Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

 

 

CÕI THƠ THÁI TÚ HẠP

 

TRẦN NGỌC CHẤT

 

Thơ từ ngàn xưa vốn là biểu hiện của một lối ngôn ngữ tinh lọc, cô đọng, đầy nhạc tính và chuyên chở nhiều ảnh tượng. Nhà thơ thường được ví như một phù thủy trong sự xử dụng ngôn từ theo những dạng thức độc đáo, hầu tạo cảm xúc nơi người đọc. Mỗi một nhà thơ đều có một lối bày tỏ, một lối truyền đạt tình và ý riêng biệt của mình và từ đó, tự tạo cho mình một phong cách riêng trong việc xây dựng qua thi ca một thế giới đặc thù, một cõi thơ. Uy lực của một nhà thơ tiềm ẩn ở khả năng níu kéo được sự chú ý của người đọc, lôi cuốn và thúc đẩy họ tìm hiểu và khám phá cái hay, cái lạ, cái đẹp trong cõi thơ mình. Một nhà thơ thành danh nhất thiết phải vượt qua ngưỡng cửa của đòi hỏi trên. Sự đòi hỏi này càng khẩn thiết và thường xuyên nơi người đọc bao nhiêu thì uy danh của nhà thơ càng tỏa rộng bấy nhiêu.

Thái Tú Hạp là một nhà thơ thành danh tại quê nhà vào những năm của thập niên 60, 70. Sự kiện này nói lên ở ông có một cõi thơ đã được hình thành và được người đọc chú ý dõi theo. Năm tháng đã phôi pha, cuốn hút theo những biến chuyển đau thương dồn dập một thủa, nhưng dễ mấy ai chẳng bùi ngùi, cảm khái nhìn thấy những đổi thay chua xót nơi mình, nơi người. Là một nhà thơ, Thái Tú Hạp hơn ai hết, hẳn đã cảm nhận một cách sâu sắc những vết quất của thời đại, những bi thảm của một cuộc chiến khốc liệt đã qua và những băn khoăn khắc khoải của kiếp sống tha hương hiện tại. Cõi thơ Thái Tú Hạp hôm nay tất phải phản ánh nỗi đau thương và niềm ưu tư đó. Ở vào tuổi trên 50, cái tuổi mà người xưa gọi là tri thiên mệnh, Thái Tú Hạp hẳn đã phà vào những vần thơ của ông những gì vang vọng của ngót-nghét-gần-cả-một-đời-người. Chính với nhận định đó, tôi đã ru mình vào thi phẩm mới nhất của ông: HẠT BỤI NÀO BAY QUA.

Thưởng lãm một bài thơ thường đòi hỏi, sau khi cảm xúc tiếp cận lắng dịu, một chút tư duy. Thưởng lãm một thi phẩm là cả một công trình suy gẫm, phân tích, đối chiếu, gạn lọc và tổng hợp trải dài trong một thời gian nào đó. Người đọc như lạc vào một rừng hoa muôn hương muôn sắc. Tùy theo tâm trạng, hành trang kiến thức mà mỗi người đọc bày tỏ ý hướng thưởng ngoạn khác nhau. Có một kích thước chủ quan nào đó - nghĩa là nhìn từ một góc cạnh cá biệt - trong sự nhận định thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua này. Người viết muốn nhấn mạnh đến trạng huống đó khi tiến hành chọn lựa những bông hoa đặc sắc để kết thành bó hoa tiêu biểu cho rừng hoa đặc thù Thái Tú Hạp.

