nửa giễu cợt, nói tiếp – tôi thì không thể không đi vì Nguyên nó là học trò của tôi. Còn với ông, Nguyên là một nhân vật văn học hay là gì nhỉ?
Nếu Nguyên là một nhân vật văn học như Đặng Thành nói e chưa chuẩn. Thời buổi thương trường và tốc độ này, nhân vật văn học phải là những người có góc cạnh, dám dấn thân, phải làm một cái gì đó gây chấn động… thì mới thu hút được độc giả chứ. Còn Nguyên, cô không có gì thật đặc biệt. Cô chỉ là thiếu nữ nông thôn 22 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng hẻo lánh dưới chân núi, rất cách biệt với các ngôi làng khác, còn với thành phố thì nó vời vợi xa; cô giản dị, hiền hậu, khiêm nhường lắm. Vậy mà ngay buổi đầu gặp mặt – cái hôm cô tìm đến cửa hiệu của nghệ sĩ Đặng Thành xin làm môn đệ nghệ thuật nhiếp ảnh – tôi đã không thể không ngắm nhìn cô. Cô có một vẻ đẹp rất trong trẻo, gây cho tôi có cảm giác con người cô có khả năng toả ra một thứ mùi hương của thảo mộc nơi miền thảo nguyên quê hương cô. Nhìn vào cặp mắt và đôi bàn tay của cô, không hiểu sao tôi rất tin nếu học xong chương trình nghệ thuật nhiếp ảnh, cô ở lại hành nghề với nghệ sĩ Đặng Thành thì cửa hiệu trong thành phố của anh sẽ đông khách lên gấp bội. Đấy ! Những gì tôi dành cho cô chỉ là những ý nghĩ như thế. Và dường như không lâu và không khó khăn lắm, cô đã cảm nhận được tình cảm đó ở tôi. Để đáp lại, thỉnh thoảng cô ghé vào cơ quan thăm tôi; mỗi lần đến, cô chỉ nói với tôi đúng một câu "Cháu đến thăm chú". Còn tôi thì hoá thành trẻ con, miệng liến láu huyên thuyên xích đế đủ chuyện. Nguyên còn trẻ thế nhưng tôi có cảm giác cô nghe được mọi âm điệu trong giọng nói của tôi. Cô dành cho tôi một mối cảm thông sâu sắc. Tôi chỉ lo đến ngày cô học xong, tôi không còn được nhìn thấy cô nữa.
Nơi tôi và nghệ sĩ Đặng Thành sống là một thành phố khá đông người. Vậy mà mấy năm nay trong tôi xuất hiện tâm trạng cô đơn đến khó tả. Càng lớn tuổi thì tâm trạng ấy càng trở nên hiện hữu và nặng nề. Có những người tôi sống cạnh họ hàng chục năm mà không sao trở nên thân thiện được. Có những người tôi dang rộng vòng tay mở rộng lòng hải hà giúp đỡ họ tận tâm như một ông thầy cao thượng với đứa học trò cá biệt, nhưng khi anh ta gặt hái được một chút thành quả thì anh ta lại giơ nanh giơ vuốt, gồng mình lên nhằm bẻ gập cổ tôi xuống để anh ta ngồi lên đầu. Lại có kẻ mang danh người của giới văn chương nhưng khi hắn xộc vào phòng tôi thì hắn hiện nguyên hình là một tên maphia đời mới, tên tống tiền thời hiện đại. Thoạt đầu hắn phỉnh nịnh tôi bằng những lời lẽ hoa mỹ, gọi tôi là "Bá tước nhà văn", nhưng khi hắn ra điều kiện, tôi không có khả năng đáp ứng thì hắn quay ngoắt 180 độ ban phát cho tôi những biệt danh thậm tệ nhất. Hắn đi khắp nơi đơm đặt dựng chuyện, kích động mấy tay đánh bả gà, bả chó viết đơn kiện cáo rất thô bỉ. Tiếng xấu về tôi loang đến Thủ đô, loang cả vào Sài Gòn; đến độ mấy người bạn văn vốn tri kỷ tri âm với tôi cũng phải hoài nghi, dè dặt, ứng xử với tôi như với một kẻ vừa mới ra khỏi nhà lao. Vậy nên chỉ một chút gì đó bảng lảng như sương như khói nhưng rất người ở Đào Tuyết Nguyên dành cho tôi, tôi cũng bám lấy, giữ chặt lấy làm điểm tựa tinh thần. Tôi đi đám cưới cô không một chút tính toán là vì nhẽ ấy.
