Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

HỎA HỒNG NHỰT TẢO

TRẦN LA BÌNH

Sông Cái là phụ lưu bên phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Chỗ vàm sông Cái gặp sông Vàm Cỏ Đông được gọi là ngã ba Nhựt Tảo. Tại ngã ba nầy, xã Nhựt Tảo nằm bên tả ngạn và xã Bình Trinh Đông nằm bên hữu ngạn sông Cái. Xã Nhựt Tảo về sau sáp nhập với hai xã An Lái và Tân Minh thành một, tên mới là xã An Nhựt Tân. Ở đây có hai bến đò, một bến đò ngang sông Vàm Cỏ Đông nối liền Nhựt Tảo với xã Long Can, một bến đò ngang sông Cái nối liền Nhựt Tảo với xã Bình Trinh Đông. Dòng sông Cái êm đềm chảy uốn éo dịu dàng như con rắn nước khổng lồ bò giữa cánh đồng lúa xanh rì mênh mông của các xã An Nhựt Tân, Bình Trinh Đông, Bình Định, Bình Lãng, Lạc Tấn... Lưu vực sông Cái là vùng đồng bằng rộng lớn nằm giữa hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Càng chảy vào xa, dòng sông Cái càng hẹp dần lại. Có nhiều con rạch nhỏ tử hữu ngạn sông Cái vươn đi khắp vùng tạo thành một mạng lưới sông rạch chằng chịt bồi đắp phù sa cho những cánh đồng thêm trù phú phì nhiêu. Trong số những con rạch đổ nước vào sông Cái có thể kể: rạch Cầu Voi nối sông Cái đến quận Thủ Thừa, qua chợ Ông Huyện, chợ Cai Tài, ngang quốc lộ số 4 ở Cầu Voi. Khoảng gần chợ Cai Tài có tẻ một nhánh rạch nhỏ thông với sông Vàm Cỏ Tây gần thị xã Tân An; một rạch khác làm ranh giới thiên nhiên phân chia hai xã Nhơn Thạnh Trung và Huê Mỹ Thạnh, đầu ngọn rạch có công Ông Liễu. Rạch Xã Dịch thuộc xóm Bình Huê. Rạch Cầu Đình nối từ sông Cái đến gần hương lộ thuộc xã Lạc Tấn, khoảng giữa rạch có một ngôi đình cổ kính và một chiếc cầu bắc ngang rạch gọi là cầu Đình. Cũng nằm ở hữu ngạn sông Cái về phía hạ lưu, cách vàng rạch cầu Đình hai cây số và vàm rạch Tam Bôn, chạy giữa hai xã Lạc Tấn và Bình Lãng. Cách đầu vàm Tam Bôn chừng một trăm là đầu vàm kinh Ông Hống. Đây là con kinh do ông Hống, một nông dân phú hộ, bỏ tiền ra huy động dân đinh trong vùng đào nối liền sông Cái với Vàm Cỏ Tây. Với con kinh đào nầy, ông Hống có thể vận chuyển lúa gạo dễ dàng từ nhà ông ở xã Bình Lãng ra sông Vàm Cỏ Tây giúp chúa Nguyễn nuôi quân mưu đồ đánh Tây Sơn. Kinh nầy là đường thủy gần nhất và dễ lưu thông nhất nối liền Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Cách vàm kinh Ông Hống độ một cây số về phía hạ lưu cũng bên hữu ngạn sông Cái là con rạch Nước Mặn. Rạch này chảy sâu vào đồng bằng qua các xã Bình Tịnh, Bình Trinh Đông, tới quận lỵ Tân Trụ rồi đến các xã Nhựt Ninh, Tân Phước xa xa. Tôi không biết tại sao chỉ con rạch nầy được gọi là rạch Nước Mặn trong khi mỗi năm vào mùa nắng, cả sông Vàm Cỏ Đông, sông Cái và các con rạch kể trên nước đều mặn vì vùng nầy không cách cửa biển bao xa.