 

NỖI BUỒN TRONG THƠ THÁI TÚ HẠP

 

Cái ấn tượng đầu tiên người đọc ghi nhận khi dấn mình vào cõi thơ Thái Tú Hạp ấy là giáo lý của đạo Phật. Hầu hết các bài thơ trong thi tập Hạt Bụi Nào Bay Qua đều ẩn hiện cái Lý Vô Thường, Vô Ngã và cái Lý Chân Không. Vạn vật hễ sinh tất diệt, hễ có hình tướng ắt phải có hủy hoại. Chúng biến đổi liên tục qua bốn thời kỳ. Phật học gọi là Sinh, Trụ, Dị, Diệt. Bốn thời kỳ này qua mau gọi là Niệm niệm vô thường hay Sát na vô thường. Cứ hủy hoại rồi hồi sinh mà luân hồi miên man như dòng nước chảy. Do đó, tất cả những cảnh vật và hiện tượng đều giả. Chỉ có một cảnh tượng thật, đúng, vĩnh viễn, đó là Chân Không. Nó hoàn toàn khác biệt với ý niệm về hư vô (neant) trong triết học thái tây. Chân Không là thật không, là cái gì tuyệt đối, duy nhất, tưởng không mà thật vẫn có, bản thể của mọi sinh vật trong đó có ta. Bản thể ấy bất sanh, bất diệt, bất biến, trọn vẹn viên mãn. Đó là Chân Như (Thật Như), Như Lai (từ xưa đến nay và mãi mãi vẫn vậy), Bản Lai Diện Mục (Bộ Mặt Thật của vạn vật). Thái Tú Hạp ngộ được tính Vô Thường và Chân Không đó chính là nhờ vào căn cơ: Ông đã sinh trưởng trong một môi trường mà hương khói nhang đèn, tiếng mõ tụng niệm nơi chùa chiền chốn tu viện đã hơn một thủa, lớp lớp bao trùm lấy ông để trở thành cái nền mà xuyên qua các biến cố của cuộc đời, ông đã đem thơ lồng vào đó để phác họa những nét chính yếu về tâm thức mình. Ông chẳng hề là một sa di nhưng đôi lần cũng tính chuyện sống đời thiền giả:

 

ta sẽ bỏ đi xa

sống cuộc đời thiền giả

núi rừng cùng trăng sao

ngoài dặm ngàn tịch lặng

(Dặm Ngàn Tịch Lặng)

 

Nhưng để sau đó thở than:

 

...sao ta giữ hoài vọng ngã

nghìn năm liễu ngộ Chân Như?

 

Thật ra, Thái Tú Hạp chỉ là một nhà thơ, một nhà thơ thấm nhuần Ánh Đạo Vàng. Như mọi nhà thơ khác, ông vốn là một nòi tình. Ý thức được tính Vô Thường nơi cuộc đời, nhà thơ buồn, nỗi buồn mênh mông trải dài suốt đời từ thủa ấu thơ nơi quê nhà, khi chinh chiến, chốn tù đầy, nơi đất khách, vì ông nghĩ:

 

ta cũng chỉ là cánh chim trời thoáng hiện

bay qua một lần rồi biền biệt tăm hơi

(Xin Người Hãy Quên)

 

Ông thở dài vì thấy “đời tan như bọt sóng” (Người Tù Binh Dũng Liệt) mà ngỡ ngàng vì:

 

có phải trăm năm đời vụt tắt

trong mắt người hư ảo biển dâu

(Tâm Ở Lại)

 

để thấy:

 

khói sầu lên hiu hắt

(Ẩn Cư)

 

mà:

 

nghe sầu vỡ trăm năm

(Trong Vườn Xuân Hạnh Ngộ)

 

Nỗi buồn này mỗi ngày một ray rứt triền miên để trở thành một ám ảnh, một ám ảnh thường xuyên nơi Thái Tú Hạp, vì Thơ để được gọi là thơ, luôn luôn đòi hỏi đổi mới, sáng tạo không ngừng. Thơ không chấp nhận sự lập lại nhàm chán bất cứ một từ, ý nào. Lập lại để rơi vào khuôn sáo. Lập lại là dấu chỉ tố giác hùng hồn về một nghèo nàn lười biếng trong sáng tạo. Ở Thái Tú Hạp, thường tìm thấy hay bắt gặp những từ của nhà Phật, của Thiền như Sát Na / Ta Bà / Chân Kinh / Đốn Ngộ ... có người khi đọc thơ Thái Tú Hạp, đã cho rằng ông muốn làm thơ về Thiền và hoài nghi sự thành công nơi ông về thể loại này. Thiền vốn thâm sâu và đòi hỏi một căn cơ tu luyện kiên trì và thành khẩn nơi hành giả, tôi không nghĩ Thái Tú Hạp chủ ý làm thơ về Thiền và lại càng nghi ngờ về một ý hướng quyết liệt trở thành hành giả nơi ông. Trong thơ Thái Tú Hạp, cái buồn, nỗi dày vò về tính vô thường của cuộc đời nổi bật hẳn lên nhưng chúng không hề trở thành động lực khiến ông tìm cách thoát ly. Làm như nghiệp chướng còn sâu đậm nơi ông, níu kéo ông, ngăn chận ông trên đường tịnh tiến. Tuy rằng đặt bút viết:

 

em hỏi ta

căn nhà vĩnh cửu?

ta soi tâm thấu triệt vô thường”

(Ngộ)

 

và hứa hẹn:

 

mai về khép cánh biển dâu

giở trang vô tự trắng nhòa sắc không

 

Nhưng cái Tình, hiểu theo nghĩa thông thường nơi cõi vô thường này, vốn là căn nguyên của mọi khổ lụy vẫn không được ông triệt tiêu. Thậm chí ông còn đề cao nó đến mức độ quá quắt. Còn gì lãng mạn hơn khi nguyện ước cùng người mình yêu rằng:

 

nhất quán rồi - mộng mai sau

tâm vô lượng mở - có nhau luân hồi

(Luân Hồi Có Nhau)

 

Phải nói trong thơ Thái Tú hạp, có sự giằng co liên hồi, một sự ray rứt thường xuyên về Sắc-sắc, Không-không, về Tình lụy và Trí huệ, về Động và Tĩnh, về Ý thức và Cuộc sống. Ông quy y và trì giới nhưng hầu để vẫn duy trì luân hồi trong cõi Nhân thừa. Cái thiết tha nơi Tình yêu thì mênh mông mà cuộc đời thì hạn hẹp. Vẫn muốn yêu như đã yêu từ muôn vạn kiếp, vẫn mong gặp vì đã gặp ở một thủa xa xưa. Xin được luân hồi có em mặc dù:

 

tay trắng phiêu bạt đời hư ảo

(Nghe Suốt Đời Ta Một Núi Sông)

 

và cuộc đời hiện tại đầy ê chề:

 

cho ta đốt tuổi bên trời lưu vong

(Dạo Phố Người)

 

Nhà văn Nguyễn Triệu Nam khi bàn về thơ Thái Tú Hạp đã mượn lời của Thi sĩ Quách Thoại “Thềm tôn giáo ta đặt hồn mơ ngủ” để xác định giấc chiêm bao chập chờn “trên ranh giới vô minh giữa cõi Ta-bà và Xuất-thế-gian Vô ưu” trong thơ Thái Tú Hạp. Thật vậy, bài thơ Nghĩ Ngợi Trước Hoa là chứng cớ hùng hồn về giấc chiêm bao trên. Khi nhìn đóa hồng sớm mai Thái Tú Hạp tự vấn:

 

có phải là sắc hoa

hay chỉ là giả tướng

tâm có phải là hoa

hay mắt nhìn ảo tưởng

 

Ông đã xử dụng lý trí để truy tầm chân lý nhưng lý trí vốn mang nặng cái cốt nhị nguyên. Nó đã dựng lên cái Ta ở nơi ông, đối lại với cái Chẳng-là-Ta, chủ thể và khách thể. Mặc dù sau đó ông đã tìm dần đến mấp mé của biên tế tôn giáo, của Đạo Phật khi ông:

 

xin mắt em là hoa

trong vô thường yêu dấu

 

và mong ước:

 

ta thôi còn của ta

như bóng chiều nắng xế

như giọt buồn trên hoa

có không nào ai biết

 