***
Đặng Thành và tôi, mỗi đứa một xe máy phóng ra khỏi thành phố từ sáng sớm tinh mơ. Đi được khoảng 50km thì đã thấy những dãy núi đá ở vùng cao Nho Quan sừng sững hiện ra trước mặt. Đặng Thành vãy tay ra hiệu cho tôi dừng ở một quán nước ven đường giải lao. Bưng chén trà nhấp một ngụm, Đặng Thành bảo:
- Ở thành phố thì ông và tôi cũng thuộc loại "Vua biết mặt Chúa biết tên", đi một bước cũng có kẻ đưa người đón, lên xe xuống ngựa, ấy vậy mà đùng một cái hùng hục cắm cổ phóng xe máy vào tận cái nơi rừng thiêng nước độc này dự đám cưới của một cô bé nhà quê vô danh tiểu tốt. Hay là ông với tôi mới bị hâm hâm, chập mạch?
- Tôi lại thích cái chuyến đi có vẻ hâm hâm, chập mạch này đấy – tôi nói – ông hãy quan sát xem, vùng này có gì đó rất thơ mộng, huyền bí, rất giống không gian trong các tác phẩm "Núi đồi và thảo nguyên" của T. Aimtôp.
Đặng Thành quan sát một hồi, tỏ ra đồng cảm với nhận xét của tôi. Anh đưa máy lên, dọi ống kính về phía vách núi có những khóm phong lan hoa vàng nháy một kiểu ảnh. Rồi anh lại dọi ống kính xuống một cái hồ nước rất trong có nhiều rong rêu và cây lá tang, nháy tiếp một kiểu nữa; kiểu ảnh này chụp một chùm hoa súng có màu sắc rất lạ: tím pha vàng. Tôi đoán có lẽ chỉ ở vùng hồ dưới chân núi đá vôi già mới có màu hoa súng này. Đặng Thành vội bỏ máy vào bao nói:
- Tôi chưa đến cái làng của Nguyên, nhưng chỉ nghe cái tên làng Hoảng đã thấy có cái gì chờn chợn ông ạ. Làng có nguồn gốc đâm thuê chém mướn hoặc hổ vồ, voi xéo chăng? Nghe Nguyên kể thì làng cô nằm dưới chân núi đá, nghèo lắm. Nhà Nguyên càng nghèo. Bố nó bỏ mẹ nó, đi lấy vợ hai và sống ở nơi khác. Một mình mẹ nó nuôi ba chị em nó - Đặng Thành ngừng một lát như ngẫm ngợi điều gì đó rồi nói tiếp – Tôi lại có một chút kinh nghiệm khi đi đám cưới ở nông thôn bây giờ: tất cả những sơn hào hải vị đều do người nông thôn làm ra, nhưng những gì ngon lành nhất họ đều đem bán cho dân thành phố chúng ta xơi, còn họ chỉ xơi những thứ mà chúng ta không xơi được. Nói thật nhé, cỗ cưới ở nông thôn bây giờ loanh quanh cũng chỉ có mấy món: Thịt lợn tăng trọng, gà công nghiệp, cá trắm cỏ…Giao kèo thế này: ta chỉ vào mừng đám cưới của Nguyên xong là về thị xã ăn cơm. Vậy nhé!
Vốn là người khảnh ăn nên tôi cũng đồng tình với sáng kiến của Đặng Thành. Chúng tôi lại lên xe đi tiếp. Qua thị trấn Nho Quan, chúng tôi còn phải đi sâu về phía rừng gần chục cây số nữa mới đến cái làng Hoảng của Đào Tuyết Nguyên. Đó là ngôi làng nhỏ với những nếp nhà tường xây bằng đá ong hoặc gạch ba banh, lợp ngói tây, nằm trong những lùm cây dưới chân một quả núi đá cao sừng sững. Cứ quan sát con đường đất rất ít vết xe cơ giới cũng đủ biết làng này không có những mối bang giao rộng rãi, các vị khách có máu mặt không mấy khi lai vãng đến đây.