Hồi đầu thập niên năm mươi tôi mới chưa đầy mười tuổi, em tôi nhỏ hơn tôi ba tuổi. Cái thú của anh em tôi lúc đó là lén cha mẹ xuống bến tháo dây xuồng chống ra sông bơi đi chơi. Mới đầu chúng tôi chỉ bơi xuồng đi tới đi lui ở khúc sông sau nhà, tìm hái trái cám dây vì giữa trái cám non có "con cá" trắng phếu ăn vừa dòn vừa ngọt ngon vô cùng. Sau đó anh em tôi bơi xuồng ra tận đầu vàm Tam Bôn, cặp xuồng lại mấy cây bần ven sông để hái trái. Trái bần dốt hoặc chín ăn rất ngon, có vị chua chua thanh tao đậm đà. Còn bần non thì chát ngầm, không ngon chút nào. Biết vậy nhưng khi cặp được xuồng vào gốc bần nào là hai anh em tôi đều hái hết ráo, bất kể trái non trái già cho đến khi cây bần không còn trái nào mới thôi, xô xuồng bơi ra xa vừa bơi vừa lựa bần chua ăn rất khoái chí.
Xuôi theo sông Cái, tôi bơi lái, em tôi bơi mũi, có khi chúng tôi bơi xuồng ra tới tận Nhựt Tảo. Đây là điều cha mẹ tôi không bao giờ ngờ được vì lúc đó tụi tôi còn quá nhỏ. Cây giầm quá dài so với tôi và nhứt là so với em tôi. Ngồi trên xuồng, mỗi đứa cầm một cây giầm cán dài cao lêu nghêu. Tuy vậy chúng tôi vẫn điều khiển chiếc xuồng thành thạo, không hề bị lảo đảo hay xà quây bao giờ. Dọc theo sông, thỉnh thoảng chúng tôi gặp mấy chiếc ghe chèo ngược chiều. Họ thấy anh em tụi tôi bơi xuồng thì rầy la dữ lắm vì sợ rủi ro té xuống nước chết chìm uổng mạng. Mỗi lần bị rầy, thằng em tôi nín khe, cứ thọc giầm xuống nước bơi đều đều, còn tôi thì cười tủm tỉm đáp lại. Tôi biết họ rầy là vì tình thương yêu, lo lắng nên mỉm cười cho họ an lòng và cũng có đáp rằng: "đừng lo, anh em tôi lội như rái". Sống ở vùng sông nước, anh em tôi cũng như đám bạn, đâu có đứa nào không biết lội. Từ khi biết chạy biết nhảy là chúng tôi đã bày trò rượt bắt dưới bến nước, cho nên đứa nào dở lắm cũng chỉ uống nước sông vài ba lần là lội được, khỏi cần cho chuồn chuồn cắn rún. Tôi nhớ hồi mới biết lội, thằng em tôi chỉ lội đứng. Nó cố gắng lắm mới ngửa được cái mặt lên khỏi mặt nước, đầu nó nhúc nhích như trứng vịt lộn thả trong thau nước. Nó lội đứng chậm rì, vừa lội nó vừa sặc nước khì khịt còn mắt thì chớp lia lịa, trông vừa đáng thương vừa tức cười. Nhưng sau đó không bao lâu thì nó lội không thua gì tôi. Chúng tôi có thể lặn hụp dưới sông cả buổi hay bơi ngang sông Cái mà vẫn khỏe re.
Nhà tôi ở rạch Tam Bôn, muốn ra Nhựt Tảo chơi, anh em tôi phải chờ con nước ròng bơi xuồng nước xuôi cho khỏe. Ra tới vàm Tam Bôn, xuồng tôi xuôi theo dòng sông Cái có nhiều khúc quanh. Ở khúc quanh, bờ sông phía bên đất nhô ra gọi là doi, bờ phía bên đất lõm vào gọi là vịnh. Hồi đó tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã thuộc nằm lòng cái kinh nghiệm của ông cha truyền lại, đó là "nước lớn chảy doi, rước ròng chảy vịnh". Nghĩa là ở những khúc sông cong, nước lớn chảy thẳng từ doi này sang doi kia, còn nước ròng thì dòng nước chảy mạnh ôm theo vịnh. Biết kinh nghiệm này thì chèo ghe đi sông mới đỡ mệt. Chẳng hạn đi nước xuôi thì theo dòng chảy của sông dù nước lớn hay ròng; còn đi nước ngược thì tránh dòng nước chảy bằng cách cặp theo vịnh khi nước lớn và tắt ngang doi khi nước ròng.