Phật học thường nói đến Đại Tử Nhất Phiên (cơn chết lớn) nghĩa là sự cắt đứt dòng suy niệm, triệt tiêu cái ta, vọt lên trên trí thức, vượt ra ngoài thế giới sai biết vì thế giới vô phân biệt, chỉ mở rộng khi cái tâm sai biệt đã bị trừ khử. Thái Tú Hạp hình như cũng ý thức thấy điều đó nên ông viết:

 

vì tâm hoài chưa định

nên hoa vẫn còn hoa

 

Lý do: Cái ta của ông còn quá nặng cho dù đã chối bỏ những thuộc tính của nó. Cái ta ấy vẫn còn đó trong ý niệm hiện hữu. Chỉ mới “ta thôi còn của ta” nên cuối cùng ông than thở trong tiếc nuối:

 

cái tâm nào của ta

phương đời buồn không dứt

 

Chính vậy mới không phát Huệ được vì Bát Nhã là vô niệm, vô tâm. Ông vẫn còn lẩn quẩn trong cõi tư nghì. Chính cái vòng vo lẩn quẩn này sẽ mở cánh cửa của cõi “vô thường yêu dấu” mà chúng ta sẽ có dịp chiêm nghiệm sau này.

 

VẺ TRẦM MẶC TRONG THƠ THÁI TÚ HẠP

 

Hiệp định Genève năm 54 đã đưa đất nước vào một cuộc phân ly đau xót. Cả triệu người rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn di cư vào Nam lánh nạn Cộng sản, tạo nên một thế tương tranh khốc liệt giữa hai miền. Cuộc chiến về ý thức hệ mở màn. Để đương đầu với học thuyết Mác Lê, một cao trào nghiên cứu Triết Nhân Vị, một học thuyết chắp nối bắt nguồn từ thuyết hiện sinh hữu thần của K. Jaspers, G. Marcel, và được triển khai bởi triết gia E. Mounier, được đề cao nhưng không đủ tầm vóc ứng dụng cụ thể vào thực tiễn. Hơn bao giờ hết, những vấn đề về thân phận con người, về trật tự xã hội, về diễn biến của lịch sử được đào sâu và bàn cãi sôi nổi. Nhóm Quan Điểm được hình thành với Vũ Khắc Khoan, Tạ Văn Nho, Mặc Đổ, Nghiêm Xuân Hồng với nỗ lực “Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng” (NXH). Trong lãnh vực thi ca nhóm Sáng Tạo với Thanh Tâm Tuyền muốn “xô động tới những giới hạn siêu hình” mở ra một giòng thi ca mới “Khởi từ ca dao sang tự do”, Thái Tú Hạp đến sau cũng đắm mình trong mạch thơ tự do đó nhưng khác với hành trang sẵn có ở nội tâm: đạo Từ Bi. Trên hành trình thăm thẳm từ tiểu ngã về với đại ngã, ông đã bắt gặp những “dấu tích trầm mặc” của một “miền yêu dấu phương đông”. Từ đó, trong cái hành lang hun hút sâu thẳm của tiền kiếp, tiếng thơ của ông, nói theo kiểu của nhà văn Duy Lam, “nhuốm vẻ u hoài tha thiết như tiếc nhớ những cái đẹp hầu như khó có thể tìm thấy trong cái ồn ào hỗn độn của thế giới hiện đại”. Phảng phất trong thơ ông cái phong vị của Đường Thi: Dáng dấp những Thôi Hiệu, Đỗ Phủ ẩn hiện đâu đấy trên những vần thơ dung dị. Trong bài Trăng Viễn Xứ, cái niềm đau vong quốc được ông bày tỏ cùng trăng. Hơi thơ như được dồn nén từ tâm với tất cả kình lực u uất, nhưng được tỏa ra bằng cử động khoan thai từ tốn ngước nhìn vầng trăng:

 

...người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng

 

Để rồi thấy trăng rơi rụng mà thầm trách:

 

ta giờ trăng chết ở trong tâm

 

Mà thương nhớ về bản quán:

 

cố hương trăng khuyết đìu hiu nhớ

dạ lý hoa còn phảng phất hương

 

Bởi vì:

 

trăng cưu mang niềm đau vong quốc

 

nên đã khiến:

 

kẻ lưu đày u hoài đất khách

 

Chỉ nghe tiếng thở dài vì:

 

Bằng hữu như sương hạc bay qua

 

Và người yêu:

 

như ánh sao chiều héo hắt xa

 

Nhà thơ thầm nhủ với mình:

 

Thôi ngẩng đầu chi đêm trăng sáng

 

Để thấy hồn mình đã chết vì cách biệt cố hương. Trăng vẫn là trăng của ngàn xưa:

 

trăng vẫn chung tình với thế gian

 

Nhưng đối với nhà thơ thì bây giờ trăng chỉ còn là:

 

trăng lạnh lẽo buồn trong nghĩa trang

 

Lời thơ trầm buồn thống thiết, mối hận vong quốc canh cánh bên lòng. Ở ông, có sự tiết chế kìm hãm, nén chặt tình và ý khiến chúng không quá bồng bột. Ông đã dùng Ý tại ngôn ngoại, kín đáo mà hàm xúc, trau chuốt mà cô đọng, nhẹ nhàng mà thiết tha.

Thi tập Hạt Bụi Nào Bay Qua bao gồm 88 bài thơ mà trong đó gần một nửa (33 bài) được viết theo thể thơ ngũ ngôn rất sở trường của ông, một thể thơ giúp ông gói ghém ý, tình theo một cách tinh tế khiến người đọc ngậm ngùi xót xa.

 

CÕI “VÔ THƯỜNG YÊU DẤU” TRONG THƠ THÁI TÚ HẠP

 

Con người luôn luôn bị trói buộc trong không và thời gian và nhất thiết phải sống trong một tập thể, cộng đồng xã hội. Do đó không thể không đề cập đến một nền văn hóa nào đó tác động lên mỗi một chúng ta (enculturation). Nhưng con người lại là một tự do hiểu như khả năng luôn luôn đổi mới, phủ định ngay chính mình. Thái Tú Hạp đã hấp thụ sâu đậm giáo lý đạo Phật, nhưng trong cuộc sống đích thực hàng ngày, ông như kẻ đang đi đu, nghiêng ngã, chênh vênh giữa Sắc-sắc Không-không. Và hình như nhiều khi ông có vẻ đòi bỏ tư thế đó để đắm mình vào cõi vô thường đầy khổ lụy này. Ông thầm ước:

 

xin mắt em là hoa

trong vô thường yêu dấu

 

để mình được:

 

như giọt buồn trên hoa

(Nghĩ Ngợi Trước Hoa)

 

Ông tỏ ra am hiểu luật chơi ở nơi chốn bụi hồng này. Tất cả đều phải trả giá.

 

hạnh phúc nào chẳng xót xa

tự do nào không khơi máu thắm

(Hạt Bụi Nào Bay Qua)

 

Và ông đã chấp nhận nhập cuộc nên cõi vô thường này đã chuyên chở biết bao dấu yêu đối với ông.

Dấu yêu thiết tha đó là Quê Hương. Ôi Quê Hương! Quê Hương là gì mà hồn ta luôn luôn hoài vọng? Nói theo nhà văn Nguyễn Mộng Giác thì: “Quê Hương là chỗ để về, nơi có một mái nhà, có những người thân yêu, có những kỷ niệm đẹp nhất của một đời. Nơi một hòn sỏi, một gốc cây cũng đủ khiến ta bồi hồi xúc động” (Sông Côn Mùa Lũ). Trong thơ Thái Tú Hạp, quê hương lồng lộng với một Hội An cổ kính “Mái ngói âm dương hò hẹn”, với:

 

trái tim thời mộng mị

cất dấu trong hồn những kỷ niệm ấu thơ

(Bầy Hạc Rong Chơi)

 

Bài thơ Tôi Sẽ Về Thăm Quảng Nam nói lên tình quyến luyến của nhà thơ về một nơi chốn đầy ắp kỷ niệm, nơi ấp ủ “thủa tình yêu mới chớm”, nơi khơi dậy niềm kiêu hãnh của một địa linh nhân kiệt:

 

núi Non Nước, động Huyền không khói quyện

miền quê hương có Ngũ Phụng Tề Phi

 

Đối với kẻ lưu đày tình Quê Hương thật thấm thía và xót xa khiến Thái Tú Hạp thẫn thờ:

 

trong thế gian này nỗi sầu nào đau đớn nhất

cũng không bằng sầu mất quê hương

 

Dấu yêu êm ái luôn luôn vang vọng trong thơ Thái Tú Hạp đó là Tình Mẹ. Ông ra đi mà lòng luôn luôn hướng về cố quốc nơi Mẹ già còm cõi chờ mong nên đã viết lên những lời lẽ thống thiết:

 

mười năm rời xa Mẹ

lòng con đầy tiếng Kinh...

đêm hoài mơ thấy mẹ

thắp nến soi hồn đau

đời con chiều quạnh quẽ

đất lạ hắt hiu sầu

(Nhớ Mẹ)

 

Ba mươi măm chinh chiến đôi lần đã đưa Thái Tú Hạp kề cận cái chết để rồi kết thúc nơi lao tù. Chinh chiến đã ghi đậm nét trong tâm khảm ông như một dấu yêu về những người đồng ngũ. Bài thơ Người Tù Binh Dũng Liệt là một vinh danh những người chiến bại nhưng bất khuất trong chốn lao tù:

 

trái tim vẫn nguyên trinh

giữa gông cùm đốn nhục

hòn ngọc vẫn tinh anh

giữa đọa đày địa ngục

 

Có lẽ, trong cuộc chiến vừa qua, những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, phải kể đến các thương binh. Thái Tú Hạp không hề quên họ! Thơ ông chứa chất biết bao hào khí khi đề cập đến họ, những người đã một thủa:

 

An Lộc - Khe Sanh - Đèo Lao Bảo

Tử Sinh ta xem nhẹ như không

 

Nhìn những chiến hữu từng người, tường người trên bước đường lưu vong, Người Thương Binh Uống Rượu Bên Giòng Sông đầy sảng khoái khi khuyên:

 

”...bạn cứ đi nhằm nhò gì lưu luyến

ta một mình. Sống được: yên tâm

 

Thật cao ngạo và cũng đầy nghiệt ngã:

 

chiều uống rượu bên dòng sông tủi nhục

hát một mình bài hát cũ: Quốc ca

 

Nhưng dấu yêu sâu đậm và rực rỡ nhất trong cõi vô thường Thái Tú Hạp ấy chính là mối ân tình ông dành cho người bạn đường. Bài thơ Mùa Xuân Yêu Em là một thổ lộ làm mủn lòng người đọc. Có một mùa xuân, một mùa xuân khi “hàng cây nẩy lộc thầm thì” khi “Núi non xứ Quảng cũng mềm bước đi” đó là “Mùa xuân từ thuở yêu em” để rồi trở thành giai ngẫu. Tình vợ chồng, nghĩa phu thê đã được ông giải bày trọn vẹn:

 

Này:

tiếng chung thủy ở

tiếng đường mật vui

 

Này:

tiếng hờn ghen. Tiếng ngậm ngùi

tiếng đau dao cắt. Tiếng mùi mẫn yêu

 

Nhưng vượt lên trên hết chính là sự chịu đựng cam khổ của người bạn đường. Một lòng một dạ thủy chung với chồng qua biết bao thăng trầm của cuộc đời.