Không khó khăn lắm chúng tôi đã nhìn thấy đám cưới của Nguyên: trong một ngôi nhà tường đá ong, lợp ngói, thấp lè tè, nhưng không có vẻ gì là luộm thuộm. Đám cưới con nhà nghèo, chỉ có vài chục người trong họ hàng và bạn bè của Nguyên ngồi quây quanh những dãy bàn gỗ mộc kê ở ngoài sân. Bên trên treo tấm phông có dán hình cô dâu chú rể. Loại khách sang nhất có lẽ chỉ có tôi và Đặng Thành. Mọi người tỏ ra thân thiện với chúng tôi nhưng họ có vẻ tự trọng, không vồ vập. Nguyên đang trang điểm trong buồng, nghe tin chúng tôi đến, cô ra cửa nói: "Cháu chào và cảm ơn hai chú. Cháu mong hai chú từ sáng tới giờ. Hai chú ngồi uống nước. Cháu trang điểm chút nữa là xong". Quan sát mọi người một lát tôi quay sang hỏi Đặng Thành:
- Ông có nhận xét gì về đàn bà con gái ở làng này?
- Họ đẹp quá – Đặng Thành nói – Mình cứ tưởng đẹp như cô bé Nguyên đã là nhất cái làng ở chốn sơn lâm cùng cốc này. Vào đây lại thấy nhiều cô còn đẹp hơn.
- Lạ thật! – Tôi nói - Một cái làng nghèo thế này mà sao con gái đẹp đến vậy, đẹp một cách đoan trang, thanh lịch. Hay tại chất đất và nguồn nước ở đây có gì đặc biệt?
- Có thể lắm, ta sẽ tìm hiểu sau. Nhưng nghe Nguyên nói thì ở làng này cô gái nào càng đẹp thì càng bất hạnh. Nếu lấy chồng đẹp trai hoặc có tí chức tước, trước sau cũng bị chồng bỏ. Muốn có chồng lâu bền phải lấy người càng xấu trai càng tốt.
Mẹ của Nguyên ra tiếp chúng tôi. Đó là một người đàn bà 45 tuổi mà trông già như 65 tuổi. Cũng phải thôi, mình bà nuôi ba đứa con ở chốn quê nghèo này. Nguyên là cả, học được hết lớp 12. Đứa em trai kế Nguyên và đứa em gái út chỉ học hết lớp 9 là bỏ. Nguyên vay tiền bạn bè ra thành phố học nhiếp ảnh là những muốn sau này khôi phục việc học hành cho các em. Đặng Thành chỉ lấy cô một nửa học phí so với các học sinh khác. Tôi cứ ngắm dung nhan bà mẹ của Nguyên và nhận ra ẩn trong cái vẻ lam lũ, khắc khổ, già trước tuổi vẫn sót lại những nét óng ả của một thiếu nữ đẹp ngày xưa. Tôi thấy tiếc cho ông bố Nguyên, hà cớ gì lại bỏ rơi người đàn bà đoan trang này? Đặng Thành thì hỏi thẳng cái điều anh băn khoăn:
- Anh ấy có về dự đám cưới con gái không?
- Chiều hôm qua - Mẹ Nguyên đáp – Tôi và cháu Nguyên đạp hơn hai chục cây số lên chỗ ông ấy ở, mời ông ấy và mời cả cô vợ kế của ông ấy nữa. Đến giờ này mà không thấy đâu, nghĩa là họ không về. Nhưng mà không sao đâu, các anh quá bộ về đây là mẹ con chúng tôi vui lắm rồi, còn vui hơn sự có mặt của ông ấy. Chẳng giấu gì hai anh, nhiều lúc tôi cứ boăn khoăn tự hỏi, không biết từ thời thượng cổ, dòng tộc nhà tôi các cụ có ăn mặn gì không mà đến thời hậu sinh con cháu lại khát nước thế này ! Mẹ tôi đang ngồi kia - chị chỉ tay về phía một bà già đang ngồi trên giường nhai trầu, trông gương mặt và dáng người của bà rất giống chị và Nguyên - lấy bố tôi được đúng sáu năm, mới sinh được có mình tôi thì bố tôi bỏ mẹ con tôi đi lấy vợ khác. Cái bà vợ hai của bố tôi trông đen đúa, mặt choắt, mồm vêu vao, xấu xí hơn mẹ tôi nhiều. Đến đời tôi, vợ chồng đã có với nhau đến ba mặt con, tưởng chừng không bao giờ có thể chia lìa được nữa, ấy vậy mà chồng tôi đột ngột bỏ đi theo một người đàn bà rất lăng loàn. Tôi không bao giờ tự cho mình là người đàn bà đẹp, nhưng cái cô vợ kế của chồng tôi thì không thể bén cái gấu quần của tôi được. Vậy mà chồng tôi cứ lao theo cô ta như bị ma ám, như bị bỏ bùa. Tôi biết chắc bố đẻ tôi, chồng tôi lao theo những bà vợ hai của họ không hẳn vì tình yêu, cũng chẳng phải vì tiền tài. Nó là cái gì đó như là định mệnh, là nghiệp chướng, là cái sự có vay có trả của kiếp luân hồi.