Trời về trưa nắng càng nóng, đang con nước ròng nên trời đứng gió, không khí oi bức thêm. Dòng sông vắng lặng, chỉ có tiếng giầm anh em tôi khuấy nước nhè nhẹ. Thỉnh thoảng có tiếng vài ba con cá đớp móng rồi vội vã quẩy đuôi lặn xuống nước trước mũi xuống. Xa xa nơi nhánh bần ghe ra sông, một con chim thằng chài mỏ đỏ lông xanh lao mình thật nhanh xuống nước bắt cá rồi bay trở lên đậu lại chỗ cũ để xốc nuốt con cá nó vừa gắp được. Ngồi sau lái tôi nhìn cái lưng thằng em loang loáng mồ hôi mà thương. Mỗi lần cao hứng đi chơi như vầy, anh em tôi chỉ mặc quần xà lỏn mà không áo và cũng chẳng nón. Ăn bận đơn giản như vậy tiện ở chỗ khi nào nóng quá, tui tôi chỉ việc nhảy đùng xuống sông tắm đã đời rồi leo lên xuồng bơi đi tiếp. Thằng em tôi vốn dĩ lười biếng nhớt thây, ít khi chịu làm việc gì tới nơi tới chốn khi bị sai, nhưng nó rất siêng bơi xuồng đi chơi. Có lẽ trong đầu óc non nớt của nó đã sẵn mầm mống ưa thích phiêu lưu chăng?
Phải bơi xuồng qua sáu khúc quanh của sông Cái, tức phải bơi ôm lần lượt qua sáu cái vịnh, anh em tôi mới tới ngã ba sông Nhựt Tảo. Cho xuồng ghé vào bờ trái sông Cái, dừng lại nơi bến đò chợ có cây cầu dừa bắc nằm dầm từ mí nước lên bờ. Cột dây xuồng thật chặt vào cây giầm cắm xuống bãi bùn xong, anh em tôi thong thả lần từng bước theo cây cầu dừa đóng rong trơn trợt để lên chợ. Một vài bà đi chợ trễ khệ nệ bưng thúng và xách mấy giỏ đệm nặng trĩu xuống ghe.
Chợ Nhựt Tảo hồi đó chỉ có hai dãy phố chợ nhà lá, mỗi bên có hơn mười căn. Giữa hai dãy phố là con đường và cũng là sân nhóm chợ. Từ bến đò chợ đi thẳng lên là tới sân chợ. Đây là một cái chợ miền quê với đầy đủ đặc tính của nó. Kẻ mua người bán đều là nông dân. Nông dân đem ra chợ bán những thứ dư thừa của nhà mình như rau cải, bầu bí, gà vịt, cá tôm... và cũng nông dân đi chợ mua những thứ hàng hóa quen thuộc đó khi mình thiếu. Vì là chợ quê nên người ta họp chợ mua bán khi trời chưa sáng, đến khi mặt trời mọc là chợ tan để nông dân còn về lo việc đồng áng.
Qua khỏi sân chợ một đỗi là con lộ trải đá đỏ chạy về hướng tây. Đây là hương lộ nối liền chợ Nhựt Tảo với tỉnh lỵ Tân An, dài hơn mười cây số. Từ đầu lộ đá đi về hướng đông chừng hơn một trăm thước là tới bến đò ngang Vàm Cỏ Đông sang sông qua bến đò xã Long Can. Khu đất rộng hơn một mẫu nằm tại ngã ba sông được giới hạn bởi bờ sông Cái, bờ sông Vàm Cỏ Đông và chợ Nhựt Tảo là một khu đất cao bỏ trống, mọc toàn cỏ ống. Giữa đám cỏ, sát bên lối mòn từ đầu lộ đá xuống bến đò là ngôi miễu thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực và các nghĩa quân đã hy sinh trong trận đánh chìm chiếc tàu Espérance của giặc Pháp năm xưa tại ngã ba sông nầy.