 

lúc khuya sớm, thủa quê nghèo

lúc chinh chiến lửa phận treo tuổi mình

lúc ngã ngựa. Khi tàn binh

lúc non cao vẫn trọn tình thăm nuôi

trùng dương u thảm phận người

quẩn quanh hải đảo tiếng cười đắng cay

 

Ân nghĩa sâu đậm trùng trùng lớp lớp như vây nên nhà thơ van xin:

 

đất trời thơm ngát lộc non

cho ta xuân thắm vô vàn yêu em

 

Và dấu yêu mang biểu tượng của hy vọng, của tương lai đầm ấm ấy là tình thiết tha trìu mến nhà thơ dành cho ái nữ. Như một “Hạnh Phúc Đời Ban Cho” khi:

 

con mở mắt giữa quê người đất khách

nhưng ta nghe như có núi sông gần

 

Ông nhắn nhủ:

 

con hãy nhớ suối nguồn xưa tâm huyết

quê hương trong ý thức lưu đày

và cho dù tên con Cynthia

hay là gì chăng nữa

con vẫn là cô gái Việt Nam

 

Cõi thơ Thái Tú Hạp nhìn xuyên qua thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua, trừ phần thao thức với giáo lý nhà Phật và công án Thiền là tâm thức của lớp người lưu đày sau một cuộc chiến khốc liệt huynh đệ tương tàn. Biết bao chia lìa, đổi thay đầy máu và nước mắt. Nơi đất khách, họ chẳng còn gì ngoài chính họ, tự phấn đấu để sinh tồn nhưng luôn luôn hoài vọng cố quốc. Gia đình vẫn là nền tảng cần phải bảo vệ và thủy chung vẫn là ý hướng ấp ủ trong cuộc sống. Chỉ có Tình Yêu đích thực mới giúp họ thắng lướt được nghịch cảnh, hận thù và những cám dỗ về một cuộc sống đuổi theo nhu cầu. Tình Yêu ở dạng thức chói lòa nhất bao giờ cũng bao hàm lòng thủy chung thể hiện trong cuộc sống. Ngày xưa Nguyễn Du viết: “kiến thi như kiến nhân” (thấy thơ như thấy người). Đọc thơ ắt hiểu lòng người. Khoan hòa mà thiết tha, trầm lặng mà da diết, mộng mơ mà thủy chung, đơn sơ mà hàm xúc. Đó là tiếng thơ Thái Tú Hạp. Gạt bỏ đi một vài níu kéo vô thức hay ý thức về một số từ ngữ của đạo Phật khiến đưa đến vài ngộ nhận về thành tâm của nhà thơ, những bài thơ như Sao Khuya, Nghĩ Ngợi Trước Hoa quả là những nhịp cầu đẹp và vững đưa người đọc đến thềm Đạo Từ Bi. Người viết nghĩ ở những tác phẩm tới, mong ông sẽ vươn lên thi Phật (Phật trong thơ) mà thi hào tiêu biểu (theo Hoàng Duy Từ) là Vương Duy đời Đường vì:

 

nhất sinh kỷ hử thương tâm sự

bất hướng không môn, hà xứ tiêu

 

ở đời bao chuyện thương tâm

không về cửa Phật biết làm sao khuây?

Trần Trọng San dịch

 

Việc nhà thơ có đạt được mức độ nào trong đường hướng này hay không ấy cũng tùy ở ông, ở cơ duyên và thành khẩn nơi ông. Riêng người viết, ở một chiều hướng khác có tính cách thế tục, rất xúc động với bài Nhớ Mẹ, Hạnh Phúc Đời Ban Cho và nhất là bài Mùa Xuân Yêu Em. Chúng phản ánh những giá trị đạo đức muôn đời, những tình cảm cao đẹp muôn thủa. Khi mà những đổ vỡ tới tấp vây quanh ta trong cuộc sống thường nhật thì hơi thơ của Thái Tú Hạp là một nguồn an ủi lớn lao giúp ta vững tin vào một ngày mai. Khi mà trái đất đã nặng tuổi đời (4.6 tỷ năm) thì một kiếp người nào có nghĩa gì! Chỉ là một Hạt Bụi Nào Bay Qua. Trong thơ Thái Tú Hạp một kiếp người quả là một hạt bụi, nhưng là một hạt bụi long lanh ngời sáng với thủy chung của một loại kim cương bất hoại. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để làm mềm lòng người viết và khiến hắn bày tỏ nỗi niềm trên những trang giấy mong manh này hầu xin:

 

đất trời thơm ngát lộc non

cho ta xuân thắm vô vàn yêu EM.