Tôi nói:
- Lịch sử làng Hoảng này có gì phức tạp không chị?
- Chẳng có gì khuất tất cả - Chị đáp - gọi là Hoảng vì xưa kia cứ ai đó bị chế độ phong kiến nó bóc lột, nó hiếp đáp không chịu được thì dạt về đây tìm kế sinh nhai, rồi thành làng. Mọi người yêu thương nhau lắm. Vậy mà không hiểu sao đàn bà con gái ở làng này chẳng ai sung sướng cả.
- Chị ơi – Tôi nói – trong ngày vui của cháu Nguyên, xin chị đừng nói những chuyện buồn đó nữa.
- Phải, đúng ra thì tôi không nên nói - Chị gạt nước mắt – nhưng tôi sợ vẫn có sự liên quan vô hình giữa mẹ tôi, tôi và con Nguyên đấy. Thú thật với hai anh, con gái làng này từ xưa đến nay ít người lấy được chồng khá giả. Cũng may cho con Nguyên, nhờ việc ra thành phố chỗ hai anh học nghề nhiếp ảnh mà một lần đi về qua thị xã nó quen được một anh chủ thầu xây dựng, chúng nó yêu nhau gấp gáp, đòi cưới cũng gấp gáp. Mọi sự gấp gáp ấy làm tôi sợ. Trộm vía cháu, tôi rất lo số phận nó lặp lại số phận của tôi và của mẹ tôi.
Đào Tuyết Nguyên đã trang điểm xong, cô bước ra sân tươi tắn và tinh khôi trong bộ độ cưới màu trắng. Mẹ cô vội quay mặt bước vào nhà để con gái không nhìn thấy gương mặt chị đầy nước mắt. Tôi và Đặng Thành đứng lên ngắm Nguyên một thoáng và cùng khen "Cháu đẹp lắm". Chúng tôi tặng quà mừng xong định nói lời chia tay thì Nguyên ngăn lại:
- Cháu mời hai chú sang nhà bên ăn cơm. Mâm đã bưng rồi, mọi người đang chờ hai chú.
Thấy tôi và Đặng Thành còn lưỡng lự. Nguyên bảo:
- Hôm nay đám cưới cháu mà bố cháu không về. Cháu muốn hai chú coi cháu như con gái. Hai chú ăn cơm xong còn phải tiếp chuyện họ nhà trai kia mà!
Nguyên đã nói đến thế thì chúng tôi còn thoái thác làm sao được nữa, chúng tôi theo cô sang nhà bên cạnh. Một mâm cỗ đã sắp sẵn trên bộ bàn ghế mộc mạc. Hai người anh họ xa của Nguyên ngồi tiếp chúng tôi. Mâm cơm có thịt lợn nướng, thịt bò xào cần tây, gà ri luộc, giò lụa, canh măng thịt ngan, cá trê nấu dưa. Khi ăn, dần dần chúng tôi nhận ra các món ăn này toàn đồ "sịn" chứ không phải loại "tăng trọng" như chúng tôi dự đoán. Đặng Thành khen đủ các món rồi nói với hai người anh họ của Nguyên:
- Các món đều rất ngon, còn hơn ở nhà hàng, khách sạn là đằng khác. Cỗ cưới ở làng ta đều làm những món như thế này sao ?