Nền miễu rộng bằng hai chiếc chiếu. Nóc miễu cao hơn tay với của người lớn không bao nhiêu. Ba mặt tây, nam, bắc của miễu được xây tường kín lên tới mái. Mặt tiền của miễu quay về hướng đông, nhìn ra bờ sông Vàm Cỏ Đông, nơi xảy ra trận đánh. Trong miễu có lư hương, đèn nhang và các món đồ cúng tế khác. Hai cột gạch ở mặt tiền ngôi miễu có khắc hai câu đối bằng chữ nho. Nền câu đối sơn màu đỏ, còn chữ nho khắc lõm sơn màu đen. Mái lợp ngói âm dương. Nhìn mái mọc đầy rêu và mấy bức tường loang lổ cũ kỹ cũng đủ biết ngôi miễu này đã được xây cất từ lâu lắm. Cách miễu chừng hai thước về phía đầu sông hướng bắc có một cây sung cổ thụ, gốc sần sùi rất lớn phải hai người ôm. Có lẽ vì bị mé nhánh nhiều lần nên ngọn sung không cao lắm và tàn cũng không lớn, chỉ đủ che mát ngôi cổ miếu trông trang nghiêm nhưng không quá u tịch. Vào những buổi trưa hè, anh em tôi cùng một số trẻ mục đồng khác thường tu tập dưới gốc sung nghỉ ngơi. Từng luồng gió chướng thổi mạnh từ mặt sông Vàm Cỏ Đông rộng bát ngát gây cảm giác mát dịu, khoan khoái.
Ngôi miễu được ông từ lo việc nhang khói quanh năm. Nhà ông từ gần dãy phố chợ. Ông năm đó tuổi đã lục tuần mà trông còn quắc thước, mặt vuông, mắt sáng, mày rậm, mũi thẳng, chòm râu bạc buông dài tới ngực. Mỗi lần gặp ông, chúng tôi thường được nghe ông kể chuyện đời xưa rất hay. Sau mỗi câu chuyện kể, ông thường có lời khuyên dạy chúng tôi những bài học đạo đức thiết thực và dễ nhớ như hiếu thảo với cha mẹ, hòa mục với anh em, tình nghĩa với bạn bè v.v...
Nhiều lần đứng trước miễu, ông từ đọc hai câu đối cho bọn trẻ chúng tôi nghe, giọng sang sảng chất ngất hào khí:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.
Muôn lần như một, khi nào đọc xong hai câu đối, ông từ cũng đứng lặng yên hồi lâu, gương mặt đổi sắc vì xúc động. Sau đó ông giải nghĩa hai câu thật tường tận, nhưng lúc bấy giờ vì còn quá nhỏ nên tôi không thể nào hiểu hết ý nghĩa hai câu đối đó.
Ông từ còn kể lại trận hỏa hồng Nhựt Tảo cho anh em chúng tôi nghe theo truyền thuyết trong gia đình ông. Ông kể rằng ông tổ ông đã từng tham gia lực lượng nghĩa quân do anh hùng Nguyễn Trung Trực lãnh đạo, nổi lên chống Pháp. Ông tổ của ông là một trong số vài ba người hiếm hoi đầu tiên đến lập nghiệp tại làng nầy. Hồi đó rừng rậm còn chiếm tới hơn bảy phần mười diện tích lưu vực sông Cái và sông Vàm Cỏ Đông. Đời sống những người tiên phong khai phá rừng tuy sung túc, dư giả về lúa gạo và cá tôm nhung luôn luôn bị thú dữ đe dọa. Để sống còn, họ đã tổ chức cuộc sống hợp quần tương trợ. Đến năm ông tổ ngoài ba mươi tuổi thì giặc Pháp xâm lăng. Hưởng ứng lời chiêu mộ của anh hùng Nguyễn Trung Trực, ông tổ tham gia nghĩa quân dốc lòng đánh đuổi ngoại xâm.