- Cũng tuỳ thuộc điều kiện của từng nhà - Một người anh họ của Nguyên nói – có đám chỉ toàn thịt lợn, thịt gà tăng trọng thôi. Gia đình chúng tôi tuy nghèo nhưng con bé Nguyên nó lại không chịu bộc lộ cái nghèo trong đám cưới của nó. Các món này là tự nó đi mua và nấu nướng cả đấy. Thịt lợn, thịt gà đều là nuôi bằng thức ăn thiên nhiên. Riêng món giò lụa là giã bằng thịt nạc lợn ỷ. Cả tỉnh này chỉ còn mỗi làng tôi là còn nuôi giống lợn ỷ bằng cám gạo, rau, khoai.
- Ăn thức ăn sạch thế thảo nào đàn bà con gái làng này bà nào cô nào cũng dễ coi - Đặng Thành tán thật lòng.
Bữa ăn vừa xong thì Nguyên chạy vào thông báo họ nhà trai đã đến đón dâu. Chúng tôi vừa bước ra ngõ đã thấy một chiếc xe con và một chiếc xe ca tiến vào đỗ ở đầu làng. Mọi người xì xào: Đào Tuyết Nguyên là cô gái đầu tiên ở làng Hoảng này lấy được chồng thị xã, đám cưới có những hai xe ô tô đón dâu.
Trong đoàn người của họ nhà trai đang bước qua ngõ vào sân, có một người tách ra bước nhanh đến trước Nguyên và trao cho cô một bó hoa. Khi Nguyên khoác tay người con trai ấy đi vào trong sân thì Đặng Thành trợn tròn mắt quay sang nói với tôi: "Chẳng nhẽ người ấy là chồng Nguyên ?". Tôi cũng ngạc nhiên không kém Thành, bởi chàng trai mặc bộ comple màu lông chuột, thắt chiếc cà vạt màu xám ấy đứng với Nguyên, anh chỉ cao ngang cằm cô. Nguyên cao 1m60. Anh ra chỉ cao khoảng 1,45m. Da anh chàng thì đen xắt xeo. Hai mắt hiếng nặng. Hai chân vòng kiềng. Chúng tôi gắng gỏi đánh thức hết cái tâm của những người làm nghệ thuật để ngầm bênh vực cho chàng trai có hình thức không may mắn kia, nhưng không hiểu sao cả tôi và Đặng Thành từ lúc ấy trở nên buồn thiu, không sao gượng cười được. Chúng tôi buồn về một sự không tương xứng hay một vẻ đẹp đang bị rẻ rúng ? Có lẽ cả hai.
Đào Tuyết Nguyên thì cứ hồn nhiên, vui vẻ, như chẳng có điều gì xảy ra. Cô ngồi bên chồng, tay khoác vào tay chồng, rất âu yếm. Còn mẹ cô thì dường như đã để ý, đọc được tâm trạng của Đặng Thành và tôi; chị đến ngồi đối diện với chúng tôi và nói:
- Sau hôm hai đứa đưa nhau về đây xin ý kiến tôi, tôi nói với cái Nguyên: "Chỉ tiếp xúc một lát, mẹ biết câụ kia rất si mê con. Còn con, con có yêu cậu ấy không?". Cái Nguyên nói: "Hình như… con cũng yêu anh ấy" – "Sao lại là hình như ! Con phải nói thật xem nào, yêu hay không?". Sở dĩ tôi cứ phải hỏi xoắn xuýt như thế vì tôi thấy hai đứa đứng cạnh nhau có gì đó không ổn. Cuối cùng thì nó bảo: "Con sẽ lấy anh ấy. Bởi vì anh ấy không có nét nào giống ông ngoại, giống bố - cả về hình thức lẫn tình cảm. Vì con sợ, con phải sống như bà ngoại, như mẹ. Cuộc sống của bà ngoại, của mẹ đã làm con kinh hãi lắm rồi". Lần đầu tiên nghe nó nói thế, tôi bỗng giật mình, toát mồ hôi: "Ừ nhỉ, bố tôi và chồng tôi rất điển trai, mặt trắng trẻo, miệng lúc nào cũng cười tươi, nói năng trơn chuội..."
- Thôi chị ạ ! Các cháu nó đã quyết lấy nhau, hôm nay là ngày vui của chúng nó, chúng ta không nên bàn ra tán vào nữa.
Tôi và Đặng Thành đều nói với mẹ của Nguyên như thế. Nhưng đến cái phút cô dâu chú rể, một cao một thấp, một trắng một đen khoác tay nhau bước lên xe hoa, lòng chúng tôi lại nao nao buồn như vừa đánh rơi một cái gì đó thật quí giá.
Tháng 10/2003