Quân Pháp đem chiến thuyền Espérance đến bỏ neo tại bến đò Nhựt Tảo, rồi đổ bộ lên bờ càn quét. Một buổi sáng nọ, khi mặt sông Vàm Cỏ Đông còn mịt mờ sương khói, lính Pháp rời tàu lên bờ ruồng bố bắn giết như mọi ngày. Dưới tàu còn lại chừng một tiểu đội canh giữ. Chủ tướng Nguyễn Trung Trực đã cho bố trí nghĩa quân mai phục trong đám bần và lá dứa nước rậm ri ven sông gần tàu. Số nghĩa quân còn lại gồm những tay nghĩa dõng võ nghệ cao cường, nam nữ có đủ. Số người này cải trang thành một đoàn người đi rước dâu. Chiếc mâm trầu đậy khăn đỏ thêu rồng phụng bên trong toàn gươm đao, còn dưới lớp áo dài rộng phùng phình đều giắt giáo mác. Vì ngụy trang là đám cưới nên đám lính Pháp trên tàu không để ý. Thừa cơ hội đó, nghĩa quân xông lên, giết hết đám lính canh tàu và ném xác xuống sông. Đây là lần đầu tiên giòng Vàm Cỏ Đông hiền hòa nhuộm máu kẻ xâm lăng. Sau đó ông Nguyễn Trung Trực ra lệnh nổi lửa đốt tàu. Chiếc Espérance chẳng mấy chốc đã thành bó đuốc khổng lồ, nổ tung và chìm xuống lòng sông. Ông tổ của ông từ cùng với năm nghĩa quân khác đã hy sinh trong trận đánh này.
Sau lần thảm bại đó, giặc Pháp mở nhiều cuộc hành quân thẳng tay tàn sát dân lành trong vùng. Ông Nguyễn Trung Trực đã mở địa bàn hoạt động sang cả Thủ Thừa, Bến Lức, Phước Lý, Long Thành, thanh thế vang dậy khiến Pháp phải treo giải bắt ông. Về sau có tên Huỳnh Tấn hợp tác với Pháp, bày mưu bắt mẹ ông để chiêu dụ. Ông vì lòng hiểu phải qui hàng và bị giặc Pháp chém tại Rạch Giá vào ngày 27 tháng 10 năm 1868.
Ông từ kể rằng, từ đó đến nay trải qua nhiều thế hệ, giòng họ ông vẫn duy trì tập tục tôn thờ chủ tướng Nguyễn Trung Trực. Mỗi năm vào ngày giỗ ông tổ, mâm cỗ bày cúng trên bàn thờ bao giờ cũng có một chén cơm và một đôi đũa để chính giữa mâm, đặt cao hơn các chén cơm khác. Chén cơm và đôi đũa đó là cả tấm lòng thành kính của hậu duệ nghĩa quân đối với chủ tướng.
Trong khoảng thời gian dài nhiều năm trước ngày mất nước, trên đường đời xuôi ngược, thỉnh thoảng tôi có ghé qua thị xã Rạch Giá. Pho tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực được dựng tại một công trường gần chợ. Không ai bảo ai, mọi người khi băng qua công trường trước mặt tượng đều giở khăn nón và cúi đầu cung kính. Họ có thể là một công chức vận âu phục sang trọng, là một nông dân quê mùa khăn quấn cổ, đầu bới tóc "trứng cu", miệng nhai trầu bỏm bẻm. Họ có thể là một em học sinh tiểu học hay một cô thôn nữ chất phác. Nhìn thấy mọi người tỏ lòng sùng kính ngưỡng mộ những vị anh hùng dân tộc, tôi càng thêm tin tưởng. Một dân tộc biết tôn thờ những người vị quốc vong thân, thì dân tộc đó cũng biết kết án và nguyền rủa muôn đời những kẻ phản dân hại nước.